Kính xây dựng ế ẩm, doanh nghiệp lao đao

Chưa khi nào, “lịch sử” ngành kính xây dựng chứng kiến lượng hàng tồn kho nhiều đến vậy. Nếu làm hết công suất, cả nước mỗi năm đạt sản lượng 120 triệu m2 kính quy chuẩn, nhưng hiện tại còn tới 34 triệu m2 “tắc” đầu ra.

Chưa khi nào, “lịch sử” ngành kính xây dựng chứng kiến lượng hàng tồn kho nhiều đến vậy. Nếu làm hết công suất, cả nước mỗi năm đạt sản lượng 120 triệu m2 kính quy chuẩn, nhưng hiện tại còn tới 34 triệu m2 “tắc” đầu ra.

Hiện có hàng loạt doanh nghiệp ngành kính xây dựng lao đao phải ngừng sản xuất, cho công nhân nghỉ việc. Trong khi đó kính ngoại nhập vẫn "sống khỏe" vì lách được hàng rào kỹ thuật.

Kính nổi phận “chìm”

Có mặt tại Công ty Kính nổi Việt Nam VFG, được chứng kiến tận mắt những lô kính đủ chủng loại xếp thành từng đống ngoài bãi, trong kho. Với hơn 400 công nhân, lúc cao điểm Công ty đạt công suất 20 - 30 triệu tấn kính quy chuẩn hàng năm, thuộc hàng “anh cả” trong làng kính. Nhưng hiện tại Công ty chỉ chạy một nửa công suất cầm chừng vì còn tới 7 triệu mét kính tồn kho. Tình trạng này đã kéo dài nhiều tháng nay.

Một đơn vị “lá cờ đầu” khác của ngành kính, Công ty cổ phần Kính Viglacera Đáp Cầu cũng trong hoàn cảnh tương tự. Lãnh đạo Công ty cho biết, do tình trạng ế ẩm kéo dài, hơn một nửa số lao động của Công ty đã phải chuyển chỗ làm, cắt giảm hợp đồng.

Công ty đã cho dừng một lò sản xuất kính công suất 120 tấn/ngày, nhận làm thêm lắp đặt vách kính cho các công trình xây dựng, nhưng dù đem kính đến tận chân công trình phục vụ nhiệt tình “thượng đế” mà hàng chưa bán hết, vẫn còn 2 triệu m2 kính tồn kho của Công ty, với trị giá 50 tỉ đồng.

Đó là chưa kể đến, doanh nghiệp phải trả khoản nợ 7 tỉ đồng mỗi năm do trước đó đã vay ngân hàng 120 tỉ đồng mở rộng sản xuất. Vừa lo cạnh tranh trên thương trường, vừa phải đảm bảo cho đời sống cho công nhân đã nhiều năm gắn bó với doanh nghiệp, với công ty đây thực sự là thời điểm phải thắt lưng buộc bụng.

Tình hình sản xuất tại các đơn vị khác trong ngành kính cũng không khả quan hơn. Những doanh nghiệp như Công ty kính Việt Hưng, Kỳ Anh, VGI Vũng Tàu, nơi “đọng” nhiều, nơi tồn ít, đều trong cảnh kính đầy kho. Cả nước có 8 doanh nghiệp làm kính thì lượng kính ế đọng của toàn ngành bằng ba nhà máy, thực sự là con số báo động.

Nghịch cảnh là khi các doanh nghiệp nội tìm mọi cách để khơi thông bế tắc thì thị trường từ Nam chí Bắc lại ngập tràn kính ngoại đủ chủng loại. Với mức giá luôn thấp hơn kính sản xuất trong nước, kính ngoại gần như nhập về bao nhiêu bán hết bấy nhiêu, không gặp phải sự cản trở nào.

Vượt qua thử thách

Thị trường bất động sản đóng băng, tiến độ triển khai các công trình xây dựng chậm dẫn đến tiến độ lưu thông hàng kính giảm, nhưng nguyên nhân chính làm kính nội không thể cạnh tranh được các chuyên gia nhận định là do cả “chủ quan” và “khách quan”.

Về chủ quan, giá một mét vuông kính nội làm ra thường cao hơn kính ngoại cùng chủng loại kích cỡ. Nguyên nhân do giá nguyên liệu như dầu FO, sôđa cao hơn các nước trong khu vực. Mặt hàng dầu FO - nguyên liệu không thể thiếu cho công nghiệp kính xây dựng, hiện giá trong nước cao hơn từ 20 - 30%, có thời điểm gấp đôi giá trên thế giới. Với lợi thế về giá dầu và thuế nhập khẩu (chỉ có 5%), kính các nước ASEAN nhập về Việt Nam giá thấp hơn doanh nghiệp trong nước, làm thị phần các nhà sản xuất Việt Nam thu hẹp.

Mặt khác, kính là loại hàng hóa đặc biệt, nếu không có chuyên môn, khó phân biệt kiểm định được chất lượng. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp đã không ngại trưng biển hàng chất lượng cao, nhưng lại bán kính kém chất lượng giá thành thấp. Đây là lý do khiến những doanh nghiệp kính duy trì tôn chỉ “làm thật, ăn thật” giữ uy tín chất lượng bị tổn hại. Thiếu văn bản quy định, không được một cơ quan quản lý chất lượng nào của Nhà nước kiểm soát, sân chơi kính hiện chưa bình đẳng để tạo điều kiện cho kính nội phát triển.

Mới đây, tại cuộc họp về mặt hàng kính và thủy tinh dân dụng giữa Bộ Xây dựng và Hiệp hội Kính - thủy tinh Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam đã giao đơn vị liên quan khẩn trương xem xét, rà soát, đánh giá sự phù hợp của các tiêu chuẩn Việt Nam với các tiêu chuẩn quốc tế đối với mặt hàng kính xây dựng và căn cứ vào các văn bản pháp quy hiện hành để sớm dự thảo văn bản trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, quy chuẩn kỹ thuật cũng như kiến nghị đưa sản phẩm này vào danh mục sản phẩm hàng hóa có khả năng gây mất an toàn.

Hy vọng “chiếc barie” hàng rào kỹ thuật sẽ giúp cho kính xây dựng “sáng trong” trở lại.
 

Bà Đỗ Thị Thu, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Kính Viglacera Đáp Cầu: “Để cạnh tranh, công ty đã giảm giá, nhưng cũng chỉ giảm được đến mức độ nhất định chứ khó có thể giảm được mãi. Trong khi đó do không bị kiểm soát chất lượng, kính “phế phẩm” luồn lách đủ mọi kiểu để vào được công trình, gây thiệt hại cho tiền của Nhà nước, đồng thời làm các doanh nghiệp đi theo hướng chất lượng như Đáp Cầu khó có chỗ chen chân". 

Bà Đỗ Thị Thu, Chủ tịch công đoàn Công ty cổ phần Kính Viglacera Đáp Cầu: “Để cạnh tranh, công ty đã giảm giá, nhưng cũng chỉ giảm được đến mức độ nhất định chứ khó có thể giảm được mãi. Trong khi đó do không bị kiểm soát chất lượng, kính “phế phẩm” luồn lách đủ mọi kiểu để vào được công trình, gây thiệt hại cho tiền của Nhà nước, đồng thời làm các doanh nghiệp đi theo hướng chất lượng như Đáp Cầu khó có chỗ chen chân". 



(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục