Kinh tế-xã hội sáu tháng có nhiều chuyển biến tích cực

Diễn biến chỉ số giá trong sáu tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012. Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ và địa phương cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm.
Ngày 27/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2013 với sự tham dự của các địa phương theo hình thức truyền hình trực tuyến.

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận, đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội tháng Sáu và sáu tháng năm 2013, tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP.

Kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực, đúng hướng

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng của năm 2013, các thành viên Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đều nhận định thời gian qua các bộ, ngành, địa phương đã tích cực triển khai các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, tập trung thực hiện các giải pháp chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu để phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội. Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế, xã hội qua sáu tháng đã đạt được những chuyển biến tích cực, đúng hướng.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, diễn biến chỉ số giá trong sáu tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và có khả năng kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012. Tăng trưởng của hầu hết các ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế đều có cải thiện, góp phần đưa mức tăng trưởng GDP quý 2 lên 5%, cao hơn mức tăng của quý 1 và đưa tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm lên 4,9%.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song sản xuất công nghiệp đã bắt đầu có chuyển biến, tồn kho giảm dần. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đã được cải thiện và bắt đầu tăng so với cùng kỳ trong những tháng gần đây: 4 tháng giảm 1,2%; 5 tháng tăng 4,8%; 6 tháng tăng 7,6%. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động đã quay trở lại hoạt động cũng tăng dần qua từng tháng: bốn tháng khoảng 8,3 nghìn; năm tháng khoảng 8,8 nghìn; sáu tháng khoảng 9,3 nghìn doanh nghiệp... Như vậy, có thể thấy các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đã dần phát huy tác dụng, niềm tin của nhà đầu tư vào nền kinh tế vĩ mô đã có những chuyển biến tích cực.

Một trong những điểm mới và tích cực trong phát triển nông nghiệp và nông thôn là việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đã góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt nông thôn cả nước, đặc biệt là hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả tích cực trong xây dựng nông thôn mới như Thái Bình, Tuyên Quang, Lào Cai, Ninh Bình, Hà Tĩnh, An Giang…, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết.

Bên cạnh đó, an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm; đời sống của người dân, đặc biệt là những người nghèo, người dân tộc thiểu số, người mất việc làm, hộ gia đình bị thu hồi đất sản xuất được quan tâm, các chính sách hỗ trợ cho vay mua nhà ở xã hội, nhà thương mại đối với người có thu nhập thấp được quan tâm triển khai. Tính chung sáu tháng đầu năm, cả nước ước tạo việc làm khoảng 722.500 lao động, bằng 98,3% so với cùng kỳ năm 2012, đạt 45,2% kế hoạch… An ninh chính trị, trật tự xã hội được giữ vững.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ và địa phương cho rằng, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự vững chắc; lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát cao trở lại; lãi suất tuy giảm nhưng việc tiếp cận vốn vay còn nhiều trở ngại do khó khăn trong việc xử lý nợ xấu; dư nợ tín dụng tăng chậm. Thị trường và sức mua có chuyển biến nhưng chậm… Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp, tăng cả về số vụ lẫn số người thương vong so với cùng kỳ năm trước. Đời sống nhân dân, nhất là người nghèo, người mất việc làm, đồng bào dân tộc, người miền núi, vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Với tinh thần chung như vậy, các thành viên Chính phủ kiến nghị trong thời gian tới, các cấp, các ngành cần tập trung khắc phục khó khăn, thách thức; cụ thể hóa và thực hiện tốt, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, nhất là các giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 07/01/2013 của Chính phủ, trong đó cần tập trung điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát và nền kinh tế vĩ mô; tháo gỡ các vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận vốn, hướng dòng vốn vào sản xuất. Tiếp tục rà soát, điều chỉnh những cơ chế, chính sách không còn phù hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh đồng thời, theo dõi sát diễn biến tình hình, triển khai các biện pháp phòng chống thiên tai, dịch bệnh, chống hạn; khắc phục và hạn chế tối đa hậu quả của tình trạng xâm nhập mặn đối với sản xuất nông nghiệp; triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống và có các phương án hữu hiệu khắc phục hậu quả cơn bão số 02, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2013

Phát biểu kết luận phần kinh tế-xã hội tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá trong sáu tháng đầu năm, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP, các Nghị quyết và Chỉ thị khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, tình hình kinh tế-xã hội trong sáu tháng đầu năm 2013, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đã có những chuyển biến tích cực; trên các lĩnh vực đều đạt được những kết quả bước đầu, đúng hướng, tạo đà cho tăng trưởng của những quý tiếp theo của năm 2013.

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ở một số ngành, lĩnh vực còn chậm, chưa kịp thời, chưa đồng bộ... làm hạn chế tác dụng của các chính sách.

Nhấn mạnh bên cạnh thuận lợi, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm 2013 còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; ra sức khắc phục những hạn hạn chế, yếu kém còn tồn tại; quyết liệt thực hiện các giải pháp đã đề ra; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của năm 2013, đặc biệt là chưa đặt vấn đề điều chỉnh về mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ.

Với tinh thần chung như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh trong sáu tháng cuối năm 2013 cần kiên định thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; không chủ quan, lơ là trước mục tiêu kiềm chế lạm phát. Đi đôi với đó là thúc đẩy sự phát triển kinh tế, duy trì được đà tăng trưởng ở mức hợp lý, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5% trong năm 2013.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành giảm lãi suất cho vay ở mức hợp lý, phù hợp với diễn biến của lạm phát; tập trung tăng dư nợ tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ,... yêu cầu đặt ra là phải đưa dư nợ tín dụng vào đúng chỗ, điều hành tốt tỷ giá, quản lý chặt chẽ thị trường vàng theo mục tiêu, không để vàng trở thành phương tiện thanh toán, bảo đảm giá vàng trong nước sát với giá vàng thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tập trung thực hiện tốt kế hoạch thu chi ngân sách, đảm bảo cân đối thu chi, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, không để vỡ kế hoạch thu chi ngân sách. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa trong thực hiện tái cơ cấu; hết sức quan tâm đến huy động đầu tư toàn xã hội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển bằng các hình thức; tăng cường thu hút và giải ngân các vốn FDI và ODA; chú trong thực hiện các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; lưu ý thực hiện hiệu quả các phương án huy động vốn, giải ngân, giải phóng mặt bằng trong triển khai một số dự án giao thông trọng điểm quốc gia, đặc biệt là đối với các dự án mở rộng Quốc lộ 1A; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14); dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng...

Đề cập tới các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu phải thực hiện tốt các chính sách về miễn, giảm, hoãn thuế; đồng thời cũng phải kiểm soát tốt việc thu đúng, thu đủ, chống tình trạng gian lận, trốn thuế; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp tiếp cận được với nguồn vốn. Thủ tướng yêu cầu sớm đưa Công ty quản lý tài sản (VAMC) đi vào hoạt động, qua đó góp phần xử lý nợ xấu, khai thông dòng vốn tín dụng, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển; quyết liệt xử lý hàng tồn kho, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Các cấp, các ngành cần tích cực triển khai các chương trình phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm; nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, khuyến khích xuất khẩu; tăng cường phối hợp trong công tác quản lý thị trường, giá cả; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách an sinh và phúc lợi xã hội, các Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo và việc làm; triển khai hiệu quả các giải pháp đào tạo nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Ngoài ra, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành địa quyết liệt hơn nữa trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; Đề án giảm tải bệnh viện; quan tâm chỉ đạo các giải pháp phòng chống bão lũ trong mùa mưa bão; thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiên các hành vi vi phạm luật lệ an toàn giao thông... Đồng thời, công tác thông tin, truyên truyền cần được làm tốt hơn nữa, đảm đảm thông tin minh bạch, khách quan về mọi mặt của tình hình kinh tế-xã hội nhằm định hướng dư luận, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra cho năm 2013 và các năm tiếp theo./.

Thiện Thuật (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục