Kỷ lục đau lòng: Tỷ lệ trẻ em bị sát hại ở Mỹ Latinh cao nhất thế giới

Không chỉ có tỷ lệ trẻ em bị sát hại cao nhất thế giới, trung bình 12,6 vụ/1.000 vụ án mạng, xác suất tử vong của trẻ ở châu Mỹ Latinh-Caribe cũng cao hơn ít nhất 2,5 lần so với bất kỳ nơi nào.
Kỷ lục đau lòng: Tỷ lệ trẻ em bị sát hại ở Mỹ Latinh cao nhất thế giới ảnh 1(Nguồn: AP)

Theo phóng viên TTXVN tại La Habana, tổ chức phi chính phủ “Save the Children” (Bảo vệ trẻ em) vừa công bố một báo cáo cho biết, khu vực Mỹ Latinh và vùng Caribe là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị sát hại cao nhất thế giới, trung bình là 12,6 vụ/1.000 vụ án mạng thông thường.

Bên cạnh đó, xác suất tử vong của trẻ trong khu vực này cao hơn ít nhất là 2,5 lần so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.

Theo báo cáo trên, những quốc gia có số vụ án mạng trẻ em nhiều nhất tại khu vực gồm có Honduras, Venezuela, El Salvador và Colombia.

Trong khi đó, các quốc gia Chile, Costa Rica, Argentina và Cuba được ghi nhận có tỷ lệ trẻ em bị sát hại thấp nhất khu vực và thậm chí thấp hơn cả mức trung bình của thế giới. Đặc biệt, Cuba là quốc gia có số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi tử vong ít nhất thế giới.

Giám đốc của tổ chức “Save the Children” tại Mỹ Latinh và Caribe Victoria Ward khẳng định những em bé lớn lên trong một xã hội bạo lực là nạn nhân của các băng đảng và tội phạm có tổ chức, hoặc chúng phải rời bỏ nhà cửa vì lý do an toàn và bị tước đoạt đi tuổi thơ của chính mình.

[Đã có hơn 1.200 trẻ em bị xâm hại tình dục trong năm 2016]

Bà Victoria Ward cũng nhấn mạnh việc hàng triệu trẻ em tại khu vực Mỹ Latinh và Caribe hiện vẫn không được hưởng các quyền được bảo vệ, không được học tập, lớn lên và vui chơi là điều không thể chấp nhận được.

Báo cáo cũng cho biết tỷ lệ sinh con của các bé gái ở độ tuổi thiếu niên tại khu vực trên cao thứ hai sau châu Phi. Ước tính, mỗi năm cứ 13 bé gái trong độ tuổi 15-19 thì có 1 bé trở thành mẹ.

Theo một số báo cáo của Liên hợp quốc, vào cuối thập kỷ trước, tỷ lệ sinh đẻ sớm ở các bé gái độ tuổi thiếu niên tại khu vực này từng cao hơn 3-5 lần thời điểm hiện tại, chủ yếu tại các vùng đói nghèo và thiếu thốn về kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục