Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao hơn so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố Hồ Chí Minh.
Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao hơn so với cùng kỳ, góp phần đáng kể vào tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố Hồ Chí Minh.

Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cả trong và ngoài nước tiếp tục được thực hiện, đáp ứng yêu cầu phát triển thực tế và yêu cầu hội nhập của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp giữ vững và tiến tới phát triển sản xuất bền vững.

Những nhận định này được Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 10 tháng năm 2016, ngày 28/10.

Theo ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, các hoạt động xúc tiến đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư đã góp phần thu hút đáng kể nguồn vốn trong và ngoài nước, trong đó có 29.899 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 242.162 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 15,9% về số lượng doanh nghiệp và tăng 46,1% về vốn đăng ký).

Ngoài ra, có 44.495 lượt doanh nghiệp đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, trong đó vốn điều chỉnh bổ sung tăng 169.968 tỷ đồng (so cùng kỳ tăng 0,8% về số lượt doanh nghiệp và tăng 58,7% về vốn bổ sung). Tính chung, tổng vốn đăng ký và bổ sung 412.130 tỷ đồng, tăng 45,9% so với cùng kỳ.

Đầu tư nước ngoài có 668 dự án được cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 44% so cùng kỳ với tổng vốn đầu tư đạt 798,7 triệu USD. Có 145 dự án điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn đầu tư 477,3 triệu USD.

Ngoài ra, thành phố cũng chấp thuận cho 1.469 trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua lại phần vốn góp trong các doanh nghiệp thành phố với tổng vốn góp đăng ký khoảng 1,23 tỷ USD. Như vậy, tính chung, Thành phố Hồ Chí Minh thu hút được 2,5 tỷ USD.

Về tình hình xuất nhập khẩu, trong 10 tháng, kim ngạch xuất khẩu của thành phố ước đạt 26,6 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 3,8%). Nếu không tính giá trị dầu thô, kim ngạch ước đạt 24,445 tỷ USD, tăng 12,2% (cùng kỳ tăng 9,2%).

Thị trường xuất khẩu một số nước tăng nhanh như Indonesia tăng 61,1%; Án Độ tăng 52,6%; Trung Quốc tăng 36,5%; Thái Lan tăng 31,5%; Hàn Quốc tăng 26,4%...

Mặt hàng xuất khẩu của một số mặt hàng được duy trì và có mức tăng như càphê tăng 50%; máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 24,52%; hạt điều 11,61%...

Về nhập khẩu, ông Sử Ngọc Anh cho biết trong 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu của thành phố ước đạt 30,3 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8%). Mặt hàng nhập khẩu nhiều từ các quốc gia như Mỹ tăng 113,9%, Hàn Quốc tăng 38%, Pháp tăng 28,8%. Ngành hàng nhập khẩu chủ yếu là trang thiết bị, nguyên vật liệu cho sản xuất như sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 43,8%; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 46,04%; chất dẻo nguyên liệu tăng 12,3%.

Bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, về tổng thu ngân sách nhà nước (không tính ghi thu ghi chi) ước thực hiện 10 tháng năm 2016 của thành phố là hơn 249.596 tỷ đồng, đạt 83,67% dự toán, tăng 10,38% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản và sửa chữa lớn trên địa bàn 10 tháng ước thực hiện hơn 229.535 tỷ đồng, đạt 78,4% kế hoạch, tăng 10,7% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 9,5%).

Để đạt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2016, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung triển khai Quyết định số 4181/QĐ-UBND ngày 15/8/2016 về ban hành Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn, trong đó tập trung hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp và thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo...

Ông Sử Ngọc Anh cho biết Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đến 2020. Thành phố phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho ngành, nâng cao năng lực sản xuất, giữ vững thị trường xuất khẩu đi đôi với phát triển thị trường nội địa, mở rộng các kênh bán hàng để khai thác tối đa thị trường trong nước.

Thời gian tới, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh thành phố tập trung triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục