Kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh

Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn, đón nhận Bằng Di tích Quốc gia đặc biệt, được tổ chức sáng 16/5, ở Hà Nội.
Kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh ảnh 1Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư  Lê Hồng Anh phát biểu tại buổi lễ. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Sáng 16/5, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng đã tổ chức Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh-Ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5) và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng gửi lẵng hoa chúc mừng ngày Truyền thống Bộ đội Trường Sơn.

Đọc diễn văn kỷ niệm, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị nêu rõ: Cách đây 55 năm, thực hiện Nghị quyết Trung ương 15, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết đinh tổ chức tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn. Ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” mở đường, vận chuyển hàng quân sự chi viện cho miền Nam; tổ chức đưa, đón cán bộ, bộ đội, chuyển công văn, tài liệu từ Bắc vào Nam và từ Nam ra Bắc.

Lực lượng ban đầu gồm 500 cán bộ, chiến sỹ được tổ chức thành Tiểu đoàn giao liên vận tải 301, lấy sức người vận chuyển hàng trên những đường mòn nhỏ hẹp, “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng;” chủ động tránh địch để bảo toàn lực lượng, bảo đảm “Tuyệt đối bí mật và an toàn” của tuyến đường.

Sau nửa năm thành lập, vừa tổ chức xây dựng lực lượng, vừa soi lối mở đường, đặt trạm cũng như vận chuyển vũ khí, trang bị, đưa cán bộ, chiến sỹ vào Nam chiến đấu, đến cuối năm 1959, tuyến giao liên vận tải quân sự Trường Sơn đã trở thành cầu nối giữa hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa với chiến trường miền Nam. Với chân lý sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một,” “Không có gì quý hơn độc lập tự do,” cả nước đã đứng lên “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.”

Với khí phách “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước,” hàng chục vạn cán bộ, chiến sỹ, đồng bào đã vượt qua Trường Sơn hùng vĩ để tới chiến trường. Sự đánh phá ác liệt của kẻ địch cùng với khí hậu khắc nghiệt nơi núi rừng Trường Sơn, Đường Trường Sơn trở thành nơi thử thách, tôi luyện ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, trí thông minh, ý chí sắt đá của bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến. Từ lực lượng nhỏ bé ban đầu, Bộ đội Trường Sơn đã trưởng thành nhanh chóng, trở thành lực lượng hiệp đồng binh chủng trên quy mô lớn, một hướng chiến trường tổng hợp, đáp ứng sự lớn mạnh của các hướng chiến trường.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: Suốt 16 năm chiến đấu ác liệt, gian khổ, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Trường Sơn luôn nắm vững tư tưởng cách mạng tiến công, chủ động, sáng tạo, mưu trí, dũng cảm, không hề chùn bước trước mọi khó khăn, gia khổ, ác liệt. Cả Trường Sơn sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Lực lượng nào, đơn vị nào cũng có sự tích anh hùng. Con đường nào, địa danh nào cũng là mảnh đất rực lửa chiến công.

Đặc biệt, vừa chiến đấu, vừa xây dựng lực lượng, nêu cao ý chí tự lực tự cường, mưu trí sáng tạo, bám sát thực tiễn, Bộ đội Trường Sơn càng chiến đấu càng trưởng thành vững chắc, trở thành một lực lượng “Gang thép,” một tập thể anh hùng, hoàn thành trọn vẹn và đặc biệt xuất sắc sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân giao phó; thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến, góp phần quan trọng làm thay đổi so sánh lực lượng và cục diện chiến trường, với những điểm mốc quan trọng là thắng lợi cua cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Chiến thắng đường 9-Nam Lào, cuộc Tổng tiến công 1972, đặc biệt là đỉnh cao thắng lợi huy hoàng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mùa Xuân 1975-Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Bằng sự cống hiến, hy sinh to lớn, Bộ đội Trường Sơn đã lập nên kỳ tích anh hùng, con đường huyền thoại, là một trong những nhân tố quyết định đem lại sự toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam.

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị khẳng định: Xây dựng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là một quyết định sáng suốt của Đảng và Bác Hồ; là sự chỉ đạo tài tình của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đường Hồ Chí Minh là hiện thân của ý chí sắt đá, lòng quả cảm, trí thông minh, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân Việt Nam. Đường Trường Sơn là một sáng tạo chiếc lược độc đáo, biểu tượng sáng ngời về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân, sự tài tình và sáng tạo của Đảng ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Sau giải phóng, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, nhiều đơn vị của Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ khác, Binh đoàn 12 được thành lập trên cơ sở lực lượng lầm cầu đường Trường Sơn, với nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng. Nối tiếp truyền thống Bộ đội Trường Sơn anh hùng, cán bộ, chiến sỹ Binh đoàn 12 lại có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ, các địa bàn chiến lược, vùng sâu vùng xa, trên khắp mọi miền của đất nước.

Binh đoàn 12 đã đảm nhận xây dựng hàng trăm công trình lớn và quan trọng, có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế và củng cố quốc phòng an ninh. 55 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sỹ Bội đội Trường Sơn-Binh đoàn 12 đã phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng; tích cực, chủ động, năng động sáng tạo trong lao động sản xuất và đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chúc mừng các chiến công, thành tích xuất sắc của Bộ đội Trường Sơn, Binh đoàn 12 thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn trong suốt 55 năm qua và đứng trước những yêu cầu nhiệm vụ mới của đất nước, ông Lê Hồng Anh, Thường trực Ban Bí thư đề nghị: Cán bộ, chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và Binh đoàn 12 nói riêng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhận rõ tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng, Quân đội, đơn vị; tập trung xây dựng Quân đội Nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Cán bộ, chiến sỹ Quân đội Nhân dân Việt Nam nói chung và Binh đoàn 12 nói riêng cần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” bảo đảm cho Quân đội Việt Nam là lực lượng chính trị, lực lượng cách mạng, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Đối với Binh đoàn 12 thuộc Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn ngày nay, là đơn vị kinh tế quốc phòng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế; tập tập xây dựng tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, xây dung đơn vị vững mạnh toàn diện. Binh đoàn 12 phải lấy sản xuất kinh doanh có hiệu quả là nhiệm vụ hàng đầu, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả chính trị-xã hội, luôn nêu cao ý thức trách nhiệm đối với việc giữ gìn và tăng cường tiềm lực quốc phòng, đáp ứng yêu cầu của một Binh đoàn Công binh chiến lược cầu đường.

Binh đoàn 12 tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, xây dựng lực lượng chuyên môn giỏi, tay nghề cao, đầu tư đổi mới thiết bị và công nghệ hiện đại, phấn đấu xây dựng Tổng công ty thành một doanh nghiệp mạnh, có sức cạnh tranh cao trong cơ chế thị trường và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong mọi tình huống.

Tại buổi lễ, ông Lê Hồng Anh trao Huân chương Quân công hạng Nhất tặng Binh đoàn 12, đã có thành tích đặc biệt xuất sắc trong xây dựng quân đội, củng cố quốc phòng, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Xã hội chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh tặng Binh đoàn 12 và 11 tỉnh: Nghệ An, Hà Tình, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Kom Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục