Kinh tế Việt Nam phục hồi sau "cơn choáng" từ hiệp ước TPP

Việt Nam từng kỳ vọng Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một đột phá cho nền kinh tế, nhưng khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam phải tìm cách khác để thu hút đầu tư nước ngoài.
Kinh tế Việt Nam phục hồi sau "cơn choáng" từ hiệp ước TPP ảnh 1Dây chuyền may áo sơmi. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Việt Nam từng kỳ vọng Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là một đột phá cho nền kinh tế nhưng khi Mỹ rút khỏi TPP, Việt Nam phải tìm phương cách khác để thu hút đầu tư nước ngoài.

Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 3/8 dẫn phân tích của giới chuyên gia cho rằng chính mối quan hệ mạnh mẽ hơn với các nước châu Âu và các nước châu Á khác đang giúp nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Việt Nam hồi phục sau việc TPP bị dừng lại hồi đầu năm nay.

Theo nội dung đã được các nước tham gia nhất trí năm 2016, TPP sẽ hạ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Việt Nam xuất sang Mỹ, Nhật Bản và các thị trường phát triển khác.

Năm 2016, giá trị xuất khẩu Việt Nam chiếm trên 90% tổng giá trị kinh tế 202 tỷ USD. Vì vậy, TPP từng được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho phát triển kinh tế đất nước.

Tuy nhiên, ngay khi lên nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định rút khỏi TPP vì cho rằng thỏa thuận thương mại này không tốt cho người Mỹ.

Động thái này khiến 11 nước thành viên còn lại khá "sốc," song giới chuyên gia nhận định nền kinh tế Việt Nam chỉ bị "choáng" trong vòng một tuần.

Trên thực tế, ngay sau khi ông Trump đắc cử vào tháng 11/2016, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thúc đẩy các nước châu Âu phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU) mà hai bên đã ký kết vào năm 2015.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy hiệp định thương mại với Ấn Độ, Trung Quốc và các nước láng giềng ở Đông Nam Á.

Theo phân tích của giới chuyên gia, chính tự do hóa kinh tế ở trong nước đã thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mới tới Việt Nam ngay cả khi không có thỏa thuận thương mại.

Bên cạnh đó, Việt Nam biết giữ chân các nhà đầu tư bằng cách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như duy trì mức lương tối thiểu đủ để giữ sức hấp dẫn, đồng thời miễn thuế cho các công ty làm việc trong các khu chế xuất.

Các công ty nước ngoài, bao gồm cả Intel và Samsung Electronics, đánh giá cao Việt Nam vì giá lao động và giá thuê mặt bằng rẻ.

Theo các số liệu chính thức, đầu tư trực tiếp năm 2016 đã tăng 9%, đạt 15,8 tỷ USD. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Ông Oscar Mussons, Cố vấn cao cấp của công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira & Associates tại Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá: “Việt Nam đã chèo lái khá tốt. Việt Nam có thể củng cố các hiệp định thương mại với các nước khác, đồng thời cố gắng quan hệ gần hơn với nước láng giềng.”

Về phần mình, Fiachra MacCana, Trưởng bộ phận nghiên cứu của một công ty chứng khoán ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết xuất khẩu đang gia tăng cùng với tiêu dùng trong nước, trong khi nền kinh tế không gặp phải vấn đề về lạm phát.

Ông nhận định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ duy trì ở mức từ 6-6,5% trong vòng 5-10 năm tới.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ đạt 6,3% trong năm nay, cao hơn mức 6,21% đã được trong năm 2016./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục