Kinh tế Việt Nam vượt qua thời kỳ khó khăn nhất

Theo báo cáo của các tham tán kinh tế thương mại Liên minh Châu Âu, kinh tế Việt Nam đã chính thức vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.
Theo báo cáo của các tham tán kinh tế thương mại Liên minh Châu Âu 2010 ( hay còn gọi là Sách Xanh 2010), kinh tế Việt Nam đã chính thức vượt qua thời kỳ khó khăn nhất.

Trưởng đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, ông Sean Doyle nhận định: “Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, sụt giảm thương mại diễn ra trên thế giới, việc Việt Nam duy trì được mức tăng trưởng GDP và xuất khẩu vẫn giữ ở mức cao hơn so với trung bình trong khu vực là nhờ chính phủ đã có những biện pháp chính sách mạnh dạn.”

Nhìn nhận về quan hệ thương mại song phương, báo cáo đánh giá: Mặc dù gặp khủng hoảng song Châu Âu vẫn là thị trường nước ngoài quan trọng nhất của mặt hàng giầy da và thủy sản Việt Nam. Cụ thể năm 2009, giá trị nhập khẩu từ giầy da đạt 1,9 tỷ USD và thủy sản là 1,1 tỷ USD. Châu Âu cũng trở thành nhà nhập khẩu hàng dệt may lớn thứ hai của Việt Nam với giá trị 1,7 tỷ USD.

Trong năm 2010, Châu Âu vẫn sẽ là thị trường lớn thứ hai đối với các sản phẩm Việt Nam, đứng sau Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, bản báo cáo cũng chỉ ra những yếu kém của nền kinh tế bộc lộ trong cuộc khủng hoảng và sự cần thiết phải tái cơ cấu một cách mau lẹ, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước, để có thể mang đến sự tăng trưởng bền vững và gia tăng tính cạnh tranh.

Báo cáo của EU cho rằng, năm 2009 Việt Nam đã để lỡ cơ hội tái cơ cấu khu vực công của mình, mà ở đó đang tiếp tục chứng kiến sự suy giảm của sản xuất, giảm sút xuất khẩu và tạo ra ít việc làm hơn so với khu vực kinh tế tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vì vậy, báo cáo đưa ra khuyến nghị chính phủ cần sử dụng các biện pháp kích thích kinh tế cần thiết để duy trì tăng trưởng,

Ngoài ra, các vấn đề về thâm hụt ngân sách quốc gia, sự quay trở lại của lạm phát và thâm hụt cán cân thương mại ngày càng nới rộng là những thách thức mà Việt Nam vẫn tiếp tục phải giải quyết trong năm 2010.

Về các chính sách thúc đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tiếp theo, Ông Sean Doyle cho rằng, “Việt Nam không nên cạnh tranh với ưu thế là một thị trường lao động giá rẻ, bởi sẽ có những thị trường lao động khác còn rẻ hơn. Việt Nam cần thiết phải gia tăng lĩnh vực sản xuất các sản phẩm giá trị cao. Ví dụ một điểm sáng trong quý I/2010, xuất khẩu lĩnh vực linh kiện điện tử của Việt Nam đã tăng tới 40%, tôi tin tưởng Việt Nam sẽ làm được nhiều điều khá hơn trong thị trường mới”.

Đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, ông Sean Doyle nhấn mạnh, điều quan trọng nhất có lẽ là các doanh nghiệp cần phải tìm một cách thức bổ sung thêm chuỗi giá trị của chính bản thân mình trong lãnh thổ Việt Nam.

Ví dụ, xuất khẩu càphê thương phẩm có nghĩa là xuất khẩu những sản phẩm thô. Nếu như chỉ xuất khẩu càphê hạt thì sẽ có ai đó, ở một nước nào đó sẽ làm những công đoạn còn lại. Các công đoạn này lại nhanh hơn, đơn giản hơn và kiếm được nhiều tiền hơn so với chính những người nông dân trồng càphê ở Việt Nam...

“Điều tương tự cũng xảy ra với các mặt hàng khác như hàng thủy hải sản, hàng thủ công mỹ nghệ. Nói một cách ngắn gọn, các bạn cần phải dịch chuyển nhanh hơn trên các nấc thang của chuỗi giá trị và có lẽ đó là cơ hội duy nhất, cũng vừa sức với các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nếu như các bạn muốn tăng trưởng mạnh mẽ,” ông Sean Doyle nói.

Đại sứ Sean Doyle cũng cho biết, vào ngày 15/7/2010, thuế chống bán phá giá (34,5%) mà Cơ quan phòng vệ thương mại của Ủy ban châu Âu áp dụng đối với xe đạp xuất khẩu của Việt Nam sẽ được bãi bỏ.

“Báo cáo của các Tham tán Thương mại EU 2010” là ấn phẩm thường niên do Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và các sứ quán thành viên EU tại Hà Nội phối hợp xuất bản. Cuốn sách phân tích về những phát triển kinh tế và thương mại của Việt Nam trong năm 2009 và quý 1 năm 2010, đưa ra quan điểm chuyên môn về một số những ngành chính trong nền kinh tế Việt Nam./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục