Kinh tế Mỹ "thấm mệt" sau các "đòn" thuế nhập khẩu của ông Trump

Nhiều nhận định cho rằng, kinh tế Mỹ đang suy yếu do cuộc chiến thương mại, tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross lập tức bác bỏ lập luận. Vậy đâu là thực, đâu là hư của bức tranh kinh tế Mỹ?
Kinh tế Mỹ "thấm mệt" sau các "đòn" thuế nhập khẩu của ông Trump ảnh 1 Biểu tượng của tập đoàn xe hơi Mỹ GM. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Đài RFI, các doanh nghiệp Mỹ là những nạn nhân đầu tiên của chính sách áp thuế nhập khẩu nhôm, thép do chính quyền của Tổng thống Donald Trump ban hành.

Kinh tế Mỹ đã bắt đầu "thấm mệt" trước các biện pháp đánh thuế nhập khẩu vào hàng hóa Trung Quốc mà Trump đưa ra, buộc Trung Quốc phải trả đũa bằng cách tẩy chay hàng hóa Mỹ.

Công nghiệp xe hơi Mỹ bước lên tiền tuyến

Việc chính quyền Trump dọa đánh thuế xe hơi ngoại quốc nhập vào Mỹ đã khiến hai “con chim đầu đàn” của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ là Ford và Generald Motors (GM) vô cùng lo ngại.

Ở vòng 1 của cuộc chiến thương mại, chính quyền Trump mới chỉ đánh thuế nhôm, thép mà cũng đã gây nhiều thiệt hại cho cả Ford lẫn GM.

Hãng xe Ford thẩm định phí tổn của tập đoàn này tăng thêm 145 triệu USD trong quý 2/2018 và có thể khoản phụ trội đó còn tăng thêm 600 triệu USD trong quý 3/2018.

Với GM, thiệt hại lên tới 1 tỷ USD cho cả năm 2018.

Trong một bức thư gửi đến Nhà Trắng, GM thẳng thắn cho rằng việc Mỹ tăng thuế nhập khẩu làm thu hẹp thị phần của hãng xe này ngay trên thị trường nội địa và dẫn tới nguy cơ GM phải sa thải nhân viên ngay trên lãnh thổ Mỹ.

Bước sang vòng thứ 2, khi Trung Quốc phản công và đánh thuế đáp trả vào hàng hóa Mỹ, Ford càng lo lắng hơn do tập đoàn này đã "bắt rễ" tại vào thị trường đông dân nhất hành tinh. Trong trường hợp của GM, có một số kiểu xe của hãng này sản xuất ngay tại Trung Quốc và Mexico, do đó, tập đoàn này sẽ “lãnh đủ” nếu Trump đi đến cùng quyết định đánh thuế xe hơi.

Danh sách những nạn nhân của cuộc chiến mậu dịch do Trump khởi xướng khá dài. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo Mỹ tăng hàng rào thuế quan 10% thì lợi nhuận của 500 tập đoàn lớn nhất của Mỹ giảm 15%.

Người tiêu dùng phải chia sẻ gánh nặng

Thu nhập của các nhà sản xuất và người nông dân Mỹ lao dốc vì họ không thể bán hàng hóa sang các thị trường như châu Âu, Canada, Mexico và nhất là Trung Quốc.

Nghịch lý ở đây là việc Tổng thống Trump tuyên chiến với các đối tác thương mại với lý do ông đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết vì muốn bảo vệ guồng máy sản xuất của nước nhà.

Không chỉ có lĩnh vực sản xuất hứng chịu hiệu ứng “gậy ông đập lưng ông” mà ngay cả người tiêu dùng Mỹ cũng bị vạ lây.

Trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình CNBC, Chủ tịch tổng giám đốc hãng nước ngọt Coca Cola James Quincey thừa nhận đã phải tăng giá mỗi lon Coca do giá nhôm và thép đắt hơn so với trước.

Đây là một sự kiện hiếm thấy vì ít khi nào hãng nước ngọt này tăng giá giữa năm.

Theo báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ được công bố ngày 30/7 tới nay, 75 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu của Mỹ bị ảnh hưởng do quốc tế trả đũa các đòn thương mại Nhà Trắng tung ra.

Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Thomas Donohue nhấn mạnh các hàng rào thuế quan tai hại đã ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và tầng lớp công nhân, từ người nông dân đến người tiêu dùng Mỹ.

Nhiều thị trường đóng cửa với hàng sản xuất tại Mỹ. Cùng lúc, hàng hóa Mỹ tăng giá khiến các hộ gia đình cũng giảm bớt chi tiêu mua sắm."

Các đòn "ăn miếng trả miếng" trong một cuộc chiến thương mại leo thang đánh vào thị trường lao động, làm suy yếu mức tăng trưởng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross lập tức bác bỏ lập luận này và giải thích rằng tỷ lệ đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ chưa bao giờ cao như thời điểm này, còn tỷ lệ thất nghiệp thì gần như không có. Vậy đâu là thực, đâu là hư giữa hai bức tranh kinh tế vừa nêu?

[Thuế nhập khẩu ôtô của Mỹ sẽ cắt giảm 6 tỷ euro GDP của Đức]

Giới chuyên gia kinh tế cho rằng dù các nước luôn đề cao tự do mậu dịch, song vì lý do chính trị hay xã hội nên họ vẫn áp dụng chính sách bảo hộ có chọn lọc.

Chính quyền Trump nói thẳng chủ trương mậu dịch của mình là tự do, nhưng họ phải tự do trên tinh thần công bằng và hai chiều, chứ không chỉ có lợi cho một phía. Đó là lý do tại sao Trump bị mang tiếng là theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch.

Kinh tế Mỹ "thấm mệt" sau các "đòn" thuế nhập khẩu của ông Trump ảnh 2Một kho bãi ôtô ở gần cảng Richmond, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoài ra, khi khơi mào cuộc chiến mậu dịch với biện pháp áp thuế nhập khẩu, đặt ra hạn ngạch nhập cảng và các biện pháp thuế quan thì thành phần này sẽ có lợi và thành phần kia bị thiệt.

Nói chung, giới sản xuất hàng xuất khẩu có lợi nhưng giới tiêu thụ hàng nhập khẩu lại bị thiệt vì thực tế là họ bị đánh thuế.

Mỹ lệ thuộc rất ít vào xuất khẩu, vì sản xuất chiếm tới 88% số lượng tiêu thụ nội địa và vì tiêu thụ chiếm tới 70% tổng sản lượng kinh tế, dân số bị thiệt hại do mâu thuẫn mậu dịch dĩ nhiên là đông hơn.

Mỹ “đình chiến” với Liên minh châu Âu

Mỹ và EU mới chỉ tạm "hưu chiến" bởi đôi bên vẫn còn nhiều mâu thuẫn cần khắc phục và tính đến cuối tháng 7/2018 mới bắt tay vào vòng đàm phán sơ bộ.

Chúng ta không quên rằng Mỹ và EU từng có hơn chục vòng đàm phán Hiệp ước Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) nhưng cuối cùng vẫn đổ vỡ vào cuối năm 2016, khi Trump còn chưa nhậm chức tổng thống Mỹ.

TTIP lúc đó thất bại vì sự chống đối từ nhiều thành phần bên phía châu Âu. Hiện giờ, đôi bên có thể thu hẹp nội dung và mục tiêu đàm phán nên sẽ có nhiều hy vọng hơn.

Về nội dung, hai bên đồng ý thảo luận việc giảm bớt trợ cấp xuất cảng, hạ thấp hàng rào quan thuế và hạn ngạch nhập cảng trên một số sản phẩm công nghiệp và xem xét việc cải tổ cơ chế của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Phía châu Âu cũng đồng ý cân nhắc việc mua thêm khí lỏng và đậu nành của Mỹ và phía Mỹ sẽ giải quyết việc áp thuế trên thép và nhôm nhập từ châu Âu. Sau cùng, hai bên hứa hẹn không áp thuế mới với điều kiện là không bên nào rút khỏi vòng đàm phán.

Trở ngại về mậu dịch giữa Mỹ với EU

Có lẽ đằng sau những hứa hẹn còn mơ hồ, người ta chưa biết đôi bên đã thỏa thuận những gì về việc ngành xe hơi sẽ là khu vực kinh tế chiến lược cho cả hai phe.

Chúng ta cũng không nên loại bỏ kịch bản là Trump vẫn áp thuế đối với xe hơi của châu Âu nhập vào Mỹ. Ngược lại, chúng ta không nên quên thủ tục phê chuẩn của EU cũng khá phức tạp.

Vì vậy, chúng ta vẫn nên chờ đợi những trở ngại có thể xảy ra khi hai bên tiến tới đàm phán chi tiết.

Nhìn chung, mâu thuẫn mậu dịch có lẽ vẫn còn, song các bên đều ngại bùng phát chiến tranh. Do đó, đây mới chỉ là thời điểm các bên thử nghiệm khả năng chịu đựng của đối phương./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục