Kinh tế năm 2009 có thoát ''vũng lầy'' suy thoái?

Sau một năm đầy biến động với sự trượt dốc của hàng loạt nền kinh tế đầu tàu thế giới, giá dầu lên xuống bất ngờ, thị trường chứng khoán chao đảo, trước thềm năm mới 2009, thế giới đứng trước một câu hỏi: Liệu nền kinh tế toàn cầu có hứa hẹn phục hồi?

Sau một năm đầy biến động với sự trượt dốc của hàng loạt nền kinh tế đầu tàu thế giới, giá dầu lên xuống bất ngờ, thị trường chứng khoán chao đảo, trước thềm năm mới 2009, thế giới đứng trước một câu hỏi: Liệu nền kinh tế toàn cầu có hứa hẹn phục hồi?

Năm 2008 của Trung Quốc đang gần qua đi với tâm lý hoang mang và tỷ lệ tăng trưởng trong quý IV/2008 dự kiến giảm xuống còn 2%, so với mức tăng phi mã - gần 12% trong năm 2007. Ấn Độ, thị trường đang nổi lên khác của châu Á, cũng đang bị mất đà.

Nhu cầu ôtô và các mặt hàng xuất khẩu thông thường khác trên toàn cầu giảm sút mạnh lại một lần nữa khiến Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, rơi vào suy thoái, làm suy yếu nghiêm trọng thị trường xuất khẩu then chốt của các nước khác ở châu Á. Trong khi đó, ''những con rồng châu Á'' như Singapore, Đài Loan và Hong Kong cũng không thể trụ vững.

Thế nhưng, cho dù ảm đạm, các ngân hàng và các thể chế tài chính khác của châu Á ít bị ảnh hưởng trước các khoản thế chấp tại thị trường cho vay thứ cấp đầy rủi ro đã tàn phá Mỹ và châu Âu.

Các ngân hàng và tổ chức tài chính này cũng sẵn sàng hơn để vượt qua cơn bão tài chính này nhờ "cú hích" mà họ đã tạo được trong cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực cách đây một thập kỷ. Theo dự đoán mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), tỷ lệ tăng trưởng của Đông Á, trừ Nhật Bản, sẽ đạt mức 5,3% trong năm 2009 so với khoảng 7% trong năm nay.

Các chuyên gia thuộc Ngân hàng đầu tư J.P. Morgan nhận định cuộc khủng hoảng hiện nay có thể sẽ lắng dịu vào đầu năm 2009 do ban lãnh đạo Trung Quốc đang rót hàng tỷ USD vào các công trình công cộng có tiềm năng tạo ra việc làm.

Dự báo mức tăng trưởng của khu vực châu Á, kể cả Thái Lan đang bất ổn chính trị, chỉ bị chậm lại, chứ không suy giảm mạnh. Subir Gokarn, nhà kinh tế cấp cao về châu Á-Thái Bình Dương thuộc cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poors, bình luận: "Xét về mọi khía cạnh, 2009 sẽ không là một năm nổi bật, song sẽ phản ánh khả năng phục hồi nhanh chóng của khu vực này".

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng đang chấm dứt nửa thập kỷ đạt mức tăng trưởng hơn 5% của khu vực Mỹ Latinh giữa lúc giá hàng hóa xuất khẩu tuột dốc và giới đầu tư nước ngoài bán hạ giá tài sản để bù đắp những thua lỗ trong nước.

Khủng hoảng tài chính toàn cầu làm giảm nhu cầu dầu mỏ, đồng, quặng, ngũ cốc và các mặt hàng xuất khẩu khác trong khu vực, hạn chế các khoản thặng dư thương mại, trong khi lại siết chặt các khoản tín dụng nhỏ, do vậy làm tăng tỷ lệ thất nghiệp và đói nghèo. Giới chuyên gia cho rằng mức tăng trưởng kinh tế của khu vực này trong năm 2009 có thể giảm xuống còn 2%, mức thấp nhất trong nhiều năm qua.

Song, hàng loạt lợi thế trong những năm đó đã giúp khu vực Mỹ Latinh khắc phục được cuộc khủng hoảng toàn cầu tốt hơn các khu vực khác nhờ các chính phủ đã trang trải được nợ nần và củng cố nguồn ngoại tệ dự trữ cũng như ngân quỹ dự phòng, từ đó thúc đẩy các nền kinh tế đang chững lại.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói kích thích kinh tế trị giá khoảng 200 tỷ euro (tương đương 270 tỷ USD) để liên minh này không bị suy thoái.

Các ngân hàng đã phải hạ thấp dự đoán về tăng trưởng của khu vực này trong năm 2009 xuống còn khoảng từ 0 đến -1%, ngay cả khi có giả thiết rằng nửa cuối năm 2009 sẽ chứng kiến một quá trình phục hồi rất chậm.

Cuối cùng là ở khu vực Nam sa mạc Sahara của châu Phi, tỷ lệ tăng trưởng đạt 5,4% trong năm 2008 và dự kiến sẽ vẫn ở mức 4,6% trong năm 2009. Nhưng, đóng góp của xuất khẩu thực tế cho mức tăng GDP của châu Phi có thể sẽ giảm xuống.

Các nhà kinh tế kết luận giá lương thực và nhiên liệu tăng cao cũng làm gia tăng nghèo đói và biến động xã hội./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục