Kinh tế Trung Quốc hạ nhiệt, sắc đỏ trở lại Phố Wall

Trong phiên giao dịch ngày 20/3, chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống, do lo ngại tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có nguy cơ chững lại.
Trong phiên giao dịch ngày 20/3, chứng khoán Mỹ quay đầu đi xuống, do những lo ngại rằng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc có nguy cơ chững lại, cũng như những số liệu trái chiều về lĩnh vực xây dựng nhà ở đang gặp khó khăn của Mỹ.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 68,94 điểm, tương đương 0,52%, đóng cửa ở mức 13.170,19 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm nhẹ 4,23 điểm (0,3%), xuống 1.405,52 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite mất 4,17 điểm (0,14%), xuống 3.074,15 điểm.

Phố Wall đã để tuột mất đà tăng điểm của phiên trước và bất ngờ “đỏ sàn” trong phiên giao dịch 20/3, sau khi tập đoàn khai mỏ BHP Billiton của Australia đưa ra cảnh báo rằng nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc đang có xu hướng suy giảm, báo hiệu triển vọng không mấy sáng sủa đối với thị trường bất động sản của nước này.

Ngoài ra, thông tin mới đây cho hay doanh số bán ôtô tại thị trường Trung Quốc cũng bắt đầu giảm, càng làm dấy lên mối lo ngại về sức tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Không khí ảm đạm của thị trường chứng khoán còn gia tăng sau khi Chính phủ Trung Quốc công bố kế hoạch tăng giá xăng dầu lần thứ hai trong chưa đầy 6 tuần qua, theo chân đà tăng mạnh của giá dầu thế giới, do những căng thẳng tại khu vực Trung Đông.

Trong khi đó báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại Mỹ cho hay số giấy phép xây nhà mới đã tăng tới 5,1% trong tháng 2/2012, lên 717.000, mức cao nhất trong 3 năm rưỡi và cao hơn so với dự báo của các nhà phân tích là 695.000. Mặc dù số nhà mới khởi công tại Mỹ có giảm 1,1%, xuống 698.000 căn, nhưng hai số liệu trên cho thấy đà phục hồi mới manh nha của thị trường nhà ở của Mỹ vẫn đang đi đúng hướng.

Cũng trong phiên giao dịch 20/3, “sắc đỏ” tiếp tục chế ngự tại các thị trường chứng khoán châu Âu do những tín hiệu tiêu cực từ kinh tế Trung Quốc và các báo cáo lợi nhuận yếu kém của một số tập đoàn lớn.

Kết thúc phiên này, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 1,17% xuống 5.891,41 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ thêm 1,32%, xuống 3.530,83 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX mất 1,39%, chốt ở mức 7.054,94 điểm.

Sang tới phiên giao dịch ngày 21/3, chứng khoán châu Á lại biến động trái chiều. Sau khi đóng cửa nghỉ lễ vào phiên trước, thị trường Tokyo (Nhật Bản) mở cửa trở lại với mức giảm, khi chỉ số Nikkei 225 mất 41,12 điểm (0,41%), xuống 10.100,87 điểm.

Trong khi đó, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại đảo chiều đi lên, khi chỉ số Hang Seng và Shanghai Composite lần lượt tăng 59,89 điểm (0,29%) và 11,93 điểm (0,5%), xuống còn 20.948,13 điểm và 2.388,77 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục