Kỳ họp thứ 10 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW

Tại kỳ họp, Hội đồng sẽ cho ý kiến về công tác xét, tặng thưởng, hỗ trợ các tác giả có công trình, tác phẩm về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.
Kỳ họp thứ 10 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật TW ảnh 1Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đến dự và phát biểu chỉ đạo phiên họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Sáng 16/8, tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức Kỳ họp thứ 10 để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác từ sau Kỳ họp thứ 9 (tháng 3/2014) đến nay; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến hết năm 2014.

Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tại kỳ họp này, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đánh giá kết quả hoạt động giữa hai kỳ họp thứ 9 và 10 về: công tác triển khai nghiên cứu Đề án khoa học cấp Nhà nước “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam-Thực tiễn và định hướng phát triển;” việc chuẩn bị Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2014 với chủ đề “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay;” công tác xét, tặng thưởng, hỗ trợ các tác giả có công trình, tác phẩm về lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Hội đồng cũng đánh giá về tình hình nghiên cứu, giảng dạy văn học ở các trường đại học; công tác khảo sát Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới;” một số chỉ thị của Ban Bí thư về “Đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật,” “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” tại một số ngành, địa phương...

Nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm 2014, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tập trung thực hiện việc xét tặng thưởng, hỗ trợ các tác phẩm, công trình lý luận, phê bình văn học nghệ thuật có giá trị, xuất bản trong các năm 2013-2014, trong đó đặc biệt chú trọng những tác phẩm đấu tranh trực diện với các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật.

Hội đồng tiếp tục tiến hành khảo sát 5 năm tình hình thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và một số chỉ thị của Ban Bí thư ở một số đơn vị, địa phương; chủ động tham gia cuộc đấu tranh chống thông tin, quan điểm sai trái trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đinh Thế Huynh ghi nhận và đánh giá cao các công việc Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã thực hiện trong những tháng đầu năm 2014. Hội đồng đã thực hiện nhiệm vụ thường xuyên với chức năng tư vấn cho Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương về các vấn đề xung quanh lĩnh vực lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2014, ông Đinh Thế Huynh nhấn mạnh một số vấn đề. Cụ thể, về Đề án khoa học “Lý luận văn nghệ ở Việt Nam-Thực tiễn và định hướng phát triển,” Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ đây là một công việc rất khó khăn và phức tạp, đòi hỏi Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm Đề án, Ban Chủ nhiệm 4 đề tài phải thống nhất ý chí, hợp tác chặt chẽ, nêu cao tâm huyết, trách nhiệm, tập hợp đông đảo các nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu, nhà nghiên cứu lý luận, phê bình mọi thế hệ trong lĩnh vực văn học, điện ảnh, nhiếp ảnh, kiến trúc, văn hóa dân gian, văn hóa các dân tộc thiểu số.

Khi triển khai thực hiện Đề án, Ban Chủ nhiệm, các cộng tác viên cần quán triệt sâu sắc, nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án và 4 đề tài; trong đó nhiệm vụ bao trùm của Đề án là tổng kết thực tiễn-lý luận văn nghệ nước ta trên các lĩnh vực: nghiên cứu tổng kết đường lối, quan điểm văn nghệ của Đảng ta từ đầu thế kỷ 20 đến nay; nghiên cứu tiếp thu quan điểm văn nghệ truyền thống; nghiên cứu tiếp thu có chọn lọc quan điểm văn nghệ bên ngoài, tổng kết thực tiễn hoạt động của các loại hình văn học, nghệ thuật…, từ đó kiến nghị xây dựng định hướng phát triển lý luận văn nghệ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, yếu tố quan trọng quyết định thành công của đề án là Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm, các chuyên gia nghiên cứu cần xác định đúng đắn các nguyên tắc, phương pháp luận và phương pháp tiếp cận khi tiến hành thực hiện Đề án, các đề tài.

Về nguyên tắc, phương pháp luận của Đề án là lý luận văn học-nghệ thuật và mỹ học Marxist; là tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối của Đảng về văn hóa, văn nghệ. Đây là nền tảng, cơ sở để chúng ta triển khai thực hiện Đề án; từ đó, tham chiếu, tham khảo, tiếp thu có chọn lọc trên tinh thần khách quan khoa học các quan điểm lý luận văn nghệ khác, để đề xuất xây dựng định hướng lý luận văn nghệ Việt Nam.

Tiếp theo, phải kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải coi trọng nghiên cứu lý luận cơ bản, các tác phẩm kinh điển của mỹ học Marx-Lenin, nghiên cứu hệ thống các quan điểm, đường lối văn nghệ của Đảng từ những năm 30 của thế kỷ 20 đến nay; các công trình nghiên cứu, khảo cứu, dịch thuật có giá trị, gắn chặt với tổng kết thực tiễn văn nghệ nước ta, nhất là thực tiễn trong hơn một thế kỷ qua. Trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản, Ban Chỉ đạo, Ban Chủ nhiệm cần xác định các phương pháp tiếp cận thật khoa học và phù hợp khi triển khai nghiên cứu thực hiện Đề án và 4 đề tài.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chức năng tư vấn cho Ban Bí thư và Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 về “Xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị về “Phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới,” ông Đinh Thế Huynh lưu ý sau Kỳ họp thứ 10, Hội đồng cần tổ chức đạt kết quả thiết thực Hội thảo khoa học với chủ đề “Vấn đề đạo đức xã hội trong văn học, nghệ thuật hiện nay.”

Trong hội thảo này, cần đi sâu nghiên cứu, phân tích, thảo luận về một số nội dung: v ấn đề đạo đức, lối sống trong văn học, nghệ thuật nhìn từ lịch sử văn học Việt Nam và thế giới; thực trạng đạo đức, lối sống trong xã hội Việt Nam hiện nay; những vấn đề đặt ra đối với hoạt động sáng tạo, truyền bá, biểu diễn, phê bình văn nghệ; vai trò của văn học, nghệ thuật, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của văn nghệ sỹ tham gia bồi đắp phẩm chất đạo đức cũng như những giá trị cao đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục