Kinh tế thế giới hồi phục nhưng còn mong manh

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn nhận định tình hình kinh tế đã trở nên khá hơn nhưng sức phục hồi vẫn còn mong manh.

Những cảnh báo về nguy cơ suy thoái kép cũng nổi lên trong các ngày họp tại Davos, do lãnh đạo các nước đang có ý rút lại các gói kích thích kinh tế lớn đưa ra hồi năm ngoái nhằm tránh rơi vào kịch bản Đại Suy thoái những năm 1929-1933.
Hội nghị thường niên lần thứ 40 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sĩ, đã bế mạc ngày 31/1, với sự nhất trí rằng nền kinh tế thế giới đang phục hồi từ suy thoái nhưng vẫn còn mong manh, do phải gánh trên vai các khoản thâm hụt lớn.

Tuy nhiên, các nước tham dự WEF cho rằng vẫn còn nhiều chia rẽ về vấn đề cải tổ ngành ngân hàng.

Châu Á đang dẫn đầu sự phục hồi trên toàn thế giới từ cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất nhiều tập kỷ, với kinh tế Trung Quốc năm 2009 đã tăng gần 9%, trong đó riêng quý IV đạt mức tăng 2 con số; kinh tế Ấn Độ tăng 7%; trong khi GDP của Mỹ cũng bất ngờ tăng tới 5,7%.

Các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị ở Davos vẫn lạc quan thận trọng về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu sau khi phải vật lộn với suy thoái trong suốt 18 tháng, trong bối cảnh việc làm vẫn đang là vấng đề đáng lo ngại tại Mỹ và châu Âu, với tỷ lệ thất nghiệp ở cả hai nền kinh tế này đã lên tới khoảng 10%. Trong khi đó, khu vực đồng euro cũng đang đau đầu với cuộc khủng hoảng nợ ở Hy Lạp.

Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc Tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn nhận định tình hình kinh tế đã trở nên khá hơn nhưng sức phục hồi vẫn còn mong manh.

Những cảnh báo về nguy cơ suy thoái kép cũng nổi lên trong các ngày họp tại Davos, do lãnh đạo các nước đang có ý rút lại các gói kích thích kinh tế lớn đưa ra hồi năm ngoái nhằm tránh rơi vào kịch bản Đại Suy thoái những năm 1929-1933.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Christine Lagarde cho biết nước này đã áp dụng quy tắc 3 bước đó là phục hồi, cải tổ và khôi phục nền tài chính công, nhưng bà thừa nhận vấn đề thời điểm là rất quan trọng.

Bà Christine Lagarde cho rằng sự cân bằng giữa tiến trình phục hồi cần được tiếp tục, với sự cải tổ vốn cũng cần được duy trì và việc khôi phục nền tài chính công là một quá trình khó khăn.

Vấn đề cải tổ ngành ngân hàng là chủ đề được quan tâm trong cuộc họp kéo dài 4 ngày tại Davos, bắt đầu với bài phát biểu khai mạc của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, trong đó ông ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhằm hạn chế hoạt động đầu tư rủi ro của các ngân hàng.

Theo Giám đốc điều hành IMF Strauss-Kahn, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách hệ thống tài chính, bởi việc ổn định tài khóa là một trong những vấn đề lớn nhất cần giải quyết trong vòng từ 5, 6 hay 7 năm nữa, phụ thuộc vào điều kiện từng nước.

Trả lời phỏng vấn sau khi bế mạc hôi nghị, ông Barney Frank, đại biểu Quốc hội Mỹ cho biết các nhà ngân hàng hiểu rõ việc phải có các quy định chặt chẽ hơn, nhưng ông không thấy có sự khác nhau giữa việc họ có thừa nhận điều đó hay không, bởi họ không có trách nhiệm trong việc này.

Cũng tại hội nghị lần này, một quan chức ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc cho biết Bắc Kinh có thể sẽ tiến hành điều chỉnh tỷ giá hối đoái ngay khi các nước khác bắt đầu rút lại các gói kích thích kinh tế.

Hiện Trung Quốc đang chịu chỉ trích mạnh mẽ từ quốc tề vì giữ giá đồng Nhân dân tệ yếu so với USD, vốn bị cho là nhằm tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng cho hàng xuất khẩu./.

Phương Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục