Kinh tế - Đám mây đen đe dọa khả năng tái đắc cử của ông Trump

Mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump có thể không phải là một loạt cuộc điều tra đang tiến gần đến Phòng Bầu dục mà là nguy cơ suy giảm kinh tế có thể xảy ra.
Kinh tế - Đám mây đen đe dọa khả năng tái đắc cử của ông Trump ảnh 1Hàng hóa Trung Quốc được xếp tại cảng Long Beach, Los Angeles, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo AP, mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump có thể không phải là một loạt cuộc điều tra đang tiến gần đến Phòng Bầu dục mà là nguy cơ suy giảm kinh tế có thể xảy ra. Và Tổng thống của Mỹ biết điều đó.

Chỉ số công nghiệp bình quân Dow Jones lại giảm hôm 17/12, mức giảm mới nhất trên các thị trường thường xuyên trồi sụt trong bối cảnh cuộc chiến thương mại của Trump chưa có dấu hiệu kết thúc, lãi suất tăng và những lo ngại về sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu.

Ông Trump, người đã gắn kết vận may chính trị của mình với thị trường chứng khoán theo một cách chưa từng thấy, đã hồi hộp theo dõi tình hình Phố Wall, không rời mắt khỏi bảng biểu trên truyền hình cáp và quát tháo các trợ lý của mình để cập nhật tin tức.

Và trong khi tiếp tục ca ngợi sức mạnh tài chính của Mỹ, ông Trump đã nhiều lần công khai chỉ trích Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) về việc tăng lãi suất mà theo ông cảm nhận là có thể làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

[Tổng thống Mỹ chỉ trích FED vì gây ra nhiều nỗi sợ hãi với kinh tế Mỹ]

Ông Trump đã nhắc lại cảm nhận này một lần nữa vào hôm 18/12, một ngày trước khi Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất chủ chốt lần thứ tư trong năm nay. "Tôi hy vọng những người ở Fed sẽ đọc bài xã luận đăng trên Nhật báo Phố Wall ngày hôm nay trước khi họ mắc phải một sai lầm khác. Ngoài ra, đừng để thị trường rơi vào tình cảnh thiếu tiền mặt hơn nữa. Đừng chạy theo những con số vô nghĩa. Chúc may mắn!"

Trên tài khoản Twitter hôm 17/12, Trump tweet "không thể tin được khi vào thời điểm đồng USD rất mạnh và hầu như không lạm phát, nhiều nước trên thế giới đang đối mặt với bất ổn, Paris đang sôi sục còn Trung Quốc đang đi xuống, Fed lại đang xem xét một đợt tăng lãi suất khác."

Trong suốt nhiệm kỳ của Trump, nền kinh tế đã phát triển mạnh. Và mặc dù Tổng thống tin tưởng vào nỗ lực cắt giảm thuế mạnh và bãi bỏ các quy định của mình, trên thực tế những thành tựu này đã bắt đầu từ thời Tổng thống Barack Obama.

Sự lạc quan về tình hình kinh tế đã phần nào hạ nhiệt vào mùa Thu này khi cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc gây náo loạn thị trường.

Kinh tế - Đám mây đen đe dọa khả năng tái đắc cử của ông Trump ảnh 2Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang (Fed) tại Washington, DC. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thích trích dẫn số liệu thống kê việc làm và dự báo thị trường, Trump đã tỏ ra rất hài lòng với sự thay đổi. Sau khi làm suy yếu phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu bằng cách áp thuế, Trump gần đây dường như muốn giảm bớt sự lo ngại, đạt thỏa thuận "đình chiến thương mại" với Trung Quốc sau một cuộc gặp ăn tối trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh quốc tế ở Argentina. Và khi động thái đó chỉ làm tăng lòng tin trong một thời gian ngắn, Trump đã bắt đầu một cuộc chiến thất thường trên Tweeter khiến các thị trường thậm chí bị xáo trộn nhiều hơn.

Đầu tiên Trump tuyên bố mình là "Người Thuế" hứa hẹn sẽ gây ra nhiều tổn thất kinh tế nhất có thể - một động thái khiến các nhà đầu tư khiếp sợ. Một ngày sau, ông tìm cách giảm thiểu những lo ngại này khi tuyên bố rằng có "tín hiệu rất mạnh" cho thấy Trung Quốc đang đàm phán với thiện chí.

"Tôi không ngây thơ, nhưng tôi tin tưởng từng lời mà Chủ tịch Tập Cận Bình đã nói trong cuộc gặp lịch sử kéo dài và đầy hy vọng giữa chúng tôi," Trump tweet trên trang cá nhân.

Giá cổ phiếu một lần nữa lại giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm 17/12 khi cả chỉ số Dow Jones và S&P 500 đang đối mặt với một tháng 12 tồi tệ nhất kể từ năm 1931, khi thị trường chứng khoán bị vùi dập trong cuộc Đại suy thoái.

Khi các nhà đầu tư trông đợi cuộc họp sắp tới của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần trở thành mục tiêu của cơn thịnh nộ của Trump, vì Fed đã tăng lãi suất nhằm đảm bảo tỷ lệ thất nghiệp đang ở mức thấp nhất trong gần năm thập kỷ qua không đẩy lạm phát gia tăng. Với lập luận rằng tăng lãi suất cản trở tăng trưởng kinh tế, Trump đã công khai đặt câu hỏi về khả năng lãnh đạo của Powell. Tháng 10 vừa qua, Tổng thống Trump từng tuyên bố "Fed đang phạm sai lầm. Họ rất căng thẳng. Tôi nghĩ rằng Fed đã phát điên."

Trump cũng đã chỉ trích cá nhân Powell và nói với những người cộng sự thân cận rằng ông hiểu một cuộc suy thoái sẽ gây nguy hiểm cho một tổng thống từng suy nghĩ về việc chỉ số Dow Jones chạm mức 30.000 (kỷ lục của nó là 26.828 được ghi nhận trong tháng 10 vừa qua). Theo các trợ lý Nhà Trắng và các cố vấn bên ngoài Nhà Trắng yêu cầu giấu tên, mặc dù Trump không nghiêm túc xem xét tạo ra sự thay đổi tại Fed, ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nền tảng kinh doanh của ông cho phép ông hiểu nền kinh tế hơn Powell.

Stephen Moore, cựu Cố vấn chiến dịch tranh cử của Trump và hiện là thành viên Quỹ Heritage Foundation, nói: "Trump nghĩ rằng di sản của ông ấy là trở thành người tái thiết và phục hồi nền kinh tế Mỹ. Ông ấy hoàn toàn tập trung vào điều đó". "Ông ấy hiểu rằng nếu nền kinh tế vẫn mạnh, ông ấy sẽ tái đắc cử. Ông ấy hoàn toàn tập trung vào kinh tế, theo dõi thị trường chứng khoán, theo dõi các báo cáo chứng khoán và báo cáo về tình hình việc làm."

Các thành viên đảng Dân chủ được coi là đối thủ thách thức Trump trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 đã bắt đầu đưa ra các kế hoạch kinh tế của riêng họ. Nhưng một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho biết Trump vẫn tin tưởng vào nền kinh tế, khi mà tỷ lệ thất nghiệp thấp, GDP và việc làm trong lĩnh vực sản xuất vẫn tăng.

Quan chức trên cũng cho biết Trump đang theo dõi chặt chẽ các chỉ số kinh tế và thường xuyên nhận được báo cáo tình hình từ Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế Kevin Hassett.

"Kinh tế Mỹ đang bùng nổ," Kudlow nói với hãng tin AP. "Trong khi các nền kinh tế trên thế giới đang gặp khó khăn, nền tảng kinh tế của chúng tôi vẫn mạnh đáng ngạc nhiên."

Ông Trump đã đúng khi lo ngại về việc suy thoái kinh tế có thể ảnh hưởng đến nhiệm kỳ tổng thống của ông. Sức khỏe tài chính của quốc gia thường là chìa khóa cho cơ hội tái đắc cử của một tổng thống đương nhiệm.

Theo nhà viết sử về tổng thống, Douglas Brinkley, hai tổng thống gần đây nhất thất bại trong cuộc tái tranh cử - Jimmy Carter và George H.W. Bush - chủ yếu là do đã khiến tình hình kinh tế đất nước bị sa sút.

Giáo sư tại Đại học Rice này nhận định: "Thật khó để thuyết phục công chúng cho bạn một cơ hội khác nếu nền kinh tế không hoạt động tốt." Ông ám chỉ ngay cả những cử tri không thích tư cách cá nhân của Trump "cũng khoan dung với Trump vì họ nghĩ ông tốt cho Phố Wall và việc làm. Nếu xảy ra suy thoái kinh tế, điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến ông"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục