Kinh tế Mỹ ngày càng chứng tỏ là "điểm tựa" của kinh tế toàn cầu

Mỹ và Anh là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới còn nhiều gam màu tối, trong bối cảnh các đầu tàu kinh tế khác, như Eurozone, Trung Quốc và Nhật Bản đều chưa thể bứt phá.
Kinh tế Mỹ ngày càng chứng tỏ là "điểm tựa" của kinh tế toàn cầu ảnh 1Người dân Mỹ chi tiêu mua sắm nhiều hơn. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong báo cáo đánh giá lần hai về kinh tế Mỹ quý 32014 vừa được công bố, Bộ Thương mại Mỹ đã điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng (ở mức hàng năm) trong quý nói trên từ 3,9% trong báo cáo đưa ra hồi tháng 10/2014 lên 5% - mức tăng nhanh nhất trong 11 năm qua, trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp tăng mạnh và lòng tin của người tiêu dùng Mỹ đang ở mức cao nhất trong tám năm trở lại đây.

Màn trình diễn của kinh tế Mỹ trong năm nay xứng đáng với kỳ vọng rằng Mỹ cùng với Anh là những điểm sáng trong bức tranh kinh tế thế giới còn nhiều gam màu tối, trong bối cảnh các đầu tàu kinh tế khác như Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đối diện với nguy cơ rơi vào cuộc suy thoái mới, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và kinh tế Nhật Bản phục hồi yếu.

Sau quý đầu năm đáng thất vọng, kinh tế Mỹ đã nhanh chóng lấy lại đà tăng với nhịp độ tăng trưởng ấn tượng 4,6% và 5% trong quý 2 và quý 3/2014.

Nhịp độ tăng trưởng 5% trong quý 3/2014 là mức tăng mạnh nhất của kinh tế Mỹ kể từ quý 3/2003, qua đó phát đi tín hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp đà tăng trưởng tích cực trong các quý tiếp theo.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, chi tiêu của người tiêu dùng và đầu tư của các doanh nghiệp là hai nhân tố chủ chốt đóng góp vào đà tăng trưởng thuyết phục của Mỹ.

Cụ thể, trong quý 3/2014, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ - yếu tố đóng góp hơn 70% vào GDP của nước này - tăng 3,2%, trong khi chi tiêu và đầu tư của các doanh nghiệp cho nhà xưởng, thiết bị và phần mềm tăng 8,9%, đều vượt mức ước tính lần lượt là 2,2% và 7,1% trong báo cáo hồi tháng Mười.

Tuy nhiên, bộ này đã hạ dự báo về mức tăng xuất khẩu quý 3/2014 từ 4,9% xuống 4,5%, thấp hơn mức tăng 11,1% trong quý 2/2014.

Báo cáo khác của Bộ Thương mại Mỹ được công bố cùng ngày cũng cho thấy chi tiêu tiêu dùng tiếp tục tăng vững trong tháng 11/2014; cụ thể tăng 0,6% sau khi đã tăng 0,3% trong tháng 10/2014.

Kết quả khảo sát của trường Đại học Michigan ngày 23/12 cho hay chỉ số lòng tin tiêu dùng đã tăng từ 88,8 trong tháng 11/2014 lên mức cao nhất kể từ tháng 1/2007 là 93,6 trong tháng 12/2014.

Với đà tăng trưởng tích cực hiện nay, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ trong năm 2014 dự báo sẽ thu hẹp còn 483,3 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với mức thâm hụt đỉnh điểm 1.420 tỷ USD của năm 2009.

Trên cơ sở kinh tế phục hồi vững, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cuối tháng Mười vừa qua đã quyết định ngừng chương trình nới lỏng tiền tệ (QE) sau ba vòng thực hiện, song vẫn duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục gần 0% nhằm tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Triển vọng tăng trưởng sáng của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã khuyến khích giới đầu tư rót tiền vào cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu phiên 23/12 đều lên điểm mạnh mẽ, do giới đầu tư tin rằng đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Mỹ sẽ tạo động lực tăng trưởng tích cực cho kinh tế toàn cầu và việc giá dầu giảm mạnh trong thời gian gần đây sẽ có lợi cho người tiêu dùng.

Phiên 23/12, chỉ số chứng khoán Dow Jones lần đầu tiên trong lịch sử đã vượt mốc 18.000 điểm và kết thúc phiên ở mức 18.027,45 điểm, tăng 0,38%, trong khi chỉ số S&P 500 lập mức cao kỷ lục mới là 2.082,22 điểm, tăng 0,18%./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục