Kinh tế Mỹ có thêm những tín hiệu tích cực

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua và doanh thu hàng tháng của các nhà bán lẻ bắt đầu tăng trưởng trở lại kể từ tháng 8/2008 tiếp tục là những dấu hiệu tích cực cho thấy triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ tuyên bố chưa có ý định điều chỉnh các chính sách tiền tệ.
Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tiên giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng qua và doanh thu hàng tháng của các nhà bán lẻ bắt đầu tăng trưởng trở lại kể từ tháng 8/2008 tiếp tục là những dấu hiệu tích cực cho thấy triển vọng phục hồi của kinh tế Mỹ.

Thống kê của Bộ Lao động Mỹ ngày 8/10 cho thấy số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần qua (kết thúc vào ngày 3/10) lần đầu tiên giảm mạnh 33.000 đơn xuống còn 521.000 đơn - mức thấp nhất trong 9 tháng đầu năm nay.

Giới phân tích cho rằng thị trường lao động Mỹ nhìn chung đang dần được cải thiện. Vì vậy, tình hình việc làm trong tháng 10 có thể sẽ khả quan hơn và điều này sẽ khuyến khích người tiêu dùng tăng chi tiêu.

Trong khi đó, doanh thu của các cửa hàng bán lẻ cũng lần đầu tiên tăng 0,6%, đảo chiều so với dự đoán của giới chuyên gia là giảm 1,1%.

Trước đó, các số liệu cho thấy kinh tế Mỹ bắt đầu tăng trưởng trong quý III/2009 sau đợt suy thoái kể từ tháng 12/2007, song tình trạng yếu của thị trường lao động khiến người ta lo ngại nhiều về khả năng duy trì phục hồi bền vững. Tỷ lệ thất thiệp của Mỹ trong tháng 9 đã tăng lên 9,8% - mức cao nhất trong 26 năm qua.

Cùng ngày, Bộ trưởng Nhà ở và Phát triển Đô thị Mỹ Shaun Donovan thông báo chương trình hỗ trợ người dân tránh bị tịch thu nhà đã đạt được mục tiêu giảm các điều kiện đối với 500.000 khoản vay và thế chấp sớm hơn dự kiến 3 tuần.

Ngân hàng Bank of America (BOA) - ngân hàng hàng đầu của Mỹ chuyên cung cấp dịch vụ liên quan tới thế chấp, cho biết họ đã đạt mục tiêu do chính quyền đưa ra là giúp giảm điều khoản vay đối với 125.000 chủ nhà. Trong khi đó, Ngân hàng Wells Fargo cũng thông báo họ đã giúp xấp xỉ 63.000 chủ nhà.

Tháng 2/2009, Chính quyền Tổng thống Barack Obama đưa ra Chương trình trị giá 75 tỷ USD vào tháng 2/2009 nhằm giúp giảm bớt số nhà bị tịch thu bằng cách tạo cho những người chủ nhà khó khăn về tài chính được hưởng những điều khoản ngân hàng mới như tái tài trợ thế chấp, giảm lãi suất hoặc kéo dài thời hạn của khoản vay để mua nhà.

Tuy nhiên, trước những diễn biến tích cực của nền kinh tế, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tuyên bố chưa có ý định điều chỉnh các chính sách tiền tệ.

Phát biểu ngày 8/10 tại Washington, Chủ tịch FED Ben Bernanke cho biết chính quyền sẽ không vội vàng thắt chặt các chính sách này, và cho rằng điều này sẽ diễn ra khi triển vọng kinh tế Mỹ "được cải thiện rõ rệt". Ông nhấn mạnh ngân hàng trung ương Mỹ có nhiều công cụ để thắt chính sách tiền tệ, vốn đã được nới lỏng từ khi nền kinh tế đầu tàu thế giới phải đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua.

Kết thúc cuộc họp cuối tháng 9 vừa qua, FED khẳng định sẽ duy trì mức lãi suất thấp kỷ lục từ 0-0,25% trong một thời gian nữa nhằm vực dậy nền kinh tế. Đồng thời, FED còn tuyên bố sẽ kéo dài thêm ba tháng nữa chương trình mua 1.450 tỷ USD chứng khoán thế chấp và giấy tờ nợ, do ngân hàng Fannie Mae, Freddie Mac và Ginnie Mae phát hành, cho đến hết tháng 3/2010.

Chủ tịch Bernanke khẳng định các mục tiêu nguyên tắc của FED đối với chương trình mua chứng khoán hiện nay là giảm chi phí và cải thiện môi trường tín dụng cho các hộ gia đình và giới doanh nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục