Kinh tế Thủ đô đột phá trên lĩnh vực đầu tư và thu hút nguồn vốn

Trong sáu tháng đầu năm, nhờ triển khai quyết liệt, đổi mới trong phương thức chỉ đạo điều hành, kinh tế-xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả tích cực, có đột phá trên một số lĩnh vực.
Kinh tế Thủ đô đột phá trên lĩnh vực đầu tư và thu hút nguồn vốn ảnh 1Một góc Hà Nội. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Theo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong sáu tháng đầu năm nhờ triển khai quyết liệt, đổi mới trong phương thức chỉ đạo điều hành, kinh tế-xã hội Thủ đô đã đạt được kết quả tích cực, có đột phá trên một số lĩnh vực như xúc tiến đầu tư; thu hút nguồn vốn trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển; bình ổn giá và dịch vụ đô thị; thu ngân sách...

Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành nông nghiệp và thủy sản tăng 2,1%; ngành công nghiệp và xây dựng tăng 7,8%; dịch vụ tăng 7,5%; thuế nhập khẩu, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,1%...

Mặc dù vậy, giá trị tăng thêm ngành nông-lâm-thủy sản tăng không được cao so với kế hoạch do thời tiết đầu năm không thuận lợi làm ảnh hưởng đến diện tích cây trồng. Vì vậy, mặc dù năng suất nhiều loại cây trồng có tăng nhưng sản lượng các cây trồng chính vụ Đông giảm khá mạnh. Lúa và cây trồng vụ Xuân được gieo trồng đúng thời vụ, đảm bảo diện tích, sinh trưởng và phát triển tốt.

Về chăn nuôi tăng trưởng khá với số lượng đầu con gia súc, gia cầm, sản lượng thịt, trứng, sữa cũng đều tăng. Do thay đổi hình thức nuôi ở trình độ kỹ thuật cao, tuân theo các quy tắc kỹ thuật tác động đến quá trình phát triển các con giống nên thủy sản cho năng suất cao hơn.

Ngành công nghiệp chế biến chế tạo vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá so với mức tăng trưởng bình quân chung của ngành công nghiệp. Nhờ chính sách nhất quán của thành phố Hà Nội, cộng với các khu công nghiệp được mở rộng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư, thu hút vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tăng mạnh (gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái), đã góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng mạnh ngành công nghiệp Thủ đô.

Một số ngành công nghiệp chủ lực có tốc độ tăng cao như chế biến thực phẩm; may mặc; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại. Tuy nhiên, cũng có một số ngành chỉ số giảm mạnh so với cùng kỳ như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất; sản xuất thiết bị điện.

Lĩnh vực xây dựng từng bước khởi sắc, các công trình hạ tầng giao thông được triển khai đúng tiến độ, hoàn thành và cơ bản hoàn thành các công trình trọng điểm.

Giá trị tăng thêm ngành dịch vụ cũng tăng mạnh, thị trường vẫn khá sôi động với tốc độ tăng tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ xã hội đạt mức cao với 9,7%. Du lịch cũng tăng mạnh đạt trên 6 triệu lượt khách, tăng 9,4%. Doanh thu dịch vụ lưu trú ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 4.530 tỷ đồng. Xu hướng khách quốc tế lưu trú ngày càng nhiều đạt trên 1,5 triệu lượt người; trong đó, khách đến du lịch nghỉ dưỡng chiếm phần lớn. Khách du lịch chủ yếu đến từ các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Pháp...

Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt trên 140.000 tỷ đồng; trong đó vốn nhà nước giảm, vốn ngoài nhà nước và vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài tăng, gấp 3,1 lần. Số vốn thu hút theo hình thức đối tác công tư (PPP) tăng 4,2 lần so với giai đoạn 2011-2015; phê duyệt chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt gần 72.000 tỷ đồng. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng mạnh với gần 11.000 doanh nhiệp, với số vốn đăng ký đạt trên 92.000 tỷ, tăng 52% so với cùng kỳ.

Nhìn chung các chủ đầu tư, ban quản lý, đơn vị thi công các công trình trọng điểm của thành phố cơ bản đều thực hiện đúng tiến độ yêu cầu. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có xu hướng tăng mạnh.

Thành phố đã tập trung kêu gọi đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị; trong đó, ưu tiên cho tăng trưởng xanh, ưu tiên đầu tư các công viên, các khu vui chơi giải trí; nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, nhà ở cải tạo chung cư cũ, nước sạch nông thôn.

Đầu tư công nghệ cao cho lĩnh vực y tế, sản xuất công nghiệp cho lĩnh vực phụ trợ, nông nghiệp kỹ thuật cao; công nghệ mới và năng lượng sạch, công nghệ xanh và những công nghệ tiên tiến trong quản lý; đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập với nền kinh tế ASEAN và thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục