Kinh tế châu Á phục hồi song còn nhiều khó khăn

Mạng phân tích thông tin kinh tế (EIU) của tạp chí Anh "The Economist" có phân tích cho rằng tình hình kinh tế của các nước châu Á đang dần được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn trong một vài năm tới do nhiều nền kinh tế phục hồi chậm và không vững chắc.

Theo EIU, 2009 sẽ là năm tồi tệ nhất đối với châu Á trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhờ nới lỏng những chính sách tiền tệ và tài chính, tình hình bắt đầu ổn định ở nhiều nước. 
Mạng phân tích thông tin kinh tế (EIU) của tạp chí Anh "The Economist" cuối tuần qua đăng bài phân tích cho rằng tình hình kinh tế của các nước châu Á đang dần được cải thiện, song vẫn còn nhiều khó khăn trong một vài năm tới do nhiều nền kinh tế phục hồi chậm và không vững chắc.

Theo EIU, 2009 sẽ là năm tồi tệ nhất đối với châu Á trong nhiều thập kỷ qua. Tuy nhiên, nhờ nới lỏng những chính sách tiền tệ và tài chính, tình hình bắt đầu ổn định ở nhiều nước. EIU đã nâng mức dự báo kinh tế châu Á sẽ chỉ suy giảm 0,6% năm 2009 so với dự báo -1,9% trước đó, và sẽ tăng trưởng 3,7% năm 2010.

Mặc dù vậy, với mức tăng trưởng -0,6%, kinh tế châu Á năm 2009 vẫn xấu hơn so với năm 1998 khi cuộc khủng hoảng tài chính càn quét khu vực này (GDP của châu Á khi đó giảm 0,4%). Nếu không tính Nhật Bản, tương lai của khu vực châu Á còn sáng sủa hơn, với mức dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2009 là 3,1% và năm 2010 là 5,1%.

Có nhiều bằng chứng cho thấy các nền kinh tế châu Á đang ổn định trở lại. Bằng chứng rõ nhất là sự phục hồi của Trung Quốc, tăng trưởng GDP của nước này trong quý II/2009 đã tăng lên mức 7,9%, trong khi quý I chỉ là 6,1%. Singapore, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng đã tăng trưởng một cách đáng ngạc nhiên, khi GDP trong quý II đã tăng 20,4% so với quý trước đó. Trong thời gian qua, sản lượng công nghiệp của vùng lãnh thổ Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore và Nhật Bản tháng sau đều tăng so với tháng trước.

Lý do kinh tế châu Á ổn định nhanh hơn là do chính phủ và ngân hàng trung ương các nước đã có hành động quyết liệt trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ và tài chính. Bên cạnh đó, chu kỳ tích trữ hàng hóa đã bắt đầu với lợi thế dành cho châu Á. Khi nhu cầu giảm mạnh hồi cuối năm ngoái, sản lượng công nghiệp của nhiều nước tụt dốc do các công ty tìm cách giảm lượng hàng trong kho. Hiện nay hàng trong kho đã hết và các công ty bắt đầu thúc đẩy sản xuất để đáp ứng nhu cầu mới.

Những thay đổi chính sách ở châu Á cũng hiệu quả hơn so với các khu vực khác. Các ngân hàng châu Á không phải hứng chịu các khoản nợ dưới chuẩn của Mỹ nhiều như các ngân hàng Mỹ và châu Âu. Điều này có nghĩa châu Á ít phải kiểm soát tín dụng chắt chẽ như các khu vực khác và cũng sẵn sàng hơn trong việc chuyển ưu đãi cắt giảm lãi suất. Đồng thời, người tiêu dùng châu Á (ngoại trừ ở Hàn Quốc) cũng mắc ít nợ hơn so với các nước như Mỹ và Anh, do đó họ có trách nhiệm hơn trong việc thúc đẩy tiêu dùng cá nhân.

Mặc dù dự báo đa số các nền kinh tế sẽ tăng trưởng trong năm 2010, nhưng nhiều nước sẽ phục hồi chậm và không vững chắc. Trung Quốc và Ấn Độ là hai nước phục hồi tốt nhất với mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm tới tương ứng là 8% và 6,3%, trong khi Việt Nam, Philippines, Bangladesh, Indonesia, Malaysia và Sri Lanka dự báo sẽ tăng trưởng trên 3%. Tuy nhiên các nền kinh tế khác như Australia, Nhật Bản, New Zealand và vùng lãnh thổ Đài Loan sẽ chỉ tăng trưởng dưới 1%. Đến năm 2013, tăng trưởng của khu vực vẫn thấp hơn các mức đã đạt được trong những năm 2004-2007.

Mặc dù tương lai đã sáng sủa hơn, nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ đối với kinh tế châu Á. Nguy cơ chính là triển vọng không rõ ràng của xuất khẩu và nền kinh tế toàn cầu. Dự báo trong năm 2010, xuất khẩu chỉ phục hồi vừa phải khi kinh tế thế giới phục hồi chậm. Tuy nhiên, do những yếu kém lớn về cấu trúc của các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), không loại trừ hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm một năm nữa. Nếu điều này xảy ra, châu Á sẽ tiếp tục phải hứng chịu nhiều khó khăn.

Một nguy cơ nữa là việc duy trì các gói kích thích của các nước. Cho dù tình hình tài chính của nhiều quốc gia trong khu vực tương đối vững chắc, nhưng nhiều nền kinh tế như Nhật Bản, Malaysia, Philippines và Ấn Độ đã thâm hụt ngân sách lớn hoặc nợ so với GDP ở mức cao. Điều này dẫn đến câu hỏi là liệu các nước này có thể duy trì chính sách hỗ trợ tài chính được bao lâu. Tiếp đó, do lạm phát gần đây giảm mạnh nên các ngân hàng trung ương có thể giảm lãi suất để thúc đẩy phát triển.

Trong một vài năm tới, lạm phát dự kiến vẫn ở mức thấp do nhu cầu yếu, song chỉ cần lương thực hay dầu mỏ tăng giá sẽ đẩy lạm phát leo thang và buộc các ngân hàng trung ương phải nâng lãi suất./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục