Kinh tế Eurozone: Những đốm sáng ở cuối đường hầm

Trong thời gian gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy Eurozone dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.
Kinh tế Eurozone: Những đốm sáng ở cuối đường hầm ảnh 1Công nhân tại một xưởng chế tạo ở Hy Lạp. (Nguồn: Thetimes.co.uk)

Trong thời gian gần đây, có một số dấu hiệu cho thấy Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, Eurozone vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức ở phía trước như đà phục hồi kinh tế không đồng đều và chưa ổn định, tỷ lệ nợ công/GDP vẫn đứng ở mức cao và vấn nạn thất nghiệp vẫn đang hoành hành ở nhiều nước trong khu vực.

Điều này cho thấy các nước thành viên Eurozone sẽ phải nỗ lực hết sức trước khi nền kinh tế khu vực này có thể quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng ổn định.

Qua cơn bĩ cực

Các số liệu thống kê mới nhất của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy trong quý 2/2013, Eurozone đã thoát khỏi giai đoạn suy thoái kinh tế nhờ xuất khẩu tăng mạnh trở lại sau 6 tháng giảm sút và chi tiêu công lần đầu tiên đóng góp tích cực vào nền kinh tế khu vực kể từ cuối năm 2009.

Theo Eurostat, trong quý 2/2013, Eurozone đã đạt tốc độ tăng trưởng 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là lần đầu tiên Eurozone đạt tốc độ tăng trưởng dương trong vòng 18 tháng qua.

Đáng chú ý, trong quý 2/2013, Bồ Đào Nha - một trong số các quốc gia đã phải nhận cứu trợ từ bộ ba các nhà tài trợ gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đã bất ngờ đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao nhất trong khối (1,1%). Trong khi đó, hai nền kinh tế đầu tàu của Eurozone là Đức và Pháp vẫn đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn so với mức trung bình của toàn khối.

Mặc dù vậy, theo Eurostat, vẫn còn nhiều nền kinh tế trong Eurozone đạt mức tăng trưởng âm trong quý như Cyprus, Slovenia, Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha, trong đó Cyprus - tâm điểm của cơn bão nợ công châu Âu - có mức tăng trưởng âm cao nhất là âm 1,4%.

Cùng với việc Eurozone trở lại quỹ đạo tăng trưởng, các số liệu thống kê mới nhất cũng cho thấy lòng tin kinh doanh trong khu vực này cũng đang được cải thiện, sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ đều cao hơn.

Kết quả khảo sát của Markit Economics cho thấy lĩnh vực dịch vụ, vốn đóng góp đáng kể cho hoạt động kinh tế của Eurozone, đã tăng trưởng trở lại trong tháng Tám. Chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong lĩnh vực dịch vụ đã tăng từ 49,8 điểm trong tháng 7 lên 50,7 điểm trong tháng 8. Đây là lần đầu tiên chỉ số PMI trong lĩnh vực dịch vụ tăng trong 19 tháng qua. PMI tổng hợp của khu vực tăng từ 50,5 điểm trong tháng 7 lên 51,5 điểm trong tháng Tám.

Nhà phân tích Howard Archer của IHS Global Insight nhận định lòng tin đang gia tăng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện các kế hoạch thuê nhân công và đầu tư và cũng sẽ khích lệ người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn.

Nhờ những tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế ở nhiều nước thành viên Eurozone nên tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này đang dần được cải thiện. Các số liệu do Eurostat công bố hôm 1/10 cho thấy trong các tháng 7 và 8/2013, tỷ lệ thất nghiệp bình quân ở Eurozone đã giảm xuống còn 12%. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực này giảm kể từ đầu năm 2011.

Cũng do ảnh hưởng của các số liệu kinh tế tích cực từ Eurozone, trong các tuần gần đây, đồng euro đã tăng giá so với USD. Trong phiên giao dịch hôm 18/10, tỷ giá giữa đồng euro và đồng bạc xanh của Mỹ đã vượt ngưỡng 1,37 USD/euro lần đầu tiên kể từ tháng 2/2013. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại việc euro tăng giá so với USD có thể "gài số lùi" cho đà phục hồi của Eurozone bởi vì, sự mạnh lên của đồng tiền chung châu Âu có thể khiến hàng hóa xuất khẩu của Eurozone trở nên đắt đỏ hơn trên các thị trường thế giới và đe dọa sự phục hồi của nền kinh tế trong khu vực.

Bao giờ tới “hồi thái lai”?

Bất chấp những tín hiệu lạc quan từ đa số các nền kinh tế Eurozone, nhiều chuyên gia phân tích vẫn tỏ ra hoài nghi về khả năng Eurozone đã thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế.

Trong thông cáo phát hành hôm 19/10, các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Kinh tế (CEPR) khẳng định “cho dù có khả năng suy thoái kinh tế (ở Eurozone) đã kết thúc nhưng cho đến ngày 9/10/2013, cả thời gian lẫn sức mạnh của sự phục hồi vẫn chưa đủ để khẳng định rằng Eurozone đã thoát khỏi tình trạng suy thoái.” Thậm chí, các chuyên gia CEPR còn cảnh báo đây có thể chỉ là một sự tạm ngừng trong giai đoạn suy thoái kinh tế của Eurozone.

Trên thực tế, tại thời điểm khi các số liệu kinh tế quý 2/2013 của Eurozone được công bố lần đầu hồi tháng Tám, các nhà hoạch định chính sách cũng như giới phân tích ở nhiều nước thành viên Eurozone vẫn bày tỏ quan ngại về triển vọng tăng trưởng của khu vực bởi vì, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này vẫn thấp, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu vẫn chưa kết thúc và tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone vẫn đứng ở mức cao.

Các chuyên gia phân tích cho rằng bức tranh kinh tế tổng thể của Eurozone vẫn còn nhiều màu xám. Hiện tại, tăng trưởng kinh tế của Eurozone vẫn chủ yếu dựa vào Đức và Pháp - hai nền kinh tế lớn nhất khối. Trong quý 2/2013, Đức - nền kinh tế may mắn thoát khỏi nguy cơ suy thoái hồi quý 1/2013 - đã đạt tốc độ tăng trưởng 0,7% nhờ nhu cầu trong nước tăng và lĩnh vực đầu tư được cải thiện đáng kể. Pháp cũng thoát khỏi suy thoái khi đạt tỷ lệ tăng trưởng 0,5%, mức tăng cao nhất kể từ khi Tổng thống Francois Hollande lên nắm quyền.

Trong khi đó, theo các chuyên gia phân tích, Bồ Đào Nha - nước đã gây bất ngờ khi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế lên tới 1,1% trong quý 2/2013 - vẫn là quốc gia có nguy cơ rủi ro cao thứ hai tại Eurozone sau Hy Lạp. Gần đây, Lisbon đã thông báo các biện pháp "khắc khổ" mới, trong đó có biện pháp cắt giảm trung bình 10% lương hưu của hầu hết cán bộ viên chức Nhà nước.

Các nền kinh tế phải xin cứu trợ như Cyprus , Italy và Tây Ban Nha vẫn tăng trưởng âm. Điều này cho thấy sự phục hồi kinh tế ở Eurozone vẫn còn yếu, mong manh và chưa đồng đều.

Theo dự kiến, các nước thành viên Eurozone sẽ công bố con số ước tính sơ bộ về tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong quý 3/2013, trong khi Eurostat sẽ công bố số liệu về tăng trưởng của Eurozone vào ngày 14/11. Đến lúc đó, người ta mới có thể có cái nhìn chính xác hơn về đà phục hồi kinh tế của Eurozone.

Cùng với việc đà phục hồi kinh tế chưa ổn định, tỷ lệ thất nghiệp cao vẫn là “vật cản” trên con đường trở lại quỹ đạo tăng trưởng đối với nhiều nền kinh tế ở Eurozone. Theo Eurostat, trong tháng 8/2013, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong khối thuộc về hai quốc gia chìm trong nợ nần là Hy Lạp và Tây Ban Nha (đều hơn 26%), trong đó tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở hai nước này lần lượt là 61,5% và 56%.

Các nhà phân tích dự báo tỷ lệ thất nghiệp của hai "con nợ" này khó mà giảm xuống mức dưới 20% trong ngắn hạn. Italy - một “con nợ” khác đang gặp bất ổn về chính trị - cũng có tỷ lệ thất nghiệp tăng nhẹ từ 12,1% trong tháng 7 lên 12,2% trong tháng Tám.

Trong bối cảnh đó, ECB vẫn giữ quan điểm khá thận trọng về triển vọng tăng trưởng của Eurozone. Mặc dù hôm 5/9, ECB đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của khu vực này trong năm 2013 lên âm 0,4% so với con số âm 0,6% được đưa ra hồi tháng 6 nhưng ECB lại điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2014 của khu vực này từ 1,1% xuống 1%.

Phát biểu với các phóng viên, Chủ tịch ECB Mario Draghi đã bác bỏ tin đồn về khả năng ECB sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ trước những dấu hiệu cải thiện kinh tế gần đây. Ông cho rằng mặc dù nền kinh tế Eurozone đã tăng trưởng với tỷ lệ 0,3% trong quý 2/2013 nhưng đà tăng trưởng của khu vực này sẽ phục hồi chậm trong năm 2014.

Trước đó, trong cuộc họp thường kỳ, Hội đồng Quản trị ECB đã quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn trong tháng thứ 4 liên tiếp ở mức thấp kỷ lục 0,5%. Việc duy trì mức lãi suất 0,5% (được ECB áp dụng từ ngày 2/5) nhằm ngăn chặn đà suy thoái kinh tế đang lan rộng ở châu Âu.

Ông Draghi cảnh báo rằng ngân hàng sẽ tiếp tục kiểm soát các thị trường tiền tệ và sẽ "sẵn sàng hành động"./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục