Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm đầu tiên tại Việt Nam

Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đã ký ngày hôm nay giữa bốn công ty du lịch tại thành phố Đà Nẵng được mong đợi sẽ mang lại quyền lợi cho khoảng 700 người lao động
Ký kết thỏa ước lao động tập thể nhóm đầu tiên tại Việt Nam ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)

Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam được ký ngày hôm nay 14/1 giữa bốn công ty du lịch tại thành phố Đà Nẵng. Thỏa ước được mong đợi mang lại quyền lợi cho khoảng 700 người lao động (với gần 60% là lao động nữ) của Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam VITOUR, Công ty Cổ phần Du lịch Phương Đông Việt, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại Phú An Thịnh và Công ty Cổ phần khách sạn Saigontourane.

Một số điều khoản chung được thống nhất trong thỏa ước lao động tập thể với những nội dung quan trọng bao gồm: Mức lương tối thiểu trả cho người lao động tại bốn doanh nghiệp phải cao hơn ít nhất 3,3% so với mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định, tăng mức phụ cấp ăn giữa ca và các khoản trợ cấp khác… Các điều khoản này được áp dụng chung cho cả bốn doanh nghiệp.

Tại buổi ký kết, ông Chang Hee Lee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam nhận định: “Đây là lần đầu tiên công đoàn và người sử dụng lao động ở Việt Nam đàm phán thành công thỏa ước lao động tập thể cho một nhóm các doanh nghiệp, chứ không phải chỉ ở một doanh nghiệp. Đó là một sáng kiến quan trọng trong thực tiễn về quan hệ lao động.”

“Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp có thể giúp giảm sự luân chuyển lao động và thúc đẩy quan hệ lao động ổn định, bởi người lao động ít có động cơ rời bỏ doanh nghiệp này để chuyển đến một doanh nghiệp khác khi các điều kiện tương tự được áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp. Điều đó tốt cho người lao động, bởi họ được hưởng các điều kiện lao động giống với những người lao động ở các doanh nghiệp khác, và cũng tốt cho người sử dụng lao động vì họ có được quan hệ lao động ổn định hơn,” ông Chang Hee Lee nhấn mạnh.

Quá trình đàm phán diễn ra tích cực trong vòng 2 tháng, trải qua nhiều phiên thương lượng khó khăn với sự tham gia của người sử dụng lao động và người lao động trong suốt quá trình theo phương pháp từ dưới lên, dưới sự hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và ILO.

Giám đốc ILO Việt Nam cho rằng: “Thực tiễn dân chủ của cách thức thương lượng tập thể này có thể giúp Việt Nam trong việc thực hiện thành công các nghĩa vụ của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương với tư cách là một quốc gia thành viên của ILO.”

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, các bài học và thực tiễn từ thí điểm này của Đà Nẵng có ý nghĩa quan trọng đối với Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác giữa các công đoàn, và thương lượng, bao gồm việc tư vấn và thu hút sự tham gia của đông đảo người lao động trong cả quá trình, để đạt được việc tăng mức lương tối thiểu và các lợi ích khác./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục