Kinh tế toàn cầu 2014: Niềm tin vào đà phục hồi sẽ mạnh hơn

Năm nay, gam màu nổi bật trong bức tranh kinh tế thế giới là gam màu sáng, được tô bằng niềm tin vào đà phục hồi sẽ mạnh hơn ở các nền kinh tế lớn.
Kinh tế toàn cầu 2014: Niềm tin vào đà phục hồi sẽ mạnh hơn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: headlinedigest.com)

Năm nay, gam màu nổi bật trong bức tranh kinh tế thế giới là gam màu tươi sáng, được tô bằng niềm tin vào đà phục hồi sẽ tiếp tục mạnh hơn ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và Nhật Bản, bằng hy vọng về con đường bằng phẳng hơn cho kinh tế châu Âu và cả sự lạc quan về triển vọng tăng trưởng nhanh hơn ở các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, lẫn trong những sắc màu tươi sáng còn là những khoảng tối, những rủi ro đe dọa đà phục hồi kinh tế toàn cầu. Đó là không chỉ là những vấn đề chung mà các nền kinh tế cùng đối mặt trên lộ trình tăng trưởng, củng cố nền tài chính mà còn là những vấn đề nội tại đòi hỏi phải có cách thức giải quyết riêng ở mỗi nền kinh tế.

Bề nổi mang gam màu tươi sáng

Trong năm 2014, dù kinh tế thế giới chưa hẳn là phục hồi mạnh mẽ sau một năm 2013 còn không ít khó khăn, nhưng tình hình có chiều hướng sáng sủa hơn, nhất là trong khối công nghiệp hoá Âu-Mỹ-Nhật.

Tin tốt lành là hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi dù ở mức vừa phải ở cả các nền kinh tế phát triển và mới nổi. Bên cạnh đó, mối lo về những cú sốc với tác động lớn như khủng hoảng nợ công châu Âu, chính phủ đóng cửa và cuộc chiến nâng trần nợ ở Mỹ, nguy cơ hạ cánh cứng của kinh tế Trung Quốc sẽ lắng dịu hơn nhiều.

Trong 5 năm qua, khi các nền kinh tế này phải lo giải quyết số nợ lớn, tăng trưởng của kinh tế thế giới đã bị sụt giảm. Nhưng qua năm 2014, gánh nợ của khu vực tư nhân, là các hộ gia đình, hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp, đã giảm tương đối, biện pháp kích thích sản xuất cũng có hiệu quả và bội chi ngân sách được thu hẹp, ngoại trừ tại Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, khối công nghiệp hoá trở thành lực đẩy đáng kể cho kinh tế toàn cầu. Mức tăng trưởng dự kiến của các nền kinh tế phát triển năm nay là gần 1,9%.

Kinh tế châu Âu đã bắt đầu nhìn thấy tia hy vọng trở lại sau hơn ba năm đen tối. Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) bước vào một vùng đất an toàn hơn, giai đoạn suy thoái kéo dài kỷ lục đã qua. Khác với năm 2013, GDP không còn giảm sút mà sẽ tăng lên 1,3%. Đương nhiên, tỷ lệ đó quá èo uột để hy vọng cải thiện thị trường lao động.

Những thành viên kém cỏi nhất như Hy Lạp hay Tây Ban Nha vẫn phải đương đầu với một tỷ lệ thất nghiệp cao kỷ lục: trên 25% dân số trong tuổi lao động. Tuy nhiên, cuộc cứu trợ các nước là nạn nhân của khủng hoảng nợ như Hy Lạp, Bồ Đao Nha và Tây Ban Nha đã đi đến đích khi các nước hoặc đã ra khỏi hoặc tuyên bố sắp sửa kết thúc chương trình cứu trợ.

Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang tăng tốc, với các dự báo cho năm 2014 đều cao hơn mức 2% của năm 2013. Vấn đề ngân sách không còn là trở ngại đối với nền kinh tế, ít nhất là trong hai năm tới. Nước Mỹ cũng đã đạt được tiến bộ lớn trong việc giảm nợ của các công ty và các hộ gia đình.

Trong năm nay, kinh tế Mỹ sẽ được hưởng lợi từ cuộc cách mạng dầu khí đá phiến, sự cải thiện của thị trường việc làm và nhà đất cũng như sự bình phục của lĩnh vực chế tạo. Cuộc cách mạng kĩ thuật về năng lượng và công nghệ sản xuất đã âm thầm thay đổi mọi sự, giúp kinh tế Mỹ năm 2014 tăng trưởng mạnh hơn và mạnh nhất trong khối công nghiệp hóa.

Trong khi đó, các biện pháp kích thích kinh tế của Nhật Bản đã mang lại kết quả. Thủ tướng Shinzo Abe đã thực thi chính sách ba mũi tên được gọi là Abenomics, trong đó một mũi tên là nới lỏng tiền tệ nhằm mục tiêu đảo ngược tình trạng giảm phát.

Lý do đằng sau sáng kiến này là lạm phát cao sẽ khuyến khích việc tăng lương và tăng chi tiêu tiêu dùng do các hộ gia đình nhận thức rằng giá cả sẽ không còn xu hướng giảm. Bên cạnh đó, chính sách phục hưng kinh tế của Thủ tướng Abe cũng đã giúp đồng yên xuống giá, kích thích xuất khẩu. Năm 2013, tăng trưởng kinh tế và lạm phát tại Nhật Bản đều tăng và năm 2014, xu hướng này sẽ tiếp tục.

Còn các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong năm 2014, đạt gần 5%, với một số lý do. Trước hết là sự phục hồi khởi sắc hơn của các nền kinh tế phát triển giúp làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa từ các nước mới nổi. Bên cạnh đó, quá trình rút chương trình nới lỏng định lượng (QE) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương) sẽ diễn ra chậm và lãi suất sẽ vẫn được duy trì ở mức thấp. Và với nhiều nền kinh tế vẫn đang trong công cuộc công nghiệp hóa và đô thị hóa, tầng lớp trung lưu đang ngày càng đông đảo sẽ chi nhiều hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Trung Quốc sẽ vẫn duy trì được mức tăng trưởng trên 7% trong năm nay.

Trong Báo cáo tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014 công bố ngày 18/12, Liên hợp quốc dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng 3% năm 2014, cao hơn mức tăng ước khoảng 2,1% trong năm 2013.

Trong khi đó, Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn "Nhà Kinh tế" của Anh quốc ngày 12/12 công bố báo cáo nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu đang trở nên sáng sủa hơn và GDP của các quốc gia trên thế giới sẽ tăng khá trong năm 2014.

EIU dự báo GDP toàn cầu sẽ tăng 3,6% trong năm 2014, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 2,9% đưa ra trước đó, và cũng là mức tăng nhanh nhất kể từ năm 2011.

Bề chìm vẫn ngầm ẩn rủi ro

Tuy nhiên, hầu hết các nền kinh tế phát triển trong năm nay sẽ chỉ vừa vặn đạt mức tăng trưởng tiềm năng hoặc thấp hơn. Các hộ gia đình, ngân hàng và doanh nghiệp nằm ngoài lĩnh vực tài chính ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến vẫn gánh số nợ lớn, đồng nghĩa với việc sẽ vẫn phải lo giảm bớt gánh nặng này.

Trong khi đó, thâm hụt ngân sách và nợ công lớn sẽ buộc các chính phủ phải tiếp tục các cải cách tài chính quyết liệt. Đồng thời, sự thiếu rõ ràng về chính sách và quy định sẽ cản trở đầu tư tư nhân. Và những cải cách cơ cấu vốn cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng sẽ vẫn diễn ra một cách quá chậm.

Với Mỹ, một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến triển vọng tích cực của kinh tế nước này. Dù Fed có thể bắt đầu rút giảm dần quy mô QE mà không khiến thị trường hoảng loạn, nhưng vẫn chưa rõ khi nào chương trình kích thích kinh tế sẽ được chấm dứt hoàn toàn và lãi suất sẽ tăng lên. Và mặc dù có những dấu hiệu cho thấy bế tắc chính trị tại Quốc hội Mỹ đã phần nào giảm bớt, nhưng không có nhiều tiến triển trong chính sách tài khóa do các trở ngại từ chính trường.

Hơn nữa, mức thu nhập của các hộ gia đình được dự báo vẫn chưa cải thiện hơn, đồng nghĩa với việc chi tiêu tiêu dùng không thể tăng mạnh. Điều đang gây nghi ngờ liệu kinh tế Mỹ đã có thể tự đứng vững mà không cần sự can thiệp của Fed.

Tại Eurozone, dù rủi ro đã giảm, nhiều vấn đề căn bản vẫn chưa được giải quyết. Tăng trưởng kinh tế năm 2014 sẽ vẫn thấp, nợ công cao và vẫn đang tăng lên, khả năng cạnh tranh kém, chi phí nhân công giảm chậm, điều kiện tín dụng bị thắt do các ngân hàng vẫn đang phải giảm nợ, tiến triển về việc thành lập một liên minh ngân hàng còn hạn chế và nỗ lực cho việc hướng đến một liên minh tài chính vẫn bị dậm chân tại chỗ.

Trong khi đó, các nước là nạn nhân của khủng hoảng nợ ở châu Âu như Hy Lạp, Ireland, Italy, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang đứng trước một năm 2014 đầy thách thức. Trong số này, trừ Tây Ban Nha, các nước còn lại đều có tỷ lệ nợ/GDP ở mức thấp nhất là 100%, trong khi tăng trưởng kinh tế ì ạch, tỷ lệ thất nghiệp cao và lĩnh vực ngân hàng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Còn trong trường hợp Nhật Bản, nguy cơ tiềm tàng cho tăng trưởng kinh tế là kế hoạch tăng thuế tiêu dùng. Ông Abe đã hứa hẹn có thêm những biện pháp kích thích để cân bằng với ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng thuế. Tăng thuế doanh thu là cách Nhật Bản giải quyết một vấn đề nghiêm trọng là nợ công dự kiến lên tới 230% GDP trong năm 2014.

Việc trả lãi cho khoản nợ này có thể là một vấn đề và lợi tức trái phiếu chính phủ của Nhật Bản tăng mạnh có thể khiến chi phí trả lãi trở nên quá cao. Đó sẽ là thảm họa đối với kinh tế Nhật Bản. Bên cạnh đó, một vấn đề nữa là tốc độ bắn ra mũi tên thứ ba trong chính sách Abenomics, tức cải cách cơ cấu và tự do hóa thương mại, sẽ không nhanh.

Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi vốn quen với dòng USD chảy từ Mỹ kể từ khi Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ năm 2008 có thể bị tác động. Nguyên nhân là việc Fed sẽ giảm dần và thu hồi biện pháp bơm tiền và còn có thể nâng lãi suất khỏi mức mấp mé 0% hiện nay, và cuộc cách mạng về năng lượng và về sản xuất khiến giá thành sản xuất tại Mỹ giảm mạnh, đầu tư tại Mỹ lại hấp dẫn còn hơn là đầu tư vào các thị trường chỉ có ưu thế nhân công rẻ. Hậu quả của cả hai chuyện này là đồng USD lên giá, tiền nóng sẽ bị rút khỏi châu Á để trở về Mỹ, nơi sẽ cho lời cao hơn.

Và cuối cùng, trong năm 2014 này, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ gặp bài toán lưỡng nan.

Một là phải chấp nhận đà tăng trưởng thấp hơn và tiến hành cải cách từ cơ cấu, trước tiên là giảm mức tín dụng. Điều này có ảnh hưởng bất lợi cho kinh tế các nước khác vì làm giảm nhu cầu của một nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Hai là vẫn tiếp tục duy trì dòng tín dụng, dấn thân vào một vụ khủng hoảng tài chính khi núi nợ của ngân hàng và công ty đầu tư của chính quyền địa phương sụp đổ. Kịch bản này cũng sẽ gây tai hại cho các nước, nhất là các nền kinh tế bán nguyên nhiên vật liệu cho Trung Quốc. Trong khi đó, dù các cải cách kinh tế sâu rộng đã được công bố, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của nước này từ dựa vào đầu tư sang dựa vào tiêu dùng sẽ không sớm hoàn thành./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục