Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia

Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đã diễn ra tại thủ đô Phnom Penh vào sáng 15/3.
Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia ảnh 1Quang cảnh cuộc họp trù bị (SOM) chuẩn bị cho Kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia. (Nguồn: TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, sáng 15/3, kỳ họp lần thứ 15 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật đã diễn ra tại thủ đô Phnom Penh dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng cao cấp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn.

Tham dự kỳ họp có nhiều quan chức đại diện cho các bộ, ngành của hai nước.

Trong không khí hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau, hai bên đã tập trung rà soát việc triển khai các thỏa thuận hợp tác của Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia và hài lòng nhận thấy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước đã ngày càng phát triển tốt đẹp, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

Hai bên thường xuyên trao đổi các chuyến thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước như chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang (tháng 6/2016); Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 9/2016); chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Samdech Hun Sen (tháng 12/2016)...

Hợp tác về giáo dục-đào tạo, viễn thông, nông-lâm-ngư nghiệp, du lịch, tài chính, ngân hàng, y tế, hàng không, năng lượng, dầu khí… được quan tâm đẩy mạnh.

Cụ thể, tính đến đầu năm 2017, có gần 4.000 sinh viên Campuchia đang học tập và nghiên cứu tại Việt Nam.

Khách du lịch Việt Nam đến Campuchia tiếp tục đứng vị trí thứ nhất trong số khách nước ngoài đến Campuchia, liên tiếp trong 8 năm qua.

Thương mại hai nước đạt gần 3 tỷ USD trong năm 2016.

Hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh quốc phòng; công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ tiếp tục được thúc đẩy một bước và giao lưu giữa các địa phương có chung biên giới ngày càng sôi động.

Hai bên đã trao đổi và thỏa thuận về phương hướng và các biện pháp nhằm gia tăng hơn nữa hợp tác toàn diện giữa hai nước trong thời gian tới.

Hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác giáo dục, chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo; thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, đồng thời quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, triển khai hiệu quả các dự án đã được cấp phép và sớm ký kết các thỏa thuận hợp tác mới để phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai nước đạt 5 tỷ USD trong thời gian tới.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, nông-lâm-ngư nghiệp, năng lượng, dầu khí, lao động, y tế... và triển khai kết nối hai nền kinh tế, nhất là trong lĩnh vực giao thông, viễn thông, tài chính, ngân hàng và du lịch như thỏa thuận của Thủ tướng Chính phủ hai nước.

Hai bên nhất trí thực hiện hiệu quả Hiệp định Khuyến khích, bảo hộ đầu tư, sớm ký Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định Thương mại biên giới thay thế Hiệp định Mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia, Hiệp định Hợp tác lao động, Bản Ghi nhớ về chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030.

Hai bên khẳng định quyết tâm sớm hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên bộ nhằm xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác cùng phát triển; nhất trí tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong công tác tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trong thời kỳ chiến tranh ở Campuchia; khẳng định lại nguyên tắc không cho phép bất kỳ lực lượng thù địch nào sử dụng lãnh thổ nước này để tiến hành các hoạt động chống phá an ninh nước kia. Hai bên cũng nhất trí thực hiện việc đảm bảo các quyền chính đáng của kiều dân hai nước được làm ăn, sinh sống bình thường như các kiều dân khác tại mỗi nước.

Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong; tăng cường hợp tác với các nước trong khuôn khổ Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS), Ủy hội Sông Mekong (MRC), Tam giác Phát triển ba nước Campuchia-Lào-Việt Nam (CLV) và hợp tác bốn nước Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Chiến lược Hợp tác kinh tế ba dòng sông Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS)…

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác trong khuôn khổ ASEAN, ASEM và các diễn đàn quốc tế khác.

Hai bên bày tỏ vui mừng về kết quả tốt đẹp của kỳ họp và tin tưởng rằng kết quả của kỳ họp sẽ là cơ sở quan trọng để các bộ, ngành, địa phương hai bên tiếp tục triển khai hợp tác trong thời gian tới, đưa mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa hai nước ngày càng phát triển bền vững.

Kết thúc kỳ họp, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng cao cấp, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và hợp tác quốc tế Prak Sokhonn đã ký Biên bản Thỏa thuận của kỳ họp.

Theo thỏa thuận, Kỳ họp Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Campuchia lần thứ 16 sẽ được tổ chức tại Việt Nam vào thời gian thuận tiện cho cả hai bên trong năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục