Kinh tế thế giới 2009 có dấu hiệu khả quan hơn

Những nỗ lực không mệt mỏi nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính, như việc các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và các chính phủ bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, khiến giới phân tích lạc quan dự đoán rằng kinh tế thế giới sẽ có những dấu hiệu tốt hơn trong năm 2009.

Những nỗ lực không mệt mỏi nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính, như việc các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất và các chính phủ bơm tiền vào hệ thống ngân hàng, khiến giới phân tích lạc quan dự đoán rằng kinh tế thế giới sẽ có những dấu hiệu tốt hơn trong năm 2009.
 
Nhiều nhà đầu tư cũng hy vọng ngày 31/12/2008 là "ngày thoát nợ cuối cùng" của một trong những năm tồi tệ nhất, đồng thời nguyện cầu kế hoạch cứu trợ của các chính phủ sẽ kéo kinh tế toàn cầu ra khỏi tình trạng suy thoái nghiêm trọng hiện nay vào cuối năm 2009.
 
Tuy nhiên, tình hình đầu năm 2009 có thể sẽ ảm đạm hơn với số vụ phá sản, nợ xấu và sa thải nhân công vẫn gia tăng. Cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất trong vòng 80 năm nay, bị châm ngòi từ cuộc khủng hoảng thế chấp tại thị trường cho vay thứ cấp ở Mỹ, đã biến năm 2008 thành một trong những năm đen tối nhất đối với các nhà đầu tư, đồng thời làm thay đổi căn bản bức tranh tài chính toàn cầu.
 
Sự sụp đổ của các ngân hàng đầu tư hàng đầu của Mỹ, như Lehman Brothers, khiến các ngân hàng khác thua lỗ nặng nề và làm cho hệ thống tín dụng đóng băng, ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh doanh thế giới. Chỉ số chứng khoán chủ chốt trên thế giới năm 2008 suy giảm nặng nề, từ 31% ở London (Anh) đến 65% ở Thượng Hải. Theo chỉ số thế giới chuẩn MSCI của các công ty lớn, tình trạng sụp đổ như vậy sẽ khiến thị trường mất gần 14 nghìn tỷ USD.
 
Hiện các thị trường tín dụng toàn cầu đang có những dấu hiệu cải thiện, song các ngân hàng vẫn không muốn cho vay. Các kế hoạch kích thích của chính phủ, biện pháp cứu trợ công ty và biện pháp giảm lãi suất sẽ đòi hỏi phải mất rất nhiều thời gian và những lợi ích của chúng hiện đang bị tranh cãi. Tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng đang làm dấy lên tâm lý lo sợ về sự bất ổn xã hội ở một số nước và buộc các chính phủ phải hành động nhanh chóng, ngay cả khi bị thâm hụt lớn và nợ nần chồng chất.
 
Dù sao, việc các chính phủ trên thế giới đã bắt đầu rót hơn 1 nghìn tỷ USD vào các nền kinh tế và dự kiến sẽ rót tiền nhiều hơn trong năm 2009, cũng đem lại hy vọng cho kinh tế thế giới. Nhà chiến lược hàng đầu tại Brewin Dolphin, ông Mike Lenhoff, cho rằng kinh tế thế giới sẽ tiến triển đôi chút trong năm 2009 và sau đó sẽ ổn định trong một thời gian.
 
Năm 2009, các nhà hoạch định chính sách toàn cầu sẽ phải làm hết khả năng để bảo đảm cuộc suy thoái hiện nay không bị biến thành giảm phát, đồng thời nỗ lực cải tổ các hệ thống điều phối đã trở nên lỗi thời để ngăn chặn những cuộc khủng hoảng trong tương lai./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục