Kịp thời sơ tán các lao động Việt Nam khỏi Libya

Chính phủ đã có các biện pháp bảo đảm an toàn, kịp thời sơ tán người lao động Việt Nam ra khỏi Libya khi tình hình khẩn cấp.
Chiều 23/2, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) Nguyễn Ngọc Quỳnh cho biết Chính phủ đã có các biện pháp bảo đảm an toàn, kịp thời sơ tán người lao động Việt Nam ra khỏi Libya khi tình hình khẩn cấp.

Ông Quỳnh cũng cho biết các doanh nghiệp đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Libya cũng đang triển khai thực hiện công văn của Cục Quản lý Lao động ngoài nước, theo dõi sát tình hình, chủ động bàn bạc với các đối tác về các phương án hỗ trợ, bảo đảm an toàn về tính mạng và quyền lợi cho người lao động.

Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần dịch vụ và thương mại hàng không (Airserco) - một đơn vị có gần 200 lao động đang làm việc tại Banghazi, một thành phố lớn phía đông Libya, nơi xảy ra bạo động lớn, cho biết công ty Airserco đã làm việc với phía đối tác là Công ty China State Construction Engineering Corp. của Trung Quốc.

Công ty China State đã đưa ra hai phương án sơ tán người lao động ra khỏi Libya trong trường hợp khẩn cấp. Một là đi tàu biển qua đường Hy Lạp, hai là về đường hàng không bằng máy bay của Trung Quốc (cùng với lao động Trung Quốc).

Hiện để bảo đảm an toàn, tất cả số lao động của Công ty Airserco đang ở Libya đều thực hiện việc không đi làm, không tập trung ở chỗ đông người, chủ yếu sinh hoạt trong khu ký túc xá của người lao động.

Công ty Airserco đã báo cáo với Cục Quản lý Lao động ngoài nước về phương án sơ tán do phía đối tác đưa ra và chờ quyết định cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Xuất khẩu lao động Thương mại và Du dịch Sovilaco (Thành phố Hồ Chí Minh), đơn vị có 175 lao động đang làm việc tại thành phố Al-Bayda của Libya cũng cho biết hai công ty đối tác là Svlidco (Tây Ban Nha) và China State (Trung Quốc) cũng đã làm việc và thống nhất hai phương án đưa lao động của Việt Nam về nước theo hai con đường qua Hy Lạp hoặc qua Malta (quần đảo ở giữa Địa Trung Hải, cách Libya 240km). Số lao động của Công ty ở Libya hiện an toàn, chưa xảy ra một sự cố nào.

Hiện có gần 10.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Libya, trong đó có khoảng 2.000 lao động đang làm việc tại thành phố Benghazi, gần 8.000 lao động làm việc tại thủ đô Tripoli và các vùng lân cận.

Việc sơ tán lao động Việt Nam đang gặp khó khăn do hai sân bay của Libya đã ngừng hoạt động./.

Phúc Hằng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục