Kinh tế Pháp có dấu hiệu phục hồi song chưa vững

Nền kinh tế Pháp bắt đầu thoát khỏi suy thoái, GDP ước đạt 1,7% nhưng chưa phục hồi vững chắc do phải khắc phục hậu quả khủng hoảng.
Cộng hòa Pháp, với thế mạnh của một nước công nghiệp tiên tiến, xuất khẩu nhiều máy móc thiết bị, phương tiện vận tải (máy bay dân dụng, ôtô và phụ tùng) sản phẩm cơ khí, đồ điện, máy tính, dược phẩm và các loại nguyên liệu bán thành phẩm đến nhiều nơi trên thế giới.

Nền kinh tế bắt đầu thoát khỏi suy thoái nhưng chưa thực sự phục hồi vững chắc do phải tiếp tục khắc phục hậu quả của khủng hoảng tài chính, tiền tệ và nỗ lực đối phó với ảnh hưởng của khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp, Ireland, Italy, Tây Ban Nha. Tăng trưởng GDP năm 2010 đạt 1,5% (2009: - 2,5%), năm 2011 dự báo có thể đạt 1,7%.

Tiêu dùng của các hộ gia đình tăng nhẹ, năm 2010 đạt 1,5%, năm 2011 ước đạt 1,8%. Tiêu dùng các sản phẩm công nghiệp như ôtô và hàng may mặc, đồ da tăng mạnh nhất. Sản lượng công nghiệp và dịch vụ năm 2010 tăng 1%, ước năm 2011 tăng 1,2%. Sản lượng ôtô giảm 0,1% năm 2010, ước phục hồi cuối năm 2011.

Về đầu tư, quí 1/2011 tăng 1,9% nhưng cuối năm lại rớt xuống còn có 0,1%, trong khi đó năm 2010 giảm 1,7%. Niềm tin kinh doanh thấp cùng với sự thận trọng trên thị trường liên ngân hàng và các kênh tài chính gắn với nền kinh tế khiến cho việc đầu tư vào các dự án phi tài chính chậm lại. Nhiều chủ doanh nghiệp cho rằng cuộc khủng hoảng tài chính hiện tại đă làm ngưng trệ các dự án đầu tư.

Xuất khẩu năm 2011 dự kiến đạt 425 tỉ euro tăng 8% so với 2010. Trung Quốc đang nổi lên là thị trường xuất khẩu quan trọng của Pháp với các hợp đồng có giá trị lên đến 20 tỷ euros được ký kết nhân chuyến thăm Pháp của Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào năm 2010 (160 máy bay Airbus trị giá 12 tỷ euro, 2 lò điện hạt nhân EPR kèm theo các thanh nhiên liệu trị giá 8 tỷ euro), thỏa thuận hợp tác xây dựng một nhà máy tái chế chất thải hạt nhân trị giá 15 tỷ euro, các hợp đồng trong lĩnh vực truyền thông với sự tham gia của Alcatel Lucent và dược phẩm với sự tham gia của Sanofi Adventis.

Theo ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, nước Pháp nhập khẩu nhiều nguyên liệu công nghiệp (dầu mỏ, khí đốt, than, kim loại…) và hàng tiêu dùng (dệt may, giày dép, thủy sản, thịt gia súc, cà phê, hồ tiêu, rau quả, đồ gỗ, đồ gia dụng,…) từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới. Pháp cũng nhập khẩu nhiều bán thành phẩm công nghiệp như một phần tất yếu của quá trình chuyên môn hóa và toàn cầu hóa. Tổng trị giá hàng hóa nhập khẩu năm 2011 ước đạt 490 tỉ euro, tăng 10%.

Do nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu, cán cân thương mại của Pháp liên tục thâm hụt trong nhiều năm qua. Năm 2010 Pháp nhập siêu 52 tỉ euro và dự báo cuối năm 2011 lên tới 65 tỉ euro, tăng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy không bị lún sâu vào khủng hoảng như một số nước châu Âu khác (Hy Lạp, Ireland, Italy, Tây Ban Nha), bức tranh kinh tế-chính trị-xã hội nước Pháp năm 2010 và 2011 vẫn chưa thực sự khởi sắc: ngân sách quốc gia chưa được cải thiện; cán cân thương mại tiếp tục thâm hụt lớn; niềm tin đầu tư và tiêu dùng thấp; thất nghiệp nhiều; lạm phát gia tăng.

Trước tình hình đó, Tổng thống Nicola Sakozy đã có những động thái thúc đẩy cải cách chính sách an sinh xã hội, định cư và cấp giấy phép lao động theo hướng giảm ưu đãi đối với người nhập cư và sinh viên nước ngoài để khắc phục phần nào thâm hụt ngân sách và cải thiện thị trường lao động cho người Pháp.

Dự kiến trong năm 2012 và các năm sau đó, nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu và đồ gia dụng tại Pháp sẽ tiếp tục tăng. Người tiêu dùng Pháp, lâu nay được coi là kỹ tính, có xu hướng giảm dần sự cầu kỳ và chấp nhận các loại hàng hóa nhập khẩu mới có xuất xứ xa xôi hoặc lạ nhưng giá cả hợp lý, nhất là trong thời kỳ khó khăn kinh tế./.

Lê Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục