Một di tích kiến trúc

KTS Hồ Thiệu Trị: Nhà hát lớn là một di tích kiến trúc

Người đã "hồi sinh" Nhà hát Lớn, KTS Hồ Thiệu Trị cho rằng, Nhà hát Lớn là không gian kiến trúc mang tính lịch sử, một di tích kiến trúc.
Để giữ được không gian kiến trúc bề thế và lộng lẫy như ngày hôm nay, Nhà hát Lớn đã phải trải qua 100 năm thăng trầm cùng lịch sử Thủ đô và đương nhiên, cũng không thể bừng sức sống nếu thiếu đi bàn tay tu bổ của những kiến trúc sư tài hoa. Nhân sự kiện Nhà hát Lớn Hà Nội tròn thế kỷ, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với kiến trúc sư (KTS) Hồ Thiệu Trị, một trong những người đã có công lớn góp phần làm “sống” lại không gian sinh hoạt văn hóa đỉnh cao Nhà hát Lớn. Sống dậy từ “điêu tàn”- Dưới con mắt của một chuyên gia kiến trúc, ông đánh giá thế nào về không gian kiến trúc của Nhà hát Lớn Hà Nội?KTS Hồ Thiệu Trị: Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên được tiếp cận với Nhà hát Lớn trước khi bắt tay vào dự án tu bổ năm 1995, tôi đã rất ngỡ ngàng. Thứ nhất, bởi tầm vóc nó không thật sự lớn như danh từ Nhà hát Lớn vẫn gọi. Thứ hai, lúc tiếp nhận để bắt đầu công việc tu bổ và cải tạo, Nhà hát Lớn trong tình trạng điêu tàn, khán phòng lớn, phòng kỹ thuật và hậu trường bị mai một rất nhiều. Người Pháp xây dựng Nhà hát Lớn ở Việt Nam theo trào lưu và phong cách kiến trúc nhà hát ở bên. Do đó nó có sự gần gũi với nhau về mặt không gian kiến trúc cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên thực tế không gian kiến trúc của Nhà hát Lớn Hà Nội cũng có đặc thù riêng, đó là những họa tiết đặc biệt mang dáng dấp kiến trúc Việt Nam được khéo léo đưa vào.
KTS Hồ Thiệu Trị: Nhà hát lớn là một di tích kiến trúc ảnh 1

Mái hình chóp cong lợp ngói đá mang đậm kiến trúc thời Phục Hưng châu Âu - Ảnh: Minh Đức/TTXVN

- Ông có thể chỉ rõ những chi tiết kiến trúc nào mang dấu ấn “made in Viet Nam?”KTS Hồ Thiệu Trị: Đó là những chi tiết trang trí ngoài balcon, hoa văn, phào trần hay những chi tiết trang trí đế cột, kiểu thức ghế ngồi trên tầng thứ ba... Đặc biệt là những họa tiết trang trí bằng sành, gốm, sứ trên mặt tiền. Ngoài ra, không gian bên ngoài cho thấy rõ hơn sự pha trộn giữa những họa tiết mang dáng dấp và vật liệu của Việt Nam thời bấy giờ.
- Theo ông, để Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn giữ được vẻ đẹp cổ xưa thêm 100 năm nữa và thậm chí trường tồn với thời gian thì chính quyền Thành phố cũng như người dân Thủ đô nên làm gì?
KTS Hồ Thiệu Trị: Để kéo dài tuổi thọ cho một công trình hơn trăm năm hay lâu hơn nữa phần lớn phụ thuộc vào yếu tố con người, trong việc quản lý nghiêm ngặt, bảo trì có lộ trình và hệ thống. Đặc biệt, tôi muốn nói rằng, ngoài công trình đẹp chúng ta phải cho nó cái hồn để xứng danh là Nhà hát Lớn, địa điểm diễn ra các hoạt động văn hóa nghệ thuật đỉnh cao. Tôi nghĩ, với chưa đầy 600 chỗ, Nhà hát Lớn Hà Nội không mang tính đại chúng, nó có đặc thù và phải là nơi được tiếp diễn các sự kiện âm nhạc đặc biệt. Làm sao để ngày càng có nhiều đoàn múa ballet, dàn nhạc nổi tiếng hay những sự kiện âm nhạc lớn không chỉ của trong nước mà còn của quốc tế tìm đến biểu diễn thường xuyên. Có như thế Nhà hát Lớn Hà Nội mới có thể trường tồn. - Nhưng thực tế không phải sự kiện nào diễn ra ở Nhà hát Lớn Hà Nội cũng là những chương trình nghệ thuật đỉnh cao và đáng xem…KTS Hồ Thiệu Trị: Tôi nghĩ trong quá trình làm việc do sự quản lý hay do vấn đề kinh tế nên có nhiều sự kiện ít mang tính nghệ thuật có thể xen vào khung chương trình lớn của Nhà hát. Điều này vẫn có thể chấp nhận, nhưng khi tổ chức cần phải có ý thức giữ gìn, bảo quản cũng như tính chất của sự kiện đó phải phù hợp với tính chất của Nhà hát Lớn. Làm sao khai thác xứng tầm?
KTS Hồ Thiệu Trị: Nhà hát lớn là một di tích kiến trúc ảnh 2
Mái che lối vào theo phong cách Art Nouveaux - Ảnh: Minh Đức/TTXVN

- Kiến trúc không gian Nhà hát Lớn còn phải kể đến cảnh quan xung quanh. Nhưng thực tế cho thấy không gian này đang có nguy cơ bị phá vỡ…
KTS Hồ Thiệu Trị: Đã có quy định về quy hoạch trong khu vực quanh Nhà hát Lớn. Điều kiện về quy hoạch và xây dựng cho những công trình lân cận và xung quanh Nhà hát Lớn là chiều cao không được cao hơn chiều cao của đỉnh chóp Nhà hát Lớn (khoảng 34 mét). Nhưng vấn đề tôi đang rất quan tâm là việc sử dụng các không gian khác của Nhà hát Lớn như ngoài sân vườn hay dưới hầm để khai thác vì mục đích kinh tế. Trong cơ chế thị trường, ngoài vườn đã được dùng làm hàng cà-phê hay không gian tầng hầm được dùng làm nhà hàng. Những hoạt động kinh tế này có thể chấp nhận nhưng phải có một quy hoạch, kiến trúc thích hợp. Việc sử dụng vì bất cứ mục đích gì thì cũng cần phải liên quan tới sinh hoạt chính của Nhà hát Lớn. - Nhưng có sự lo ngại rằng sự lạm dụng này chỉ với mục đích kinh tế đơn thuần…?KTS Hồ Thiệu Trị: Ở giai đoạn khởi đầu, việc tạo điều kiện kinh doanh để có nguồn tài chính cho bảo trì, quản lý Nhà hát là có thể chấp nhận. Nhưng, tôi nghĩ đúng như cô nói, những công trình kiến trúc có tính chất đặc biệt thì ngân sách để quản lý, tu bổ, bảo trì là nguồn ngân sách đã được Nhà nước dự trù. Tôi nghĩ, những không gian hiện tại đang bị khai thác như nhà hàng, quán cà-phê nên hướng tới những mục đích có liên quan tới chức năng sinh hoạt về nghệ thuật của Nhà hát. Có thể lồng sinh hoạt nghệ thuật vào hoạt động kinh doanh. Ví dụ như, dưới tầng hầm khai thác nhà hàng, hoàn toàn có thể dựng sân khấu, trình diễn thêm nhạc thính phòng, hòa tấu hay múa ballet… như thế mới xứng đáng khai thác để thành một nơi có thể giới thiệu thêm về những hoạt động của Nhà hát. Di tích về kiến trúc- Xin được hỏi, có phi lý không khi một không gian đậm kiến trúc Pháp như Nhà hát Lớn Hà Nội lại được coi là một biểu tượng về không gian-kiến trúc-lịch sử-văn hóa Thủ đô, thưa ông? Ý kiến của ông về vấn đề này thế nào?KTS Hồ Thiệu Trị: Ngày xưa, chưa hiểu biết nhiều về Hà Nội nên tôi hình dung Hà Nội là những khu phố cổ với 36 phố phường, những mặt hồ, cây xanh và những công trình kiến trúc mang dáng dấp xưa cũ theo lối kiến trúc Á Đông.
KTS Hồ Thiệu Trị: Nhà hát lớn là một di tích kiến trúc ảnh 3
Nhà hát Lớn Hà Nội xưa chụp từ trên máy bay - Ảnh: Vũ Hanh/TTXVN
Đến khi được người bạn dẫn đến tham quan Nhà hát Lớn lần đầu tiên, tôi mới thấy thật sững sờ. Một công trình với phong cách kiến trúc, hình thức kiến trúc chủ đạo là châu Âu, lại đứng sừng sững giữa một không gian quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Điều đó đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Tuy nhiên, càng đi sâu vào nghiên cứu dự án bảo tồn tôi mới hiểu, chúng ta nên có quan niệm cởi mở hơn. Một kiến trúc sư có thể làm việc ở Việt Nam hay nhiều nước trên thế giới và ngược lại. Như nhà Quốc hội Đức có không gian kiến trúc cổ, họ cũng mời kiến trúc sư người Anh đến cải tạo lại mái vòm. Như vậy, sự hiện diện của một kiến trúc khác trong một tổng thể của công trình cổ là điều có thể chấp nhận được theo quan niệm mở thời nay. Ngày xưa, chúng ta làm gì có khái niệm về Nhà hát Opera, nên người Pháp đã đem nguyên bản công trình này sang với mục đích chính để phục vụ cho giới thượng lưu Pháp sống tại Việt Nam thời đó, nên họ làm theo ý của họ. Nhưng ngày nay, sau 100 năm hình ảnh Nhà hát Lớn đã trở nên quen thuộc, không còn xa lạ. Để rồi mỗi khi nhắc đến Hà Nội thì Nhà hát Lớn đã trở thành một thực thể không thể tách rời. Cảm giác xa lạ ban đầu giờ trở thành cảm xúc hòa quyện giữa công trình và khung cảnh Hà Nội trong tôi. Tôi không nghĩ Nhà hát Lớn là một biểu tượng văn hóa Thủ đô, điều đó không nên và không đúng! Nó chỉ là nơi sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật của người dân Hà Nội. Nó là một không gian kiến trúc mang tính chất lịch sử, một di tích về kiến trúc. Trân trọng cảm ơn ông!
ChiLê (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục