Làng văn hóa cổ nhất

Kon K'Tu - Làng văn hóa cổ nhất của người Ba Na

Nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, làng Kon K'Tu của người dân tộc Ba Na được xem là làng cổ nhất ở thành phố Kon Tum hiện nay.
Nằm ven bờ sông Đăk Bla thơ mộng, làng Kon K'Tu thuộc xã Đăk Rơ Wa của người dân tộc Ba Na được xem là làng cổ nhất trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay.

Đây được xem là điểm nhấn của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên với nét đặc biệt của Kon K'Tu đó là hàng chục nhà sàn, có kiến trúc đặc hữu của người dân tộc Ba Na, vây quanh bên ngôi Nhà Rông truyền thống. Cùng với đó là các phong tục, tập quán, những điệu múa xoang, những tiếng cồng chiêng tạo nên không gian văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Điểm nhấn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên


Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những tác động của “thế giới văn minh” nhưng làng Kon K'Tu vẫn giữ vững nét văn hóa cho riêng mình. Người dân nơi đây vẫn hàng ngày lên rừng làm nương, săn con nai, con dúi, phụ nữ trong làng thì dệt vải, đan gùi. Làng vẫn tổ chức các lễ hội của riêng mình với những bài cồng chiêng, điệu múa xoan ở Nhà Rông.

Nếu như hầu hết các làng ở khu vực Tây Nguyên chịu sự tác động của phát triển kinh tế xã hội dần đánh mất đi nét văn hóa đặc sắc, mất đi kiến trúc làng thì Kon K'Tu vẫn ít nhiều giữ được kiến trúc “làng tròn” với mô hình các nhà đều xây dựng xung quanh Nhà Rông chính của làng. Đây là kiến trúc cổ của các làng dân tộc bản địa trên địa bàn tỉnh Kon Tum mà rất ít làng còn giữ lại.

Đặc biệt, làng Kon K'Tu hiện vẫn còn trên 20 ngôi nhà sàn được dựng theo kiến trúc truyền thống về nhà ở của người Ba Na. Nhà sàn của đồng bào Ba na có hình chữ nhật với chiều dài trung bình khoảng 10m. Mỗi căn nhà gồm 12 cây cột được chia đều mỗi bên 6 cây để tạo nên sự vững chãi, cân bằng cho ngôi nhà. Người Ba Na thường dựng cột nhà sàn bằng gỗ cà chít, có nhà làm bằng gỗ hương, gỗ trắc… tạo nên sự bền và chắc cho ngôi nhà. Trong những ngôi nhà dài, có ba đến bốn đời người Ba na sinh sống với nhau. Đó là sự gắn kết cộng đồng dân tộc và là niềm tự hào của người Ba Na.

Già làng A Xép kể lại: trước năm 1920, làng rất đông dân sống vui vẻ bên nhau nhưng rồi qua một trận dịch đậu mùa, người bệnh chết quá nhiều nên những người còn khỏe cũng sợ hãi bỏ làng ra đi. Cơn đại dịch lắng xuống, những người sống sót tìm về làng cũ nhưng chỉ còn lại mấy gia đình nhỏ vẫn bám trụ. Thời gian dần trôi, nơi đây dần trở thành làng đông đúc với trên 100 hộ và khoảng 600 khẩu.

Già A Xép trầm ngâm nhớ lại: "Khi mới đến dựng làng, nơi đây còn hoang vắng, già làng chọn nơi dựng Nhà Rông rồi dân làng mới dựng nhà ở xung quanh. Thời ấy, rừng còn nhiều gỗ quý, ai khỏe thì chặt mang về mà dựng nhà không như bây giờ . Có lẽ vì quay trở lại làng cũ hay vì sự hoang vắng nên dân làng đặt tên cho làng là Kon K'Tu - có nghĩa là làng gốc, làng hoang."

Theo nghiên cứu, người Ba Na Kon Tum có vốn văn hóa dân gian cổ truyền khá đậm đà, ngoài cồng chiêng còn có nhiều loại nhạc cụ truyền thống độc đáo như đàn T’rưng, Ting glinh (đàn nước), Tingning (đàn quả bầu). Bên cạnh đó, người Ba Na còn có nhiều làn điệu dân ca giao duyên mượt mà đằm thắm cùng với nhiều kiểu hát kể phong phú như Hri ‘Nhoi (hát đồng dao), Hri Mơ’Mon, Hri HơNhoông, Hri Cheo, Hri Troôm… đặc biệt nhất là Hri Hơ’Mon (hát kể sử thi Ba Na).

Vươn ra biển lớn

Bạn có thể chỉ mất ít giây khi tra Google, tên của làng hiện lên dày đặc không chỉ ở các trang Việt Nam, mà các trang mạng người ngoài cũng nhắc đến tên làng như một điểm du lịch hấp dẫn, hay những kỷ niệm đẹp của bất cứ du khách nào đã từng đến đây.

Theo anh Huỳnh Đức Tiến, Giám đốc công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên du lịch Kon Tum cho biết: Hầu hết khách du lịch đến với Kon Tum ngoài các điểm du lịch khá nổi tiếng như: Nhà thờ gỗ, tòa giám mục, Ngục Kon Tum, cụm cầu treo - nhà rông Kon Klor… thì làng văn hóa cổ Ba Na ở làng Kon Tum cũng là lựa chọn số 1 của du khách, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài. Ngoài yếu tố văn hóa, dân tộc nơi đây rất hiếu khách, biết chiều lòng những vị khách khó tính.

Đến với làng Kon Kơ Tu cũng chính là đến với điểm nhấn của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Cùng một số làng cổ khác trên vùng cực Bắc Tây Nguyên. nơi đây còn có các lễ hội truyền thống như: mừng lúa mới, đâm trâu, Tết Ét đong… được diễn ra hàng năm. Bên cạnh đó là các trang phục truyền thống, các món ăn dân tộc đặc sắc như cơm lam, thịt gà nướng muối ớt, cá thác lát nấu chua, măng rừng xào… và tất nhiên không thể thiếu ghè rượu cần bằng nếp than cay cay ngọt lịm. Tất cả mang dư âm, hương vị của người Ba Na rất phong phú mà cũng rất riêng biệt.

Ông A Tảo, thôn trưởng cho biết: Hiện nay dân làng thường xuyên đón các du khách đến thăm và chứng kiến sinh hoạt của người dân trong làng, cũng có nhiều người xin ở lại, được ngủ tại Nhà Rông để tìm hiểu văn hóa của người Ba Na. Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, làng đã có nhiều công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống trường học, các dự án vay vốn xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, làng đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Kon Tum quy hoạch thành địa chỉ du lịch sinh thái, du lịch văn hóa trên địa bàn thành phố thì cuộc sống của người dân ngày càng ấm no hơn. Ngoài việc hàng ngày lên nương làm rẫy, người dân nơi đây còn chú trọng làm nghề truyền thống dệt các mặt hàng thổ cẩm để phục vụ cho mình và du khách, thanh niên thì được đào tạo làm hướng dẫn viên cho khách có nhu cầu tham quan, tìm hiểu. Bên cạnh đó, dịch vụ nghỉ ngơi, ăn uống cũng góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân nơi đây.

Bà Mari Helene Hauze - du khách nước Pháp cho biết: Tôi thật sự rất ấn tượng trước vẻ đẹp yên bình của núi rừng và sự thân thiện, hiếu khách của người dân Kon Kơ Tu nói riêng và dân Kon Tum nói chung. Tôi nghĩ để du lịch Kon Tum phát triển thì cần phải có những chính sách gìn giữ, bảo tồn và khai thác thế mạnh qua việc bảo tồn, gìn giữ những nét đẹp văn hóa, những phong tục, tập quán của bà con; phát triển du lịch sinh thái để du khách được khám phá, trải nghiệm vẻ đẹp mộc mạc và bình dị của núi rừng.

Còn chị Nguyễn Như Quỳnh đến từ Thành phố Hồ Chí Minh thì khẳng định: Dân làng nơi đây rất hiếu khách và họ có đội cồng chiêng (từ người già đến trẻ) đánh rất hay, đặc biệt trong làng còn có một số già làng còn nhớ và kể lại được nhiều truyện cổ. Ngoài ra, du khách đến đây còn được tham gia thử dệt thổ cẩm, tập đan gùi giống với các cô gái Ba Na.

Du khách có thể đến ngủ dưới mái Nhà Rông, được nghe và hòa mình vào tiếng cồng, tiếng chiêng, cùng múa xoang xung quanh ánh lửa bập bùng. Du khách có thể được chứng kiến hoặc tham gia dệt vải, đan gủi được đi bằng thuyền độc mộc xuôi theo dòng Đăk Bla thơ mộng uốn quanh dưới dãy núi Kong Muk.

Đến với Tây Nguyên, hiện còn rất nhiều làng mà du khách có thể tìm được những nét đẹp về văn hóa của người dân tộc bản xứ nhưng chỉ ở ngôi làng này với những nét cổ kính trăm năm còn sót lại, xen lẫn một chút hiện đại của cuộc sống. Nơi đây, người dân làng Kon K'Tu vẫn sống hiền hòa và hàng tháng đón tiếp hàng trăm du khách nước ngoài. Mỗi khi họ đến đều không thể không mua những sản vật của người dân trong làng làm kỉ niệm: những chiếc gùi xinh xinh, vật mô phỏng ngôi nhà rông, chiếc nỏ… Phụ nữ thì chọn mua cho mình những bộ quần áo, giỏ xách… được dệt bằng chất liệu thổ cẩm.

Để Kon K'Tu luôn là ấn tượng đẹp

Theo anh Phan Thanh Nam, Bí thư - Chủ tịch xã Đăk Rơ Wa, nhiều nét văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một khi mà nền kinh tế thị trường đang dần làm mất đi những ngôi nhà sàn ít ỏi còn sót lại nơi đây; người nghèo thì chỉ đủ tiền (cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước) xây các ngôi nhà tình nghĩa, những ngôi nhà sàn bằng gỗ quý hiếm đang bị nhiều “đại gia” dòm ngó. Bên cạnh đó, nghề truyền thống dệt vải, đan gùi đang có xu hướng thương mại hóa và du lịch hóa khi người dân nơi đây chỉ làm ra các sản phẩm đơn điệu và chạy theo số lượng. Bên cạnh đó, nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên rừng bao bọc làng ngày càng cao trong khi người dân vẫn còn tập tục đốt rừng làm nương rẫy.

Để bảo tồn và phát huy lợi thế, thế mạnh về văn hóa, du lịch của làng, tỉnh Kon Tum cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ chính văn hóa truyền thống của mình; tổ chức hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho dân làng phục hồi các lễ hội truyền thống.

Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng đã tổ chức các buổi tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức quản lý và bảo vệ rừng, lồng ghép dự án “hành tinh mới” trồng 5ha rừng tại đầu thượng nguồn nước tự chảy; duy trì và phát huy ngành nghề dệt truyền thống thông qua việc thành lập tổ dệt, hỗ trợ vốn, xây nhà sản xuất và trưng bày sản phẩm truyền thống trên cơ sử dự án Glmi của Nhật Bản… Ngoài ra, làng cũng được Ủy ban Nhân dân tỉnh quy hoạch thành địa điểm du lịch sinh thái và được nhiều công ty du lịch trên địa bàn đưa vào trong danh sách các điểm đến thú vị ở các tour du lịch của mình.

Chiều muộn, trở về trên chiếc thuyền độc mộc do chính tay các “nghệ nhân” trong làng làm từ những cây cổ thụ trong rừng, xuôi theo dòng Đăk Bla thơ mộng, tôi chợt nhớ tới câu định nghĩa của anh Nguyễn Đỗ Huynh, Giám đốc công ty du lịch sinh thái miền cao về làng du lịch: “Làng du lịch là làng người dân trong làng chưa biết làm du lịch 1 cách chuyên nghiệp.” Ở Kon Tum, hiện có 1 làng như thế: Làng Kon K'Tu./.

Sỹ Thắng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục