Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát đi tín hiệu kém lạc quan

Hoạt động chế tạo của Trung Quốc dự báo sụt giảm tháng Năm sau khi tăng nhẹ 2 tháng trước, qua đó làm gia tăng áp lực khiến các nhà hoạch định phải đưa ra nhiều biện pháp kích thích bình ổn kinh tế.
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Chiết Giang của Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Công nhân làm việc trong một nhà máy ở Chiết Giang của Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hoạt động chế tạo của Trung Quốc được dự báo sụt giảm trong tháng Năm sau khi tăng nhẹ trong hai tháng trước, qua đó làm gia tăng áp lực khiến các nhà hoạch định chính sách phải đưa ra nhiều biện pháp kích thích hơn nữa nhằm bình ổn nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Theo dự đoán trung bình của 35 chuyên gia kinh tế, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng Năm được dự đoán ở mức 49,9 (điểm), giảm so với con số 50,1 điểm hồi tháng Tư vừa qua. Chỉ số này thấp hơn 50 điểm cho thấy lĩnh vực chế tạo đang suy giảm.

Trước đó, số liệu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc bất ngờ giảm trong tháng Tư, do lượng hàng xuất sang Mỹ giảm mạnh, trong khi sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ cũng ghi nhận các mức tăng trưởng yếu.

Không những thế, đầu tư vào tài sản cố định đã bất ngờ sụt giảm trong quý đầu năm nay và số liệu tuần này cho thấy lợi nhuận của các công ty công nghiệp cũng đi xuống trong tháng Tư vừa qua.

Những con số đáng thất vọng nói trên được công bố trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng xấu đi trong tháng này, từ đó đảo ngược những tiến triển đã đạt được trong những cuộc đối thoại trước đó.

['Trung Quốc cần hơn 10 năm để xây dựng ngành công nghiệp chip']

Các nhà quan sát cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) sẽ phải duy trì sự hỗ trợ về mặt chính sách để ngăn chặn những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế.

Trước đó trong tháng này, PBoC đã cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng để giảm chi phí đi vay cho các doanh nghiệp nhỏ.

PBoC đã thực hiện năm đợt cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc kể từ đầu năm 2018, đưa tỷ lệ này xuống còn 13,5% đối với các ngân hàng lớn và 11,5% đối với các ngân hàng vừa và nhỏ.

Bắc Kinh cũng đã tăng cường các biện pháp kích thích tài chính trong năm nay, như cắt giảm thuế và phí lên đến 2.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 297 tỷ USD) để giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, đồng thời cho phép các chính quyền địa phương phát hành lượng trái phiếu đặc biệt có giá trị 2.150 tỷ nhân dân tệ để cấp vốn cho các dự án cơ sở hạ tầng.

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc tỏ ra thận trọng khi cho rằng sẽ phải mất một thời gian để các biện pháp này phát huy tác dụng toàn diện và phải đến khoảng giữa năm nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mới có khả năng bình ổn trở lại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục