"Kỳ họp Quốc hội thành công vì đã thông qua nhiều luật quan trọng"

Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng kỳ họp này tương đối thành công vì đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng như Luật Phá sản, Luật Đầu tư công...

Ngày 24/6, kỳ họp họp thứ 7, Quốc hội khóa 13 sẽ kết thúc. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã biểu quyết thông qua một số Nghị quyết quan trọng như ngân sách nhà nước năm 2012, ngân sách trung ương và ngân sách địa phương năm 2013 và các dự thảo luật như Luật Đầu tư công, Luật Phá sản, Luật Hải quan, Luật Bảo vệ Môi trường…

Để đánh giá về các vấn đề kinh tế tại kỳ họp lần này, bên lề Quốc hội ngày 23/4, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh những vấn đề này.

- Ông đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ họp Quốc hội lần này?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Kỳ họp này tương đối thành công vì đã thông qua nhiều đạo luật quan trọng. Điển hình là Luật Phá sản sửa đổi được thông qua sẽ cho phép tuyên bố phá sản trước khi thanh lý tài sản, giải quyết tình trạng nhiều doanh nghiệp “chết” nhưng không được “chôn” trong thời gian vừa qua.

Luật sửa đổi lần này cũng thống nhất với tinh thần của Hiến pháp về quyền tự do kinh doanh, quyền con người. Quyền con người được được thể hiện là khi một cá nhân góp vốn đầu tư vào doanh nghiệp, khi mà doanh nghiệp có dấu hiệu phá sản, không thực hiện được nghĩa vụ xã hội thì cá nhân đó có quyền đề xuất doanh nghiệp phá sản.

Thực tế trong thời gian thi hành Luật Phá sản trước đây, mỗi năm chỉ có hơn 10 doanh nghiệp phá sản, điều này cho thấy có những bất cập của tư duy trên nền sản xuất kế hoạch hóa.

Luật mới quy định doanh nghiệp không thực hiện được trách nhiệm xã hội thì pháp luật buộc doanh nghiệp đó phải thực hiện. Khi đó, nếu doanh nghiệp không kinh doanh sản xuất được thì pháp luật yêu cầu họ phải phá sản, doanh nghiệp không còn vốn thì phải bán cho người khác, để thực hiện tái cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp. Khi đó, tài sản vật chất của xã hội vẫn còn nhưng được thay thế bởi một phương thức quản lý và tổ chức sản xuất mới của những doanh nghiệp có năng lực hơn.

Ngoài ra, Luật Phá sản cũng chính thức cho phá sản ngân hàng yếu kém. Luật quy định, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì những người như: chủ nợ; người lao động, công đoàn; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông; thành viên hợp tác xã có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, trong trường hợp tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.

- Thế còn Luật Đầu tư công và một số Luật khác thì sao thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Kiên: Việc xây dựng và thông qua Luật Đầu tư công được coi là một bước nâng cao kỷ cương, kỷ luật trong quản lý đầu tư công đặc biệt từ khâu phê duyệt chủ trương, thẩm định nguồn vốn nhằm hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải gây lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công.

Trước đây, nhiều dự án đầu tư thuộc nhóm B của chúng ta theo đúng quy định thì 2-3 năm phải đi vào hoạt động để bảo đảm hiệu quả nhưng do đầu tư dàn trải, thiếu nguồn lực nên kéo dài đến 5 năm, làm giảm hiệu quả đầu tư, làm cho chỉ số đầu tư công của khối nhà nước tăng gấp rưỡi so với chỉ tiêu chung của nền kinh tế.

Luật Đầu tư công được ban hành sau 7 năm xây dựng sẽ góp phần hạn chế sự đầu tư công dàn trải trong thời gian vừa qua.

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục trao đổi, thảo luận sửa đổi Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản. Một điểm mới của Luật Kinh doanh bất động sản là lúc đầu chúng ta quy định là tất cả mọi giao dịch phải qua sàn giao dịch, chính vì vậy từ năm 2007 nổi lên bong bóng bất động sản. Tuy nhiên, Luật này đã sửa quy định này theo hướng vừa giao dịch tại sàn giao dịch, vừa cho phép giao dịch trực tiếp nên sẽ hạn chế được tình trạng bong bóng như trước.

- Ông đánh giá như thế nào về các phiên trả lời chất vấn của các Bộ trưởng tới các đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước?


Ông Nguyễn Đức Kiên:
Giống như các kỳ họp trước, hoạt động chất vấn đã thể hiện được những nội dung nổi cộm, nhức nhối của đời sống, được cử tri quan tâm. Trong hoạt động chất vấn, cá nhân tôi cho rằng, cần nhìn nhận ở mức độ thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng, trưởng ngành chứ không nên chỉ tập trung vào cách trả lời lưu loát hay không lưu loát, hùng biện hay không hùng biện trên diễn đàn.

Ở đây tôi thấy, đối với ngành giao thông vận tải, họ luôn cập nhật phản ánh của xã hội trong việc thực hiện quản lý nhà nước. Năm đầu tiên của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Bộ trưởng chọn về chất lượng công trình, trong quá trình triển khai, bên cạnh vấn đề về bản thân nội bộ ngành giao thông, cơ quan thanh tra cũng phát hiện ra vấn đề là xe quá tải. Tiếp đó, họ phối hợp với Bộ Công an chấn chỉnh xe quá tải, đưa xe về đúng tải trọng cho phép lưu thông, kéo giá cước vận tải về đúng bản chất của nó…

Có thể thấy, khi các Bộ, ngành bắt tay giải quyết một vấn đề, phát hiện ra vấn đề khác họ lại đứng ra xử lý chứ không buông xuôi.

Hay như ở ngành ngân hàng, chúng ta tranh luận với nhau rất nhiều về chọn loại vàng nào. Nhưng cho đến nay cho thấy việc chọn vàng SJC làm vàng miếng là tương đối phù hợp.

Hoặc những dẫn chứng làm nhưng không thành công như trường hợp của ngành giáo dục, cứ loay hoay giữa việc thi đại học với thi phổ thông nhập vào hay tách ra. Thi tốt nghiệp lúc thì 6 môn, lúc thì 4 môn, lúc thì hai môn bắt buộc, 2 môn tự chọn... Ngành vẫn đang lúng túng trong việc chọn phương án tối ưu để giải quyết vấn đề. Rồi đưa ra các khái niệm khó hiểu như các trường đại học chuẩn quốc tế, vậy chuẩn quốc tế nào? Có thể thấy ngành giáo dục vẫn loay hoay giữa mong muốn giải quyết sự việc với khả năng giải quyết sự việc của các bộ trưởng là khác nhau.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục