Kinh tế tháng 2 còn nhiều khó khăn

Theo đánh giá chung của các bộ, ngành và doanh nghiệp, tuy tình hình sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khá hơn so với tháng 1, nhưng nhìn chung đang gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải kịp thời hơn nữa và đồng bộ hơn nữa các giải pháp về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, dịch vụ; về kích cầu tiêu dùng; về an sinh xã hội.

Theo đánh giá chung của các bộ, ngành và doanh nghiệp, tuy tình hình sản xuất kinh doanh có dấu hiệu khá hơn so với tháng 1, nhưng nhìn chung đang gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi phải kịp thời hơn nữa và đồng bộ hơn nữa các giải pháp về hỗ trợ sản xuất kinh doanh, dịch vụ; về kích cầu tiêu dùng; về an sinh xã hội.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp giao ban sản xuất tháng 2, tổ chức tại Hà Nội, ngày 25/2, cho thấy tuy tháng 2 giá trị sản xuất công nghiệp tăng 21,6% so với tháng 1 và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng tốc độ tăng trưởng vẫn thấp bởi tính chung 2 tháng mức tăng chỉ đạt 2,5% so với cùng kỳ 2008; trong khi cùng kỳ năm 2008 mức tăng so với cùng kỳ 2007 lên tới 16,3%.

Trong khi giá trị sản xuất công nghiệp ở khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 4,4% so với cùng kỳ thì tại khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khu vực ngoài quốc doanh, giá trị sản xuất công nghiệp vẫn có mức tăng nhỏ, lần lượt là 3,3% và 6,6%.

Số địa phương có mức tăng giá trị sản xuất công nghiệp cao hơn so với mặt bằng chung chỉ có Thanh Hóa, Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu và Khánh Hòa với mức tăng từ 5%-18,4%. Trong khi đó, 5 tỉnh, thành phố có mức giảm so với cùng kỳ từ 1,5% -29,8%. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do khó khăn về thị trường xuất khẩu cũng nhưng về thị trường trong nước.

Sản xuất nông nghiệp trong 2 tháng qua tuy có nhiều khó khăn nhưng tốc độ gieo cấy lúa đông xuân tăng 0,4% so với cùng kỳ với cơ cấu giống lúa có chất lượng cao để xuất khẩu, diện tích cây vụ đông cũng tăng, tốc độ tái đàn gia cầm cũng chuyển biến tích cực, khai thác và nuôi trồng thuỷ sản tăng so với cùng kỳ.  Sự phát triển ổn định tại khu vực này hứa hẹn thu hoạch cao nếu làm tốt việc khoanh vùng dập dịch, phòng chống sâu bệnh, các biện pháp khuyến nông, khuyến ngư... và nhất là tìm đầu ra cho sản phẩm.

Về xuất nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm, nhất là nhập khẩu lại giảm mạnh ở nhiều nhóm hàng phục vụ cho hoạt động sản xuất dẫn đến 2 tháng đầu năm xuất siêu khoảng 295 triệu USD, bằng 3,7% kim ngạch xuất khẩu.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 2 ước đạt 4,3 tỷ USD, tuy tăng 15,5% so với tháng 1, nhưng tính chung 2 tháng, với 8 tỷ USD vẫn giảm 5% so với cùng kỳ 2008. Hiện nay, đa số các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm 2008 và chỉ có một số ít mặt hàng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ là gạo tăng 113,2%, than đá tăng 9,4%, hạt tiêu tăng 6,5%, hạt điều tăng 2,1%.

Nguyên nhân được nhận định là do sự giảm giá của nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới và sự thu hẹp của thị trường do suy giảm kinh tế. Hiện nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, ASEAN, Nhật Bản đều giảm 20%. Việc nhập khẩu giảm tới 43,1% trong 2 tháng đầu năm cũng được xem là một trong những yếu tố gây khó khăn cho nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam cần được theo dõi và có giải pháp phù hợp.

Tại cuộc họp, các bộ, ngành, doanh nghiệp đã đưa ra một số kiến nghị về tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, huy động và giải ngân các nguồn vốn đầu tư nhằm chủ động ngăn chặn chiều hướng suy giảm của nền kinh tế và thực hiện cho được các mục tiêu phát triển kinh tế đề ra trong năm 2009./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục