Kinh tế thế giới vẫn ẩn chứa nhiều rủi ro

"Kinh tế thế giới đang cải thiện song ẩn chứa nhiều rủi ro"

LHQ nhận định kinh tế toàn cầu đang cải thiện nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro có thể khiến đà tăng trưởng đi chệch hướng.

Kinh tế toàn cầu đang cải thiện nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro có thể khiến đà tăng trưởng đi chệch hướng. Đó là nhận định trong Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 của Liên hợp quốc, công bố ngày 18/12.

Mặc dù 2013 là năm thứ hai tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới hầu như không khởi sắc, song những dấu hiệu tích cực của quý cuối cùng trong năm đã khiến Liên hợp quốc lạc quan về triển vọng của năm 2014.

Liên hợp quốc nhận định với những dấu hiệu cải thiện như hiện nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ cải thiện trong vòng hai năm tới và có thể đạt mức 3% trong năm 2014; 3,3% trong năm 2015, cao hơn so với mức 2,1% trong năm 2013.

Đánh giá tổng thể, Liên hợp quốc cho rằng việc khu vực đồng euro chấm dứt thời kỳ suy thoái kéo dài, kinh tế Mỹ cũng như một số nền kinh tế lớn đang nổi, trong đó có Ấn Độ và Trung Quốc, đang hồi phục là những yếu tố kích thích kinh tế thế giới tăng trưởng.

Lạm phát trên toàn thế giới vẫn ở mức vừa phải. Hoạt động giao dịch thương mại quốc tế dự kiến sẽ hồi phục nhẹ, lên mức 4,7% trong năm 2014.

Giá cả hầu hết các nguyên liệu thô vẫn ổn định mặc dù những biến động bất ngờ liên quan đến nguồn cung có thể xảy ra, trong đó có cả những xung đột địa chính trị có thể đẩy giá các mặt hàng này lên cao hơn.

Tuy nhiên, Liên hợp quốc cũng thừa nhận tình hình thị trường việc làm vẫn ẩn chứa nhiều thách thức và các luồng lưu thông vốn quốc tế đến các nền kinh tế mới nổi vẫn chưa ổn định.

Đề cập đến các yếu tố rủi ro có thể tác động đến kinh tế toàn cầu, báo cáo nhận định các hậu quả liên quan đến việc Cục dự trữ liên bang Mỹ ngừng chương trình cứu trợ kinh tế có thể sẽ dẫn đến việc tăng mạnh lãi suất dài hạn tại các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Việc chấm dứt chương trình này được dự báo sẽ đẩy các thị trường chứng khoán rơi vào tình trạng các nhà đầu tư bán tháo tài sản thế chấp, ảnh hưởng đến các nguồn đầu tư ở các nền kinh tế mới nổi.

Bên cạnh đó, Liên hợp quốc còn liệt kê một loạt yếu tố tiêu cực khác như hệ thống ngân hàng còn yếu, thực lực kinh tế của khu vực đồng euro chưa ổn định, bất đồng nội bộ nước Mỹ về các vấn đề liên quan đến ngân sách và trần nợ.

Ngoài ra, những căng thẳng địa chính trị ở Tây Phi và nhiều nơi khác cũng là những yếu tố tiềm ẩn rủi ro lớn. Liên hợp quốc cho rằng tất cả những yếu tố trên có thể khiến nền kinh tế thế giới đi chệch hướng khỏi dự đoán nêu ra trong báo cáo.

Với nhiều thách thức như trên, Liên hợp quốc kêu gọi các nền kinh tế tăng cường điều phối chính sách theo hướng quốc tế hóa, nhấn mạnh mục tiêu hồi phục mạnh hơn, đặc biệt trong lĩnh vực việc làm.

Báo cáo của Liên hợp quốc cũng đã đánh giá tình hình kinh tế của từng khu vực. Đối với nhóm các nền kinh tế phát triển, báo cáo cho rằng mặc dù các biện pháp siết chặt tài chính và một loạt những bất đồng chính trị liên quan đến vấn đề ngân sách đã tác động khá lớn đến tăng trưởng kinh tế Mỹ nhưng chương trình cứu trợ của nước này đã phát huy hiệu quả.

Thị trường lao động và nhà ở hồi phục tạo đà cho GDP có thể đạt tăng trưởng 2,5% trong năm 2014. Trong khi đó, GDP của Tây Âu dự kiến chỉ tăng 1,5%, vì dù khu vực này đã thoát khỏi suy thoái trong năm 2013 nhưng triển vọng vẫn khá ảm đạm do phải tiếp tục áp dụng các biện pháp tài chính khắc khổ khiến tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng.

Nga được dự báo sẽ hồi phục ở mức vừa phải, lên 2,9% trong năm 2014. Kinh tế Nhật Bản được cải thiện nhờ vào các gói kích cầu của chính phủ nhưng mức tăng trưởng dự kiến trong năm 2014 vẫn thấp, chỉ đạt khoảng 1,5%.

Liên hợp quốc cho rằng hiệu quả chương trình cải cách cơ cấu sắp tới vẫn chưa rõ ràng và chương trình tăng thuế tiêu thụ trong thời gian tới có thể làm giảm tăng trưởng.

Đối với nhóm đang phát triển, triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế lớn vẫn khá phức tạp. Tăng trưởng kinh tế tại Brazil dự đoán sẽ khôi phục lên mức 3% trong năm 2014.

Tuy nhiên, triển vọng này không chắc chắn do Liên hợp quốc cho rằng nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh vẫn chịu tác động của việc giảm nhu cầu từ bên ngoài, thiếu ổn định trong hoạt động lưu thông vốn quốc tế và chính sách siết chặt tiền tệ.

Tình hình kinh tế Trung Quốc được cải thiện với tăng trưởng dự kiến ở mức 7,5% trong vài năm tới. Ấn Độ sẽ hồi phục lên mức trên 5%.

Trong số các nền kinh tế đang phát triển, triển vọng của châu Phi được đánh giá tương đối sáng sủa. GDP của khu vực này dự kiến tăng 4,7% trong năm 2014 so với mức 4% năm 2013.

Tuy nhiên, báo cáo cũng nhấn mạnh đến sự không bền vững do sự phụ thuộc của châu Phi vào các nguồn đầu tư dành cho cơ sở hạ tầng, thương mại, quan hệ đầu tư với các nền kinh tế đang nổi và cải thiện trong việc quản lý và điều hành nền kinh tế.

Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới được công bố thường niên vào đầu năm do Ban các vấn đề kinh tế và xã hội của Liên hợp quốc, Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD) và năm ủy ban khu vực của Liên hợp quốc phối hợp tiến hành. Báo cáo hoàn chỉnh sẽ được công bố vào ngày 20/1/2014./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục