Kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam: Ký ức hang Khì

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng vụ sập hang Khì khiến hơn 30 người hy sinh vẫn ở trong tâm trí nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Toán.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng sự kiện sập hang Khì khiến hơn 30 người hy sinh xảy ra sáng 28/4/1966 như vẫn còn in nguyên trong tâm trí người nữ thanh niên xung phong Nguyễn Thị Toán, thôn Bạch Xá, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên (Hà Nam).

Mặc dù đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nay bà Toán cũng đã gần 70 tuổi nhưng bà vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm mình vô tình được cứu sống như thế nào trong cái ngày định mệnh đó, khi một mình bà sống, quanh bà toàn là xác của các đồng đội chỉ ít phút trước còn cười nói vui vẻ với nhau.

Trong ngôi nhà nhỏ thuộc thôn Bạch Xá những năm gần đây nổi lên nhờ nghề nuôi rắn xuất khẩu vốn dĩ ồn ào, tấp nập cạnh Quốc lộ 1A, bà Toán có những giờ phút bình lặng, nhìn xa xăm tưởng nhớ về một thời thanh niên với khí thế sôi sục đi đánh Mỹ cứu nước.

Trong tâm trí của bà, giờ đây có những lúc nhớ, lúc quên, nhưng những hình ảnh thời kỳ tham gia thanh niên xung phong hào hùng ngày nào vẫn còn in đậm. Đặc biệt là cái ngày định mệnh đã cướp đi hơn 30 đồng đội của bà thì bà không bao giờ quên, mỗi khi bà hồi tưởng và kể lại cho con cháu nghe có niềm tự hào, nhưng lại chất chữa nỗi buồn vô hạn.

Bà Toán tham gia thanh niên xung phong cuối năm 1965, khi đó bà còn là cô gái mới 20 tuổi với nhiệm vụ ban đầu là phục vụ tại ga Núi Gôi (Nam Định), một thời gian sau bà được phân công vào nhận nhiệm vụ tại Đội 24 C271 phục vụ tại mỏ đá Hoàng Mai, xã Quỳnh Thiện, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An với nhiệm vụ san lấp hố bom, san đường, đảm bảo cho các chuyến xe vận tải vào Nam.

Chỉ vài ngày sau khi nhận nhiệm vụ mới, khi còn chưa thuộc hết tên của các đồng đội thì 32 người đã phải nằm lại nơi chiến trường.

Bà Toán nhớ khoảng 10 giờ sáng 28/4/1966, khi đang làm nhiệm vụ thì có hiệu lệnh báo động máy bay Mỹ bắn phá dữ dội, liền lúc đó mọi người chạy vào hang Khì gần đó ẩn nấp thì bất chợt có một quả tên lửa nhằm rơi trúng cửa hang phát ra một quầng lửa dữ dội, khói bay mù mịt, đất đá bắn tung tóe ập xuống mấy chục người đang trú ẩn.

Ngay sau tiếng nổ lớn cửa hang bị bịt kín tạo thành bức vách ngăn cách giữa bên ngoài là những tiếng máy bay gào thét, những tiếng bom đạn được lính Mỹ xả xuống, còn bên trong hang là những tiếng gào thét, khóc lóc lẫn lộn trong bóng tối.

Sau này bà Toán mới được các đồng đội kể lại cho nghe chi tiết về cái ngày hãi hùng đó, rằng sau khi cửa hang bị sập, máy bay Mỹ vẫn bắn phá ác liệt cả ngày hôm đó khiến cho công tác cứu hộ vô cùng vất vả chỉ với xẻng và búa chim.

Đến tận chiều tối khi có lực lượng chi viện đến hỗ trợ thì một đường thông vào hang mới được mở ra, ập vào mắt mọi người là một cảnh tượng thật đau đớn, thương tâm, có người vào cứu hộ đã ngất lịm khi phải chứng kiến 33 thi thể nằm ngổn ngang, nhiều người bị đất, đá đè không còn nhận ra được nữa.

Bà Toán và các đồng đội khác được đưa vào hòm dã chiến để mai táng, công việc này chỉ được thực hiện vào ban đêm khi ngớt tiếng đạn bom. Những người chôn cất các đồng đội không thể cầm được nước mắt khi phải nhìn 33 chiếc quan tài nằm xếp hàng trước mắt.

Sau khi chôn cất một số người thì họ nghỉ để uống nước, đó cũng là thời khắc bà Toán được trở lại với cuộc sống. Bởi những người cứu hộ tưởng bà đã chết và đặt vào một chiếc hòm dã chiến, thực chất bà chỉ bị thương và ngất đi vì sức ép của tên lửa nổ.

Bà Toán cho biết: "Khi tỉnh dậy tôi rất yếu và khát nước, lúc đó thấy tối om như mực, chỉ biết ú ớ gọi ai đó cho uống nước. Thật may là các đồng đội của bà ngồi gần đó nghe thấy tiếng kêu và đưa bà ra khỏi hòm. Vì bị thương nặng với các vết thương ở đầu, lưng, gối, chân, mất 35% sức khỏe nên bà được đưa ra chữa trị tại Hà Nội và trở về quê hương sinh sống."

Ngồi lật giở từng bức ảnh lưu niệm khi chụp cùng các đồng đội và người thân của các liệt sỹ khi trở lại chiến trường xưa, thăm lại hang Khì, nay gọi là hang Hỏa Tiễn đã được công nhận di tích quốc gia năm 2011, bà Toán không cầm được nước mắt.

Trong câu chuyện nói với chúng tôi, đôi lúc bà đã nghẹn lại không nói nên lời khi ký ức xưa cứ ùa về, bà nhớ đến những đồng đội cùng chiến đấu với đã mãi phải nằm lại nơi chiến trường khi họ còn quá trẻ, đều ở lứa tuổi 19 đôi mươi./.

Đức Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục