Kỷ niệm 10 năm Mỹ Sơn là Di sản Văn hóa Thế giới

Từ chỗ lượng khách đến tham quan gần 20.000 người năm 1999, đến nay, Mỹ Sơn đón tiếp 200.000 khách, trong đó có 140.000 khách quốc tế.
Lễ kỷ niệm 10 năm Khu di tích Mỹ Sơn được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận Di sản Văn hóa Thế giới, tổ chức tối ngày 2/12, ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

Ông Nguyễn Công Hường, Trưởng ban quản lý di tích Mỹ Sơn cho biết sau 10 năm được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, Mỹ Sơn đã trở thành nơi gìn giữ những giá trị kiến trúc, điêu khắc độc đáo của nhân loại và là một địa chỉ du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Từ chỗ số lượng khách đến tham quan chưa đầy 20.000 người trong năm 1999, đến nay, hàng năm Mỹ Sơn đón tiếp 200.000 khách tham quan, trong đó có 140.000 khách quốc tế.

Di sản Mỹ Sơn thực sự có bước tiến dài về mặt hành lang pháp lý lẫn hợp tác trong giai đoạn trùng tu di tích. Đó là dự án hợp tác 3 bên Việt Nam-UNESCO-Italy trùng tu các nhóm tháp F, G; chương trình hợp tác Việt-Nhật về nâng cấp khu vực cảnh quan di tích.

Đặc biệt cuối năm 2008, Chính phủ đã phê duyệt dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn từ năm 2008-2020, với tổng diện tích nghiên cứu đưa vào phạm vi quy hoạch gần 11.160ha.

Theo kế hoạch, dự án quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích Mỹ Sơn chia làm 2 giai đoạn. Từ năm 2010 đến 2016, triển khai xây dựng cứ liệu, tài liệu khoa học; giải quyết triệt để bom mìn còn sót lại trong khu vực; xử lý chất độc hóa học; cải tạo xây dựng kỹ thuật hạ tầng; xây dựng các công trình quản lý dịch vụ; bảo vệ cảnh quan môi trường; giải quyết giao thông nội bộ, phục vụ rừng bản địa để nâng giá trị di tích.

Giai đoạn 2 từ năm 2016-2020, trùng tu gia cố 1 số di tích nằm trong nguy cơ sụp đổ cao. Khi hoàn thành dự án, Mỹ Sơn sẽ được trả lại hình hài xưa cũ, từ đó sẽ được nâng tầm cao mới.

Ông Hường cũng cho biết sự phát triển du lịch di sản Mỹ Sơn vẫn chưa cải thiện được đời sống nhân dân địa phương kiểu như ở Hội An. Các dịch vụ như lưu trú, ẩm thực, giải trí chưa có.

Sắp tới, huyện Duy Xuyên sẽ tập trung khôi phục một số làng nghề truyền thống như chiếu cói An Phước, trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa Đông Yên, gốm sứ La Tháp nhằm lồng ghép công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn vào trong cộng đồng dân cư địa phương, ông Hường nói./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục