Ký kết “Chương trình quốc gia” phòng chống ma túy

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và giám đốc quốc gia của UNODC đã ký kết văn kiện “Chương trình quốc gia” giai đoạn 2012-2017.
Chiều 14/8, tại Hà Nội, ông Cao Viết Sinh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bà Zhuldyz Akisheva, giám đốc quốc gia của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam đã ký kết văn kiện “Chương trình quốc gia” giai đoạn 2012-2017.

“Chương trình quốc gia” bao gồm 5 tiểu chương trình là: phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và buôn bán trái phép; phòng chống tham nhũng và rửa tiền; phòng chống khủng bố; tư pháp hình sự và giảm cầu ma túy và HIV/AIDS.

Tổng ngân sách viện trợ không hoàn lại của Chương trình quốc gia giai đoạn 2012-2017 là 14.457.700 USD; trong đó, ngân sách đã được đảm bảo là 2.030.700 USD và ngân sách cần vận động là 12.434.000 USD.

Phát biểu tại Lễ ký, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cao Viết Sinh nhấn mạnh: “Chương trình quốc gia” giai đoạn 2012-2017 là sản phẩm chung của quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam - UNODC, là sự cụ thể hóa của Kế hoạch chung giai đoạn 2012-2016 trên lĩnh vực phòng chống ma túy và tội phạm.

Thứ trưởng tin tưởng rằng với nỗ lực của các Cơ quan Việt Nam và UNODC, sự phối hợp và ủng hộ mạnh mẽ của các tổ chức Liên hợp quốc khác và cộng đồng tài trợ “Chương trình quốc gia” giai đoạn 2012-2017 sẽ đóng góp tích cực vào việc thực hiện các chiến lược, mục tiêu quốc gia về phòng chống ma túy và tội phạm của Việt Nam.

Ông Jeremy Douglas, Trưởng Đại diện UNODC khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương khẳng định, chương trình quốc gia giúp người dân bảo vệ quyền trong hệ thống tư pháp hình sự, hưởng lợi ích từ nhà nước pháp quyền và việc tăng cường thực thi pháp luật, cũng như tiếp cận được hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân văn và dựa trên cơ sở khoa học.

Theo Chương trình quốc gia, trong mỗi tiểu chương trình sẽ xác định các kết quả và mục tiêu cụ thể dựa trên nghiên cứu và đánh giá nguy cơ. Chương trình sẽ ủng hộ và hỗ trợ việc phê chuẩn các Công ước quốc tế và Nghị định thư mà UNODC đóng vai trò giám sát trên toàn cầu và giúp quá trình thông qua các điều luật có liên quan trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Bên cạnh đó, chương trình sẽ giúp Việt Nam phối hợp lực lượng với các quốc gia láng giềng và các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á./.

Thúy Hiền (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục