Kinh tế - chìa khóa giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử?

Chính quyền của ông đã cắt giảm thuế, theo đuổi một chương trình nghị sự bãi bỏ quy định và khuyến khích sự phát triển trong ngành năng lượng của Mỹ.
Kinh tế - chìa khóa giúp Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử? ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Menomonee Falls, Wisconsin. (Nguồn: cnbc.com)

Trang mạng bloomberg.com đưa tin nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump hy vọng kéo những người bảo thủ kinh tế về phía mình, ông cần phải làm gì?

Trong bài phát biểu ngày 12/11 tại Câu lạc bộ kinh tế New York, ông đã bảo vệ mạnh mẽ những thành tích của mình về tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Thế nhưng, lập luận của ông cho cuộc chiến thương mại dù rất hoa mỹ nhưng thiếu phân tích kinh tế. Tổng thống Trump đã nhắc nhở người nghe về những lợi ích chính sách.

[Fed đưa ra giải pháp tháo gỡ các mối đe dọa dài hạn đối với kinh tế Mỹ]

Chính quyền của ông đã cắt giảm thuế, theo đuổi một chương trình nghị sự bãi bỏ quy định và khuyến khích sự phát triển trong ngành năng lượng của Mỹ.

Kết quả là, nền kinh tế đã tăng trưởng nhanh hơn nhiều so với các nhà kinh tế dự đoán. Tất cả những thành tích này sẽ gặp nguy hiểm nếu đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Nhà Trắng.

Ngay cả việc trở lại các chính sách tương đối ôn hòa của Tổng thống Barack Obama cũng sẽ có nghĩa là đảo ngược việc bãi bỏ quy định và một cuộc chiến lâu dài về gia hạn cắt giảm thuế quan.

Trump cũng thận trọng khi chỉ trích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), trái ngược hoàn toàn với tính cách mà ông thường thể hiện trên Twitter. Trên truyền thông xã hội, các cuộc tấn công của Trump vào Fed gây lo ngại về sự độc lập của ngân hàng trung ương.

Ngày 12/11 vừa qua, Trump đã tỏ ra khiêm tốn hơn khi nói về việc Fed nhanh chóng tăng lãi suất trong năm 2018 nhưng lại chậm hạ lãi suất trong năm 2019.

Đối với cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump thừa nhận Mỹ đang phải trả giá, nhưng nói rằng nền kinh tế mạnh đã cho ông một số quyền lực.

Một số nhà quan sát kinh tế từ lâu hoài nghi rằng nền kinh tế “ổn nhưng không khỏe.”

Đáp lại, Tổng thống Trump cho biết ông sẽ theo đuổi chiến tranh thương mại cho đến khi nền kinh tế khỏe thì thôi.

Các nhà kinh tế đã thừa nhận rằng họ đã đánh giá thấp cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Cụ thể, họ đã không tính toán đầy đủ cho chi phí của cuộc chiến này.

Phân tích kinh tế cho thấy mặc dù thương mại có thể dẫn tới mất việc làm ở một số lĩnh vực, nhưng cũng tạo ra việc làm ở những lĩnh vực khác. Vấn đề là điều này không dễ dàng đối với các công nhân chuyển đổi ngành nghề.

Nếu sự thay đổi kinh tế diễn ra dần dần, khi đó sự thay đổi tự nhiên của những công nhân lớn tuổi nghỉ hưu và những công nhân trẻ tuổi tham gia thị trường việc làm sẽ dễ dàng.

Tuy nhiên, khi sự thay đổi diễn ra nhanh chóng, hàng trăm nghìn công nhân có thể bị mắc kẹt mà có ít lựa chọn tốt. Áp lực của quá trình chuyển đổi thương mại sẽ tăng theo thời gian, nhưng rất có thể chúng sẽ dẫn đến việc sa thải hàng loạt khi nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Đây chính xác là những gì đã xảy ra trong Cuộc Đại Suy thoái. Hơn nữa, trong khi thị trường việc làm cuối cùng được thắt chặt trở lại, những "vết sẹo" từ quá trình chuyển đổi nhanh chóng đó vẫn còn.

Tuy nhiên, một cuộc chiến thương mại mới không thể làm bất cứ điều gì chữa lành những "vết sẹo" đó.

Ngược lại, nó có khả năng khiến cho chúng tồi tệ hơn bằng cách gây ra sự gián đoạn và bất ổn hơn trong các lĩnh vực cọ sát nhiều nhất với cạnh tranh quốc tế.

Đây là lý do tại sao công nhân tại các khu công nghiệp lại phải hứng chịu nhiều tổn thất nhất từ các chính sách của ông. Tuy nhiên, ông Trump dường như không muốn đảo ngược lộ trình thương mại.

Thay vào đó, ông đang cố gắng “đánh đổi công nhân”: Nỗi đau bây giờ sẽ được bù đắp bằng sự tăng trưởng tốt hơn sau này. Thật không may, tuyên bố này lại mâu thuẫn với thực tế.

Lập luận tốt nhất của ông chỉ đơn giản là để nhắc nhở những người bảo thủ kinh tế về phần còn lại trong chương trình nghị sự của ông. Đó là những gì mà Trump làm rất hiệu quả hôm 12/11 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục