Hồi phục nhưng đầy rủi ro

Kinh tế thế giới đang hồi phục nhưng vẫn đầy rủi ro

Đánh giá về tình hình kinh tế, hãng tin AP cho rằng tình trạng suy thoái đang chấm dứt, nhưng chưa có gì đảm bảo chắc chắn.
Đánh giá về tình hình kinh tế thế giới, hãng tin AP cho rằng những chuyển biến gần đây tại các nền kinh tế châu Âu và châu Á cùng với đà hồi phục ở Mỹ đang làm dấy lên những tia hy vọng rằng tình trạng suy thoái trên toàn thế giới đang chấm dứt, nhưng chưa có gì đảm bảo chắc chắn.

Theo AP, triển vọng sáng sủa ở châu Âu và châu Á, sự cải thiện tại các thị trường tín dụng Mỹ và các chỉ số khả quan đang phản ánh hiệu quả của các gói kích cầu quy mô lớn của các chính phủ.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tỏ ý hoài nghi về việc liệu các nền kinh tế hàng đầu có thể duy trì đà phục hồi được bao lâu sau khi các biện pháp khích thích và các chính sách ưu đãi tín dụng kết thúc cũng như thiếu khoản chi mới đáng kể của người tiêu dùng, đặc biệt của giới tiêu dùng Mỹ.

Nhà kinh tế hàng đầu Mark Zandi của mạng tin Moody's Economy.com cho rằng việc chưa rõ liệu các nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể tiếp tục tăng trưởng bao lâu khi không còn các gói kích thích là một phần nguyên nhân khiến các thị trường chứng khoán trên toàn cầu lại trở nên hoảng loạn.

Theo ông, các nền kinh tế khác khó có thể thoát khỏi suy thoái trước khi nền kinh tế Mỹ (vốn chiếm 1/4 tổng giá trị kinh tế toàn cầu) bắt đầu tăng trưởng trở lại.

Sau khi kinh tế toàn châu Âu lâm vào tình trạng rơi tự do một cách khủng khiếp vào cuối năm 2008, Pháp và Đức - hai nền kinh tế lớn nhất châu lục, thông báo kinh tế của hai nước này đã tăng trưởng đôi chút trong quý II/2009. Các nền kinh tế châu Âu chủ chốt khác vẫn đang chật vật, nhưng số liệu nói chung cho thấy các nền kinh tế này cũng khá hơn so với cuối năm 2008 và đầu năm nay.

Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc cũng thông báo những dấu hiệu phục hồi kinh tế khi những nỗ lực kích cầu của các chính phủ trên toàn cầu bắt đầu cho thấy kết quả.

Kinh tế Nga, vốn nằm trong số các nền kinh tế lớn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái do giá dầu giảm mạnh và sự ra đi của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, dường như đang trên đà ổn định.

Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho rằng đà suy thoái của kinh tế Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, dường như đã "chạm đáy" và nhiều nhà kinh tế dự đoán kinh tế Mỹ sẽ phục hồi trong sáu tháng cuối năm nay.

Những diễn biến nói trên đang góp phần làm cho bức tranh kinh tế toàn cầu trở nên sáng sủa trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G-20 ở Pittsburgh vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, hãng tin AP cho rằng trước khi giới tiêu dùng Mỹ bắt đầu chi tiêu trở lại và chừng nào việc làm còn mất đi, tính bền vững của mọi sự phục hồi kinh tế đều bị nghi ngờ.

Tuần qua, các công ty bán lẻ then chốt cho biết người tiêu dùng Mỹ tiếp tục hạn chế mua sắm tất cả các mặt hàng, trừ những mặt hàng thiết yếu.

Trong khi đó, mặc dù sự tăng trưởng trở lại của Nhật Bản, nền kinh tế thứ hai thế giới, đã đánh dấu sự kết thúc tình trạng suy thoái kéo dài và tồi tệ nhất của nước này kể từ Chiến tranh thế giới thứ II, song diễn biến khả quan trên cũng như tin tức gần đây nói rằng các nền kinh tế chủ chốt đang tăng trưởng trở lại hoặc ổn định đã không tác động nhiều đến các nhà đầu tư vì các thị trường chứng khoán sụt giá và sau đó là hoảng loạn giữa lúc các nhà đầu tư quốc tế lo sợ không thể duy trì được quá trình phục hồi./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục