“Kỳ quan 3G” ở Thổ Chu- đảo cực Tây Nam Tổ quốc

Trạm phát 3G thuộc loại đặc biệt dành cho biển đảo, với công suất cực lớn, có khả năng phủ trong vòng bán kính 100 km nên ngay cả ngư dân xung quanh Thổ Chu cũng có thể sử dụng.
“Kỳ quan 3G” ở Thổ Chu- đảo cực Tây Nam Tổ quốc ảnh 1Nằm ở vị trí cao 230 m so với mực nước biển, trạm 3G đặc biệt này được coi là nóc nhà Thổ Chu.

Trạm phát sóng cao 72 m, chỉ riêng khung thép đã nặng tới 60 tấn,được xây cao so với mực nước biển 230 m.“Kỳ quan 3G” trở thành nóc nhà của đảo Thổ Chu – hòn đảo cực Tây Nam Tổ quốc cách đất liền tới 220 km.

Theo bảng ghi nhớ tại công trình, trạm viễn thông cao 72 m, tọa lạc tại một cao điểm nổi bật của Thổ Chu (230 m so với mực nước biển).Công trình được khởi công từ 10/12/2011 và phải đến 28/4/2014 mới hoàn thành.

Thượng tá Dương Đức Mười, Trung đoàn trưởng trung đoàn 152 bảo vệ quần đảo Thổ Chu, người hỗ trợ khá nhiều cho việc xây dựng các trạm thu phát tín hiệu viễn thông của Viettel tại đây tiết lộ: “Theo kế hoạch, Viettel có 3 tháng để hoàn thành các trạm viễn thông này nhưng thực tế khác rất xa”.

Kể lại một vài chi tiết về quá trình hỗ trợ Viettel trong khi xây dựng, thượng tá Mười cho biết, Trung đoàn 152 giúp nơi ăn, chỗ nghỉ cho các nhân công được tuyển từ đất liền ra xây dựng trạm. Riêng máy móc thiết bị có trọng lượng quá lớn và xe tải trọng lớn không thể lên được nơi dựng trạm nên thiết bị được tháo rời ra và mang lên bằng sức người, sau đó mới ráp lại.

Trong khi đó, Phó Giám đốc Viettel Kiên Giang tiết lộ, chỉ riêng phần kinh phí thiết bị trạm đã lên đến hàng chục tỷ đồng. Khi đúc móng cho trạm, Viettel phải cùng các kỹ thuật kiên cố hóa nhất để tránh gió bão của đại dương, gấp 3 lần các trạm thông thường trong đất liền.

“Đúc bê tông cho móng trạm phải đục đá tảng sâu tới 2,7 m và chỉ riêng phần đục đá này đã mất 6 tháng rồi”, anh Phan Văn Tế - Trưởng phòng Hạ tầng chi nhánh Viettel Kiên Giang tiết lộ.

“Kỳ quan 3G” ở Thổ Chu- đảo cực Tây Nam Tổ quốc ảnh 2Trạm 3G của Viettel trên đảo Thổ Chu cao 72 m, chỉ riêng khung thép nặng hơn 60 tấn và nằm ở vị trí cao nhất của đảo tiền tiêu. Ảnh: Nguyễn Quân.

Trạm phát 3G thuộc loại đặc biệt dành cho biển đảo, với công suất cực lớn, có khả năng phủ trong vòng bán kính 100 km nên ngay cả ngư dân xung quanh Thổ Chu cũng có thể sử dụng.

Trạm này giúp 3G của Viettel có vùng phủ rộng nhất, tốt nhất tại đảo tiền tiêu.Sau khi hoàn thành, trạm này được coi là “nóc nhà của Thổ Chu” (do nằm ở vị trí cao nhất của đảo). Có người gọi đùa đây là “kỳ quan 3G” bởi cũng chưa ai nghĩ có thể dựng thành công một trạm 3G “khủng” như vậy ở vị trí cao nhất của hòn đảo tiền tiêu.

Ngoài cùng phủ sóng 3G rộng, một điểm khiến “nóc nhà” của Thổ Chu đặc biệt hơn là có nhân viên kỹ thuật túc trực thường xuyên. Tại đây, Viettel là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có chuyên viên kỹ thuật trực chiến 24/24h.

“Viettel đã cử hẳn 1 nhân viên kỹ thuật ở địa bàn Phú Quốc qua Thổ Chu để trực chiến. Mỗi nhân viên sẽ trực 3 tháng tại đây và xoay vòng, nhằm đảm bảo các sự cố được khắc phục nhanh nhất cũng như các điểu chỉnh sẽ được cập nhật tức thời. Nhân viên trực tại đảo xa sẽ có thêm phụ cấp cho những ngày đằng đẵng trên núi cao của mình”, ông Nguyễn Minh Chí, Phó Giám đốc Viettel Kiên Giang tiết lộ.

Nhờ có trạm phát sóng biển đảo với công suất cực lớn, vùng phủ có thể lên tới 100 km, sóng di động và 3G trên đảo và vùng biển lân cận đã không bị gián đoạn như trước. “Mạng tốt và sóng 3G ổn định cũng giúp cho nhân dân trên đảo an tâm làm ăn, sinh sống, cải thiện đời sống văn hóa của cán bộ chiến sĩ trên đảo và phục vụ cứu nạn, bảo vệ đảo," ông Mười khẳng định.

Không giống như các trạm 3G thông thường, “nóc nhà Thổ Chu” xây xong chỉ phục vụ cho một cộng đồng nhỏ hơn 2.000 dân và chiến sĩ trên đảo cùng các tàu cá qua lại. “Đứng về bài toán kinh doanh, đây không phải là khoản đầu tư thu lợi hiệu quả, nhưng chúng tôi xác định đó là một nhiệm vụ quan trọng phục vụ cộng đồng, phục vụ quốc gia”, ông Chí chia sẻ. Vị lãnh đạo này thông tin thêm, một trạm ở đất liền chi phí thấp hơn rất nhiều (hơn 5 lần) có thể phục vụ hơn 10.000 người.

“Từ tháng 7 tới đây, chúng tôi sẽ cho đường truyền Internet tốc độ cao ra đảo Thổ Chu, với trạm mới được dựng chúng tôi sẽ sử dụng sóng Viba để đảm bảo Internet thông suốt”, ông Hoàng Văn Hùng, Giám đốc Trung tâm Viettel Phú Quốc chia sẻ. Với 2 trạm tín hiệu ở 2 cao điểm tốt ở 2 phía của đảo, Viettel đảm bảo kéo gần hơn đảo cực Tây Nam tổ quốc về phía đất liền, để người dân không có cảm giác mình ở nơi đầu sóng ngọn gió, cách trở mọi người./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục