KLS thay đổi để trở thành “Warren Buffett Việt Nam”

KLS sẽ dừng hoạt động kinh doanh chứng khoán và chuyển sang kinh doanh tài chính, bất động sản, công nghệ thông tin, thương mại điện tử...
Sáng ngày 2/3, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có một phiên giao dịch ảm đạm, nguyên nhân tác động chi phối tâm lý của giới đầu tư trong phiên là tin đồn về sự thoái lui của Công ty Cổ phần Chứng khoán Kim Long (KLS) khỏi ngành chứng khoán.
Ngay trong chiều cùng ngày, Công ty Chứng khoán Kim Long đã có cuộc gặp gỡ báo chí, trao đổi và khẳng định thông tin trên là có thật.

Theo đó, Hội đồng quản trị của KLS sẽ trình hội Đại hội đồng cổ đông thường niên 2011 thông qua phương án thay đổi ngành nghề kinh doanh và đổi tên Công ty thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Long.

Cụ thể cổ phần Tập đoàn Kim Long sẽ kế thừa toàn bộ những quyền lợi và nghĩa vụ của Công ty cổ phần chứng khoán Kim Long sau quá trình thay đổi ngành nghề kinh doanh.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Kim Long sẽ tiếp tục niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với mã chứng khoán là KLS.

Sau khi dừng hoạt động kinh doanh chứng khoán và KLS sẽ chuyển sang các hoạt động: Đầu tư tài chính và nguồn vốn; Kinh doanh lĩnh vực bất động sản, Công nghệ thông tin, Dịch vụ thương mại, Sàn giao dịch thương mại điện tử, Hoạt động dịch vụ hỗ trợ thanh toán, tín dụng; Bán buôn máy móc, thiết bị và phụ tùng máy khác; Quảng cáo...

Sau khi phương án chuyển đổi trên được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận, Công ty sẽ xây dựng và hoàn thiện hồ sơ xin dừng các hoạt động liên quan đến lĩnh vực chứng khoán trình Ủy ban Chứng khoán Nhà Nước.

Đồng thời, KLS cam kết thực hiện những vấn đề liên quan đến việc dừng hoạt động kinh doanh chứng khoán như công bố thông tin, xử lý tài khoản giao dịch của khách hàng, xử lý các hợp đồng tư vấn..., đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của Công ty trong quá trình thay đổi ngành nghề kinh doanh.

Khi được hỏi về lý do gì khiến KLS quyết định chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị KLS cho biết, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển lên một quy mô lớn hơn, trình độ của các nhà đầu tư đã được nâng lên thì tính bất ngờ của thị trường đã dần mất đi. Bên cạnh đó, hiện nay đang có 105 công ty chứng khoán đang hoạt động, mức độ cạnh tranh giữa các công ty ngày một khốc liệt.

Trong điều kiện đó, nếu tiếp tục hoạt động là một công ty chứng khoán thì hiệu quả hoạt động kinh doanh của KLS sẽ bị ảnh hưởng rõ rệt, hiệu quả sử dụng vốn của công ty thấp. Mặt khác, nếu không quyết tâm thay đổi ngành nghề kinh doanh, Công ty sẽ không tận dụng được các nguồn lực hiện có, đặc biệt là lợi thế về vốn, không tạo ra những bước phát triển đột phá trong tương lai.

Cụ thể, mức phi môi giới hiện phổ biến là 0,2% giá trị giao dịch và mức phí này ngày càng có xu hướng giảm xuống do áp lực về cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán. Trong khi mức phí môi giới của công ty chứng khoán có xu hướng giảm do áp lực cạnh tranh thì chi phí cho hoạt động ngày ngày càng bị đẩy lên. Doanh thu từ hoạt động môi giới của KLS năm 2010 thấp chỉ đạt 18,27 tỷ đồng, chiếm 6,7% tổng doanh thu của Công ty.

“Vì vậy, nếu KLS thay đổi sang lĩnh vực kinh doanh khác thì cũng ảnh hưởng không nhiều đến doanh thu của Công ty,” ông Nam nói.

Việc chuyển đổi ngành nghề kinh doanh chứng khoán sang một loạt ngành nghề kinh doanh khác không thuộc sở trường của ban điều hành đang khiến nhiều cổ đông băn khoăn lo ngại. Giải thích vấn đề này, ông Nam chỉ ra, thực chất KLS không rời bỏ ngành chứng khoán và chuyển sang hoạt động đầu tư và tham gia sâu hơn vào công việc điều hành, quản trị các công ty mà họ đầu tư. Sau đó khi hoạt động kinh doanh của các công ty này lớn mạnh, giá cổ phiếu được đẩy lên cao, KLS sẽ hiện thực hóa lợi nhuận đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Theo ông Hà Hoài Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị, hình thức đầu tư trên giống như cách thức đầu tư của Warren Edward Buffett (nhà đầu tư thành công nhất thế giới, cổ đông lớn nhất kiêm giám đốc hãng Berkshire Hathaway, được tạp chí Forbes xếp ở vị trí người giàu thứ hai thế giới).

Cũng trong cuộc nói chuyện này, ông Nam đã lên tiếng khẳng định sau cuộc chuyển đổi này Ban điều hành Công ty vẫn giữ nguyên và cho biết, hiện công ty đang nắm trong tay 1.800 tỷ đồng tiền mặt, hơn 200 tỷ đồng danh mục đầu tư niêm yết và khoảng trên 200 - 300 tỷ đồng danh mục cổ phiếu đầu tư chưa niêm yết. Theo đó, nếu trên thị trường giá cổ phiếu KLS về dưới giá trị tài sản (tương ứng dưới 10.000 đồng/cổ phiếu) công ty sẽ mua hết làm cổ phiếu quỹ.

“Việc thay đổi này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả kinh doanh và đảm bảo quyền lợi cho cổ đông của KLS. Chúng tôi đặt ra kế hoạch kết quả năm 2011 là có lợi nhuận,” ông Nam nhấn mạnh./.

Linh Chi (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục