Kinh tế Nhật Bản - Thử thách cho chính sách Abenomics

Số liệu về kinh tế Nhật Bản trong quý 4/2013 thấp hơn dự kiến nhưng không làm giảm sự tín nhiệm với với chính sách Abenomics.

Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) ngày 18/2 đã quyết định duy trì chính sách siêu nới lỏng tiền tệ và kéo dài chương trình quỹ hỗ trợ cho vay đặc biệt thêm một năm nhằm thúc đẩy hồi phục kinh tế.

Động thái này của BoJ đã giúp chỉ số chứng khoán ở thị trường Tokyo (Nhật Bản) bật tăng hơn 3% trong phiên giao dịch buổi chiều.

Khó khăn còn nhiều

Thông báo của BoJ diễn ra khi số liệu tăng trưởng yếu kém của Nhật Bản trong quý cuối cùng của năm 2013 cho thấy một sự giảm tốc với kết quả khiêm tốn của hoạt động xuất khẩu, qua đó làm tăng những lo ngại về những tác động bất lợi của việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% bắt đầu có hiệu lực từ tháng Tư tới.

Theo số liệu công bố, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 1,6% trong cả năm 2013, nhưng đáng chú ý đã chậm lại 0,3% trong quý cuối cùng của năm ngoái, thấp hơn so với con số dự kiến tăng 0,7% của các nhà kinh tế được hỏi trong cuộc thăm dò của nhật báo kinh doanh Nikkei (Nhật Bản).

Đây cũng là số liệu kinh tế của một năm đầu tiên kể từ khi ông Shinzo Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản hồi năm 2012.

Nhà kinh tế trưởng Yoshiki Shinke của Dai-ichi Life Research Institute cho biết hoạt động xuất khẩu ì ạch của Nhật Bản là nguyên dẫn tới tình trạng tăng trưởng giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Theo ông, kịch bản về đồng yen giảm giá giúp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và chi tiêu tiêu dùng gia tăng theo chương trình cải cách kinh tế Abenomics đã không trở thành hiện thực.

Đồng yen giảm đã thúc đẩy giá cổ phiếu, qua đó làm tăng chi tiêu tiêu dùng song hoạt động xuất khẩu vẫn chưa bật lên. Hiện tại, Nhật Bản cũng đang đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại gia tăng do nhập khẩu tăng lượng tăng mạnh sau thảm họa động đất-hạt nhân Fukusima.

Theo ông Shinke, sức mạnh của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhất là Mỹ, sẽ là nhân tố chủ chốt đối với tình hình kinh tế Nhật Bản trong năm 2014 này. Ngoài ra, sản lượng công nghiệp của Nhật Bản trong tháng 12/2013 đã được điều chỉnh đã tăng 0,9% so với tháng trước đó, thấp hơn mức tăng dự kiến 1,1% trước đó.

Theo các nhà phân tích, đây có lẽ là rủi ro lớn nhất đối với những nỗ lực cải cách kinh tế của ông Abe và dẫn tới những dự đoán cho rằng BoJ sẽ phải tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có vào cuối năm nay để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế có thể xảy ra.

Họ cho rằng thuế tiêu dùng tăng - được coi là nhân tố quan trọng giúp giảm mức nợ công cao kỷ lục của Nhật Bản (tương đương hơn 200% GDP) - sẽ ảnh hưởng bất lợi tới sự hồi phục của nền kinh tế nước này sau nhiều năm giảm phát. Số liệu công bố hồi tháng 1/2014 cho thấy giá tiêu dùng của Nhật Bản trong năm 2013 đã tăng lần đầu tiên trong 5 năm qua.

Theo số liệu thống kê, kinh tế Nhật Bản đã tăng trưởng 1,4% trong năm 2012 và giảm 0,5% năm 2011 khi nước này bị thiệt hại nặng nề do thảm họa động đất-sóng thần và khủng hoảng hạt nhân hồi tháng 3/2011. Ngoài ra, Nhật Bản hiện cũng phải đối mặt với mức nợ công cao kỷ lục, và điều này có thể tác đông bất lợi tới "sức khỏe" tài chính của nước này về dài hạn.

Trong khi đó, nhà kinh tế trưởng Takuji Okubo của Japan Macro Advisors, có trụ sở tại Tokyo (Nhật Bản), cho rằng số liệu tăng trưởng "thất vọng" là sự phản ánh cho thấy những giới hạn của chính sách cải cách kinh tế Abenomics.

Nếu chính phủ Nhật Bản chỉ triển khai những chính sách tiền tệ và tài khóa phù hợp và quyết liệt thì cũng chưa đủ mà cần phải có sự thay đổi thực tế về sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và một sự chuyển biến tích cực về triển vọng kinh tế dài hạn của nước này thì mới dẫn tới một sự thay đổi thực sự của tăng trưởng kinh tế nước này.

Hy vọng vẫn còn

Trong bối cảnh kinh tế Nhật Bản vẫn đứng trước nhiều thách thức, BoJ vẫn giữ nguyên những đánh giá lạc quan về triển vọng kinh tế Nhật Bản trong tháng thứ năm liên tiếp khi cho hay "nền kinh tế nước này tiếp tục hồi phục vừa phải và nhu cầu tăng mạnh trước khi mức thuế tiêu dùng mới dược áp dụng.

Ngoài ra, BoJ cho biết sẽ tăng gấp đôi các chương trình tín dụng hiện có dành cho các ngân hàng trong nước nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cho các doanh nghiệp và cấp vốn cho các dự án thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như nghiên cứu môi trường và phát triển tài nguyên thiên nhiên.

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari cho rằng nhu cầu trong nước vẫn khá tốt và nền kinh tế nước này tiếp tục xu hướng đi lên, nhờ nhu cầu của khu vực tư nhân.

Chi tiêu tiêu dùng - nhân tố đóng góp tới 60% GDP của Nhật Bản - trong quý 4/2013 đã tăng 0,5%, cho thấy tác động tích cực của chính sách nới lỏng tiền tệ và thúc đẩy chi tiêu mà chính phủ nước này đang áp dụng.

Cũng với quan điểm tích cực, công ty Capital Economics, có trụ sở tại London (Vương quốc Anh), nhận định rằng số liệu kinh tế Nhật Bản trong quý 4/2013 "không quá tiêu cực mặc dù thấp hơn dự kiến". Theo công ty này, số liệu trên không làm suy giảm sự tín nhiệm với với chính sách Abenomics như một số ý kiến lo ngại.

Kể từ khi ông Abe trở thành Thủ tướng Nhật Bản vào cuối năm 2012, đồng yên đã giảm giá gần 25% so với USD, tác động tích cực tới các nhà xuất khẩu Nhật Bản.

Chỉ số chứng khoán Nikkei đã tăng 57% trong năm 2013, mức cao nhất trong hơn bốnthập niên qua, trong khi tăng trưởng của Nhật Bản đã dẫn đầu các nước thuộc Nhóm 7 quốc gia công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới trong nửa đầu năm 2013.

Hiện tại, các nhà phân tích nhìn chung dự đoán BoJ sẽ phải mở rộng chương trình mua tài sản vào cuối năm 2014 để đối phó với bất kỳ sự suy giảm nào của nền kinh tế do đợt tăng thuế tiêu dùng của nước này.

Trước đó, chính phủ Nhật Bản cho rằng gói kích cầu trị giá 5.500 tỷ yen (54 tỷ USD), mà quốc hội nước này đã thông qua trong tháng Hai này, sẽ giúp giảm thiểu những ảnh hưởng tiêu cực của việc tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng Tư tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục