Kon Tum: Phòng chống ma túy tại điểm nóng vùng biên Ngọc Hồi

Các đối tượng buôn bán ma túy lợi dụng mối quan hệ thân tình của người dân là đồng bào dân tộc thiểu số ở hai bên biên giới, nhất là dân tộc Brâu khiến công tác phòng chống ma túy gặp nhiều khó khăn.
Kon Tum: Phòng chống ma túy tại điểm nóng vùng biên Ngọc Hồi ảnh 1Hai đối tượng Thao Póc và Thao Say (cùng trú thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) bị bắt vào ngày 26/3 khi đang vận chuyển 3kg ma túy đá. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Theo thống kê của Công an huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã triệt phá 21 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ biên giới về Việt Nam, bắt giữ 35 đối tượng.

Đáng chú ý, các đối tượng cầm đầu đã lợi dụng mối quan hệ thân tình của người dân là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các làng hai bên biên giới, nhất là đồng bào dân tộc Brâu, cũng như sự nhẹ dạ, cả tin của một bộ phận người dân, khiến công tác phòng trừ, đấu tranh gặp nhiều khó khăn.

Khi thôn làng không còn bình yên

Đã hơn 5 tháng kể từ ngày chồng mình là Thao Say (sinh năm 1982) bị bắt vì tham gia mua bán, vận chuyển 3kg ma túy đá từ bên kia biên giới về, chị Y Dưi (dân tộc Brâu, trú ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi) vẫn chưa hết mặc cảm với bà con, làng xóm.

Trong căn nhà tuềnh toàng được làm từ những tấm gỗ tạp, không còn nhiều vật dụng có giá trị, chị Y Dưi và hai người con nhỏ phải vận lộn, mưu sinh khi thiếu vắng bóng dáng người đàn ông.

Hàng ngày, chị phải đi làm thuê, làm mướn để có tiền trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học và dành dụm trả tiền cho khoản nợ 50 triệu đồng đã vay ngân hàng trước đó.

Không dám đi ra ngoài, không biết chia sẻ cùng ai, ba mẹ con chị cứ lầm lũi sống qua ngày, mà không biết khi nào người cha, người chồng trụ cột của gia đình mới được trở về.

“Mình chỉ thấy chồng bảo ở nhà cho con ăn học để chồng mình đi làm, chứ không biết là đi làm gì. Đến khi thấy công an đến nhà thì mới biết, mà cũng không rõ ai đã rủ rê. Bây giờ cuộc sống của ba mẹ con mình khổ lắm. Mình cứ đi làm thuê, làm mướn để mong cho các con được lớn khôn, được ăn học, được như những đứa trẻ khác thôi. Còn khoản nợ ngân hàng thì không biết khi nào mới trả được, nhà cửa có hư hỏng cũng đành phải chịu, vì không có tiền để sửa,” chị Y Dưi nói trong nước mắt.

Hiện nay, người dân tộc Brâu có khoảng 165 hộ, với 480 nhân khẩu, sinh sống hoàn toàn tại làng Đăk Mế, xã Pờ Y.

[Triệt phá đường dây vận chuyển số lượng lớn ma túy từ Lào vào Việt Nam]

Đây là một trong số những dân tộc thiểu số rất ít người của cả nước. Họ đang được Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương hết sức quan tâm, chăm lo, hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống cũng như các phương tiện sản xuất để cả cộng đồng cùng phát triển.

Thế nhưng, do nhận thức còn nhiều hạn chế, trong khoảng hai năm trở lại đây, tình trạng người dân Brâu tham gia vào các đường dây buôn bán, vận chuyển ma túy đang diễn ra với chiều hướng gia tăng.

Trong hai năm qua, lực lượng chức năng xã Pờ Y đã triệt phá 6 vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, bắt giữ 9 đối tượng thì có 8 người là đồng bào dân tộc thiểu số Brâu.

Mới đây nhất, trong hai ngày 24 và 25/6 vừa qua, lực lượng chức năng đã triệt phá hai vụ vận chuyển ma túy trái phép với khối lượng 7,3 kg, bắt giữ 3 đối tượng, trong đó có hai người Brâu là Thao Von và Y Côi.

Ông Thao Lợi, Trưởng làng Đăk Mế, cho biết trước đây người dân trong làng chỉ chuyên tâm làm ăn chính đáng, không vi phạm pháp luật. Thế nhưng, không rõ lý do vì sao thời gian gần đây, nhiều người lại tham gia mua bán, vận chuyển ma túy, dẫn đến bị bắt, gia đình gặp nhiều khó khăn.

Không những vậy, việc gia tăng số lượng người nghiện ma túy cũng khiến tình hình an ninh-trật tự của làng trở nên phức tạp. Hiện, làng đã bị mất một số bộ cồng chiêng, Chiêng Tha hay các vật dụng có giá trị khác.

“Là trưởng làng, tôi cảm thấy buồn lắm, bởi một số bà con đã không nghe mình, mà đi nghe lời xúi giục của những kẻ xấu. Được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm vì là một trong những dân tộc thiểu số ít người nhất, người dân Brâu cũng hiểu được những tác hại của ma túy mang đến, khi ngày 10 hàng tháng làng đều tổ chức các buổi tuyên truyền cho bà con về an ninh trật tự. Bây giờ, dân làng chỉ mong lực lượng chức năng của tỉnh, huyện và xã, lực lượng công an, biên phòng giúp đỡ làng mình, tuyên truyền nhiều hơn nữa để bà con đừng nghe theo kẻ xấu nữa,” ông Thao Lợi chia sẻ.

Đẩy mạnh công tác phòng, chống tội phạm ma túy

Theo ông Tống Văn Đồng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Pờ Y, toàn xã có 17 dân tộc sinh sống tại 8 thôn, làng, trải dài trên 20,5 km đường biên giớim, trong đó có đồng bào Brâu.

Ông Đồng cũng cho biết một trong những nguyên nhân khiến người đồng bào Brâu trở thành đối tượng để các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy sử dụng là bởi người dân ở Đăk Mế có quan hệ huyết thống, họ hàng với người ở một số làng, bản bên kia biên giới.

Kon Tum: Phòng chống ma túy tại điểm nóng vùng biên Ngọc Hồi ảnh 2Lực lượng Công an xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, đến vận động, tuyên truyền cho người dân làng Đăk Mế về tác hại của ma túy. (Ảnh: Cao Nguyên/TTXVN)

Trong quá trình qua lại biên giới để thăm hỏi thì bà con Brâu dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo bằng cách đưa ra mức giá thuê vận chuyển ma túy rất cao. Vì vậy, một số người đã tham gia đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy về Việt Nam.

“Đảng bộ xã đã xây dựng một chương trình hành động chung, đảm bảo an ninh - trật tự, an toàn xã hội và giảm thiểu tình trạng thanh thiếu niên vi phạm, tham gia các tệ nạn xã hội. Ngoài ra, Đảng bộ cũng chỉ đạo cho các lực lượng như lực lượng công an, quân sự tham mưu, xây dựng kế hoạch phối hợp với các lực lượng đóng chân trên địa bàn như đồn biên phòng, các lực lượng công an cấp trên và các lực lượng khác để tăng cường công tác tuyên truyền, tuần tra, kiểm soát cũng như quản lý đối với các đối tượng liên quan đến vấn đề ma túy,” ông Tống Văn Đồng cho biết thêm.

Trong khi đó, Trung tá Vũ Văn Thái, Phó trưởng Công an huyện Ngọc Hồi, phân tích trước đây dân tộc Brâu sinh sống trong rừng, mới được vận động ra ở tại làng Đăk Mế nên nhận thức về pháp luật còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, do kinh tế khó khăn nên một số người đã bị mua chuộc.

Bên cạnh đó, do chuyên đi rừng nên những người vận chuyển ma túy rất thông thuộc các đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới dài 47km. Các đối tượng cầm đầu đường dây rất tinh vi, những người vận chuyển thường không biết mặt nhau nên công tác đấu tranh, triệt phá gặp nhiều khó khăn.

“Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã triệt phá được nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, song đáng buồn là chưa bắt được đối tượng cầm đầu, mà chỉ bắt những người được chúng thuê để vận chuyển. Trong thời gian tới, Công an huyện sẽ tập trung phối hợp với các lực lượng đứng chân trên địa bàn làm tốt công tác phòng ngừa, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không tham gia các đường dân buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, góp phần giữ vững an ninh-trật tự ở khu vực biên giới,” Trung tá Vũ Văn Thái nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục