Kinh tế toàn cầu thiệt hại nặng sau thiên tai ở Nhật

Các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu đánh giá tác động trực tiếp và gián tiếp của thảm họa động đất, sóng thần đối với kinh tế Nhật và thế giới.

Nhật báo Phố Wall của Mỹ cho rằng những khó khăn của nền kinh tế Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần sẽ lan khắp châu Á trong những tuần tới, làm xáo trộn thêm bức tranh kinh tế của khu vực trong bối cảnh nhiều nước đang phải vật lộn với lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế đã bắt đầu đánh giá những tác động trực tiếp và gián tiếp của thảm họa động đất, sóng thần đối với kinh tế Nhật Bản và thế giới.

Theo ông Hiromichi Shirakawa, nhà Kinh tế trưởng của Ngân hàng Credit Suisse, chỉ tính riêng khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần, thiệt hại đã lên tới 171-183 tỷ USD.

Đánh giá ban đầu của các công ty bảo hiểm hàng đầu thế giới trong lĩnh vực thảm họa như Credit Suisse, Air Worldwide, Pamure Gordon, cho thấy ngành bảo hiểm thế giới sẽ thiệt hại từ 10-60 tỷ USD.

Trong khi đó, hãng chế tạo máy bay Boeing của Mỹ cho biết thảm họa động đất tại Nhật Bản có thể làm gián đoạn nhiều tuần hoạt động sản xuất phụ tùng máy bay Boeing tại Nhật Bản, trong khi các doanh nghiệp Nhật Bản cũng cấp tới 35% linh kiện cho máy bay 787 Dreamliner của hãng này.

Chuyên gia Masaaki Kanno làm việc tại Công ty chứng khoán JP Morgan Securities cho rằng thảm họa sẽ ảnh hưởng mạnh tới tăng trưởng kinh tế Nhật Bản trong sáu tháng đầu năm, nhưng GDP của nước này sẽ tăng trưởng trong sáu tháng cuối năm nhờ hoạt động tái thiết cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, thiên tai này sẽ ảnh hưởng tiêu cực hơn tới tình trạng nợ công lên tới trên 200% GDP của Nhật Bản.

Chính phủ các nước châu Âu cũng đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của động đất, sóng thần ở Nhật Bản tới nền kinh tế thế giới vốn chỉ mới vừa bước vào quá trình phục hồi sau suy thoái.

Trong cuộc họp Bộ trưởng Tài chính Liên minh châu Âu (EU) ngày 14/3 để bàn về các biện pháp của khối này đối với khủng hoảng nợ trong tương lai, thảm họa khủng khiếp tại Nhật Bản vừa qua đã được bàn đến.

Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết sẽ tính toán ảnh hưởng của thảm họa này tới nền kinh tế cũng như thị trường tài chính toàn cầu. Theo ông Schaeuble, vấn đề này cũng sẽ được bàn thảo tại Hội nghị G20 diễn ra vào cuối tháng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney bày tỏ tin tưởng Nhật Bản sẽ vượt qua được khó khăn kinh tế do thảm họa gây nên.

Thị trường chứng khoán Mỹ đang theo dõi chặt chẽ những diễn biến tại Tokyo. Chỉ số công nghiệp Dow Jones cuối ngày 14/3 giảm 51,25 điểm (tương đương 0,43%) trong khi chỉ số Nasdaq giảm 14,64 điểm (tương đương 0,54%) và chỉ số S&P 500 giảm 7,89 điểm (tương đương 0,6%).

Nhật báo Phố Wall của Mỹ số ra ngày 14/3 cho rằng những khó khăn của nền kinh tế Nhật Bản sau thảm họa động đất và sóng thần sẽ lan khắp châu Á trong những tuần tới, làm xáo trộn thêm bức tranh kinh tế của khu vực trong bối cảnh nhiều nước đang phải vật lộn với lạm phát.

Theo báo này, thảm họa tại Nhật Bản là một yếu tố làm tăng thêm khó khăn cho các nền kinh tế châu Á, ít nhất là trong ngắn hạn.

Trận động đất đã phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của Nhật Bản, việc nhiều nhà sản xuất Nhật Bản tạm ngừng hoặc giảm sản lượng sẽ gây nguy hại cho các nhà xuất-nhập khẩu có quan hệ làm ăn với nền kinh tế lớn này.

Thảm họa của Nhật Bản cũng dẫn tới việc giảm đầu tư, du lịch, thương mại từ Nhật Bản tới các nước châu Á trong ngắn hạn. Tờ báo trên cho rằng kinh tế Nhật Bản chỉ có thể phục hồi sớm nhất từ nửa cuối của năm nay.

Tại Nhật Bản, Ngân hàng Trung ương sáng nay (15/3) đã quyết định "bơm" tiếp 5.000 tỷ yen (khoảng 61 tỷ USD) vào thị trường tiền tệ trong bối cảnh các chuyên gia lo ngại về ảnh hưởng nghiêm trọng của động đất và sóng thần đối với hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Đây là ngày thứ hai BOJ điều hành thị trường tài chính trong tình trạng khẩn cấp, tiếp tục hỗ trợ các khoản vay ngắn hạn cho các tổ chức tài chính.

Trước đó, ngày 14/3 BOJ đã quyết định giải ngân khoản tiền kỷ lục 15.000 tỷ yen (184 tỷ USD) vào hệ thống ngân hàng và nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua việc tăng gấp đôi chương trình mua tài sản lên tới 10.000 tỷ yên.

Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda cho biết ngân sách để tái thiết, khắc phục hậu quả thảm họa động đất và sóng thần vừa qua lớn hơn kinh phí tái thiết sau vụ động đất năm 1995 tại thành phố cảng Kobe, thiên tai từng khiến khiến 6.400 người thiệt mạng.

Sau khi đã giảm tới trên 6% trong ngày 14/3, chỉ số Nikkei vào sáng 15/3 tiếp tục đà giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2008, khi có tin về rò rỉ phóng xạ và vụ nổ mới tại lò phản ứng phản số 2 của nhà máy điện Fukusima 1.

Cổ phiếu của Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) - công ty sở hữu nhà máy điện hạt nhân Fukusima - đã giảm 23,57%, trong khi cổ phiếu của công ty chế tạo lò phản ứng hạt nhân hàng đầu thế giới Toshiba giảm 16%.

Các hãng chế tạo ôtô lớn Toyota và Honda đã thông báo tạm thời ngừng sản xuất tại Nhật Bản trong khi Nissan cho biết sản lượng của công ty này giảm trên 10%. Nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới từ lĩnh vực bán dẫn tới đóng tàu sẽ phải đối mặt với sự ngưng trệ sản xuất do động đất, sóng thần đã làm hư hại các cơ sở sản xuất chủ chốt và cơ sở hạ tầng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục