Kinh tế Mỹ vẫn vững nếu sa vào "vách đá tài chính"

Một kịch bản mà nhiều người đang lo ngại hiện nay là Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận về vấn đề liên quan đến "vách đá tài chính" trước ngày 1/1/2013.

Thất bại trong việc thỏa thuận sẽ đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái, khi việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu (tự động) khiến chi tiêu tiêu dùng giảm sút, thất nghiệp tăng lên, thị trường chứng khoán chao đảo. Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng ngay cả khi kịch bản này xảy ra, những hậu quả của nó có thể không đáng ngại đến mức đó.
Một kịch bản mà nhiều người đang lo ngại hiện nay là Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng không đạt được thỏa thuận về vấn đề liên quan đến "vách đá tài chính" trước ngày 1/1/2013, điều sẽ đẩy nền kinh tế hàng đầu thế giới rơi vào suy thoái, khi việc tăng thuế và cắt giảm chi tiêu (tự động) khiến chi tiêu tiêu dùng giảm sút, thất nghiệp tăng lên, thị trường chứng khoán chao đảo.

Tuy nhiên, nhiều nhà kinh tế cho rằng ngay cả khi kịch bản này xảy ra, những hậu quả của nó có thể không đáng ngại đến mức đó.

Theo các nhà kinh tế, không nhiều doanh nghiệp và người tiêu dùng hoang mang và cắt giảm đầu tư cũng như chi tiêu, bởi vẫn có những hy vọng rằng các bên sẽ sớm đi đến một thỏa thuận, nếu không phải là vào đầu năm tới thì cũng sẽ sớm đạt được sau đó và việc tăng thuế cũng như cắt giảm chi tiêu sẽ được dỡ bỏ.

Vì thế, nhà kinh tế Lewis Alexander ở Nomura Securities cho rằng việc khẳng định kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái trong năm tới nếu không tránh được "vách đá ngân sách tài chính" là không đúng.

Theo ông Alexander, vấn đề nằm ở chỗ các chính sách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế sẽ được áp dụng trong bao lâu. Thêm vào đó, tác động của việc tăng thuế sẽ được cảm nhận dần, khi thu nhập của đa số người Mỹ chỉ giảm không đáng kể.

Với những người đóng thuế đang có thu nhập từ 40.000-65.000 USD, thu nhập của họ sẽ giảm trung bình khoảng 1.500 USD trong năm tới, song mức giảm trong tháng Một chỉ là 130 USD.

Ngoài ra, việc tăng thuế đối với nguồn thu từ đầu tư và bất động sản cũng như việc dừng tín dụng thuế đối với tầng lớp trung lưu sẽ chưa được áp dụng cho đến năm 2014, khi người Mỹ phải đóng thuế của năm 2013. Đồng thời, trong trường hợp một thỏa thuận sắp đạt được, việc tăng thuế thu nhập có thể được trì hoãn. Trong khi đó, việc cắt giảm chi tiêu 85 tỷ USD cũng sẽ mất nhiều tuần hoặc lâu hơn thì mới có hiệu lực.

Tuy nhiên, vấn đề là nếu các cuộc thương lượng kéo dài, nhiều doanh nghiệp sẽ trì hoãn các quyết định đầu tư cũng như tuyển dụng lao động. Đây là điều khiến hầu hết các nhà kinh tế nhấn mạnh rằng nhất thiết phải đạt được một thỏa thuận trong hai tháng đầu năm 2013.

Theo nhận định của nhà kinh tế Jose Prakken ở Macroeconmic, trong trường hợp xấu nhất là các cuộc thương lượng thất bại, kinh tế Mỹ sẽ giảm 0,6% trong quý 1/2013, so với mức tăng 1,9% trong trường hợp đạt được thỏa thuận. Văn phòng ngân sách quốc hội dự báo kinh tế nước này sẽ giảm 0,5% trong nửa đầu năm tới và rơi vào suy thoái, còn tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 7,7% hiện nay lên 9,1%.

Trong khi tiếp tục tranh cãi, Quốc hội và Nhà Trắng đang nỗ lực tìm kiếm tiếng nói chung để có thể đạt được thỏa thuận. Hai bên đều thừa nhận rằng tăng nguồn thu thuế và giảm ngân sách cho các chương trình như chương trình bảo hiểm y tế Medicare sẽ được đưa vào thỏa thuận./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục