Kinh tế Trung Quốc bắt đầu "ngấm đòn" chiến tranh thương mại

Tờ Wall Street Journal nhận định sản xuất của Trung Quốc đang suy giảm trong bối cảnh Bắc Kinh gấp rút nối lại các cuộc đàm phán thương mại mới với Mỹ.
Kinh tế Trung Quốc bắt đầu "ngấm đòn" chiến tranh thương mại ảnh 1Quang cảnh cảng hàng hóa tại Liên Vân Cảng, tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc, ngày 12/1/2018. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tờ Wall Street Journal ngày 6/1 vừa qua nhận định sản xuất của Trung Quốc đang suy giảm trong bối cảnh Bắc Kinh gấp rút nối lại các cuộc đàm phán thương mại mới với Mỹ.

Cụ thể, kinh tế Trung Quốc suy giảm nhanh hơn dự đoán khi Trung Quốc trong tuần này bước vào vòng đàm phán quan trọng với Mỹ về thương mại.

Trong vài tháng trở lại đây, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã tìm cách hạ thấp tác động từ những căng thẳng thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, công khai nói rằng xung đột không gây ra thiệt hại gì ngoại trừ việc làm suy giảm chỉ số chứng khoán quốc gia, biến đây thành thời điểm tốt để mua cổ phiếu.

Tuy nhiên, theo một số nguồn tin tham gia vào tiến trình đàm phán này, ẩn sau đó, giới lãnh đạo ở Trung Nam Hải (trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc) đang đi tới một kết luận không mấy tốt đẹp: Tranh chấp thương mại đã gây hại tới tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, đòn tấn công thương mại của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra thiệt hại đặc biệt lớn đối với khu vực sản xuất phục vụ mục tiêu xuất khẩu, lượng đơn đặt hàng mới của các doanh nghiệp đại lục suy giảm, buộc các nhà máy phải cắt giảm sản xuất và đóng băng các quyết định về đầu tư cũng như thuê mướn nhân công.


[Tổng thống Mỹ lạc quan về thỏa thuận thương mại với Trung Quốc]

Bắc Kinh trong nhiều năm trở lại đây đã cố gắng đưa nền kinh tế giảm phụ thuộc vào ngành chế tạo, hướng đến mục tiêu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, khu vực sản xuất vẫn chiếm đến 1/3 tổng sản lượng kinh tế.

Trong tháng 12/2018, các công ty nhà nước quy mô lớn, nhỏ hay các doanh nghiệp tư nhân đều gặp phải tình trạng suy giảm đơn đặt hàng mới, dẫn đến chỉ số đo lường chính thức về hoạt động sản xuất rớt xuống ngưỡng thấp nhất trong vòng 3 năm qua.

Theo các số liệu chính thức, lợi nhuận của các công ty công nghiệp lớn của Trung Quốc trong tháng 11/2018 cũng lần đầu tiên sụt giảm trong vòng 3 năm trở lại đây.

Tại tỉnh Quảng Đông thuộc miền Nam Trung Quốc - một trung tâm xuất khẩu các mặt hàng điện tử, hóa chất, phụ tùng ô tô - chính quyền địa phương dưới áp lực của Tổng cục Thống kê Trung Quốc đã buộc phải ngừng công bố bộ chỉ số về hoạt động sản xuất vùng, vốn đang theo chiều hướng suy giảm.

Bắc Kinh cho biết chính quyền tỉnh không được quyền đưa ra kết quả thăm dò về các nhà máy ở địa phương, dù dữ liệu này đã được công bố từ năm 2011.

Theo tuyên bố của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, khảo sát về chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) mà Sở Công nghiệp và Công nghệ thông tin tỉnh Quảng Đông thực hiện là hành vi phạm pháp.

Các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân - vốn phải vật lộn với mức chi phí cao về tài chính so với các doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn hơn, chính là tác nhân chủ yếu dẫn tới sự suy giảm sản xuất.

Shao Danping, chủ một nhà máy tại thành phố Thâm Quyến thuộc tỉnh Quảng Đông chuyên xản suất thiết bị in, cho biết công ty bà chưa bao giờ phải đối mặt với tình cảnh khó khăn như hiện nay, kể cả so với thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.

Máy móc tại cơ sở 3 tầng này phần lớn đều "đắp chiếu," một nửa sàn tầng một phải cho một công ty khác thuê lại. Công ty của Shao Danping không bị tác động trực tiếp từ cuộc chiến thuế nhập khẩu, nhưng những khách hàng tiềm năng lại chuyển hướng tìm kiếm các nhà cung cấp ngoài Trung Quốc và vì thế, nữ doanh nhân này chia sẻ, “chiến tranh thương mại đang thực sự giết chết công ty tôi.”

Đà suy giảm kinh tế còn được thể hiện rõ ngoài ngành chế tạo. Người tiêu dùng Trung Quốc đã cắt giảm chi tiêu, dẫn tới doanh số bán xe ô tô và các hàng hóa khác sụt giảm.

Tập đoàn công nghệ Apple Inc. của Mỹ hồi tuần trước công bố lý do doanh số bán hàng của họ trở nên ảm đạm một phần là do những khó khăn tại thị trường Trung Quốc.

Đồng thời, dù được Bắc Kinh một lần nữa "bật đèn xanh" tăng chi tiêu cho hạ tầng và các dự án quy mô lớn, chính quyền ở các địa phương giờ cũng đã quá tải sau khi chi tiêu quá nhiều vào các dự án gây nợ lớn.

Một số cố vấn chính phủ, chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chính thức của Trung Quốc trong quý 4 năm 2018 rơi xuống dưới mức 6,5% - một con số khiến nhiều chuyên gia và giới đầu tư tranh cãi. Dù vẫn ở ngưỡng cao theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng như vậy là thấp nhất kể từ sau khủng hoảng tài chính.

Các cố vấn về chính sách kinh tế cho Trung Quốc nhìn nhận tăng trưởng sẽ còn suy giảm trong những tháng tới đây. Nền kinh tế chắc chắn sẽ đối diện với sức ép suy thoái lớn hơn.

Mức độ tồi tệ như thế nào, gói kích thích kinh tế có tác động đến đâu sẽ phụ thuộc vào việc xung đột thương mại với Mỹ có sớm kết thúc hay không.

Đà suy giảm có thể giúp cho đội ngũ cố vấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình buộc phải tính đến việc nhanh chóng hướng đến một thỏa thuận thương mại với các nhà đàm phán Mỹ khi hai bên gặp nhau trong tuần này tại Bắc Kinh.

Chỉ vài tháng trước, khi nền kinh tế vẫn còn tăng trưởng trong phạm vi kỳ vọng, Tập Cận Bình về cơ bản đã áp dụng chiến thuật liều lĩnh trước đòn leo thang xung đột thương mại của Washington, cam kết sẽ trả đũa tương xứng với trừng phạt thuế của chính quyền Trump.

Vòng đàm phán mới được nối lại sau khi mà Trump và Tập Cận Bình đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại hôm 1/12 bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Argentina.

Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ ngừng tăng thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đến tháng 3/2019./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục