Kỵ sĩ cô độc: Xem Johnny Depp hóa thân thành da đỏ

"The Lone Ranger" là một  bộ phim xuất sắc về hình ảnh, âm thanh nhưng chỉ đạt mức trung bình khá về mặt nội dung.
Cách đây đúng 10 năm, đạo diễn Gore Verbinski cùng Johnny Depp đã tái sinh niềm đam mê của khán giả với cụm từ "cướp biển" thông qua loạt phim đình đám "Pirates of the Caribbean". Giờ đây, cặp bài trùng này đã cho trình làng "The Lone Ranger" (tựa Việt là Kỵ sĩ cô độc) nhằm làm sống dậy các bộ phim miền viễn Tây. Tuy nhiên, qua những gì phim đã thể hiện cũng như doanh thu tại phòng vé Bắc Mỹ, có thể nói giấc mơ đó chưa thể trở thành hiện thực. Bối cảnh phim được đặt tại Colby, Texas năm 1869, thời điểm mà những cuộc đấu tranh giữa cảnh sát với thổ dân da đỏ hay những tên cướp cưỡi ngựa vẫn là chuyện xảy ra như cơm bữa. Nhân vật chính trong phim là chàng luật sư trẻ John Reid (Armie Hammer thủ vai), người trở về sau thời gian dài học tập với mơ ước đem tới công lý cho quê hương. Nhưng chào đón anh ngay từ chuyến tàu về nhà đã là bạo lực: một toán du thủ du thực tấn công tàu để cướp của hành khách và giải cứu tên du đãng khét tiếng Butch Cavendish (William Fitchner). Do tuân thủ nguyên tắc "bất bạo lực" mà John đã vô tình giúp Butch thoát khỏi tay một người thổ dân kì quái có tên Tonto (Johnny Depp). Bị Butch cùm tay lại sau đó, John cùng Tonto may mắn thoát khỏi toa tàu nhờ được cảnh sát Dan Reid (James Dale) giải cứu. Người hùng này không chỉ là anh trai của John mà còn là người đứng đầu nhóm kỵ sĩ bảo vệ thị trấn Colby. Ngoài ra, anh còn là chồng của nàng Rebecca (Ruth Wilson), tình yêu thời trẻ của chính John. Chính tầm quan trọng ấy đã khiến Dan cùng đội kỵ sĩ bị Butch ám hại còn John thì suýt thiệt mạng. Chàng luật sư ấy được cứu nhờ Tonto, khi một đấng linh thiêng nào đó mách bảo cho gã thổ dân "tưng tửng" này John chính là vị chiến binh vĩ đại sẽ giúp anh tìm và tiêu diệt được "ác quỷ" Butch. Hai con người với văn hóa, xuất xứ và tính cách hoàn toàn trái ngược nhau ấy đành lên đường truy tìm Butch và khởi đầu cho một huyền thoại miền viễn Tây... Những năm gần đây, vẫn có những bộ phim lấy đề tài viễn Tây thành công như "Django Unchained", "3:10 to Yuma" hay "True Grit", tuy vậy không bộ phim nào trong số đó có sự đầu tư lớn như "The Lone Ranger". Với kinh phí sản xuất khoảng 250 triệu USD cùng 175 triệu USD để quảng bá phim, đây là một trong những bộ phim giàu tham vọng và cũng phải chịu nhiều sức ép nhất năm 2013. Và điều tệ nhất đã xảy ra với hãng Disney, khi đưa con tinh thần này trở thành "quả bom xịt" dịp cuối tuần qua tại phòng vé Bắc Mỹ. Công bằng mà nói, "The Lone Ranger" hoàn toàn không phải một bộ phim tệ mà trái lại, nó còn rất giải trí với các tình huống hài hước hay màn hành động đỉnh cao ở cuối phim. Tuy vậy, thời lượng tương đối dài (gần 2 tiếng rưỡi), đề tài ít hấp dẫn khán giả hiện đại cùng việc khởi chiếu cùng thời điểm với "Despicable Me 2" đã báo hại nhà sản xuất Jerry Bruckheimer. Vấn đề của "The Lone Ranger" nằm ở chỗ: diễn viên phụ che mờ diễn viên chính, từ tên tuổi cho tới khả năng diễn xuất. Là một ngôi sao hạng A của Hollywood, Johnny Depp quá dễ dàng hóa thân vào gã thổ dân Tonto kì quặc. Đội một con quạ chết trên đầu, hóa trang kín mặt trong cả phim, Tonto chính là nhân vật đáng nhớ nhất trong "The Lone Ranger". Anh chàng da đỏ này còn gây ấn tượng bởi phong cách hài hước từ điệu bộ cho tới các câu nói, hành động. Tuy nhiên, người xem vẫn thấy nguyên bóng dáng nhân vật Jack Sparrow trong loạt phim cướp biển - nhân vật để đời của Depp. Việc thiếu biến hóa có lẽ cùng là một phần khiến khán giả Bắc Mỹ ít hứng thú với bom tấn mới của tài tử rất được ưa thích này. Trong khi đó, nhân vật Lone Ranger của diễn viên trẻ Armie Hammer lại không có nhiều dấu ấn như kỳ vọng, ngay cả khi anh đã mang lên mình chiếc mặt nạ trứ danh. Việc ôm đồm nhiều tham vọng trong kịch bản khiến cá tính của những nhân vật phụ trở nên nhạt nhòa, thậm chí cả kẻ phản diện Cavendish cũng không quá "đáng ghét" trong mắt khán giả.
Kỵ sĩ cô độc: Xem Johnny Depp hóa thân thành da đỏ ảnh 1
The Lone Ranger có kinh phí lên tới 250 triệu USD với nhiều đại cảnh hùng vĩ (Nguồn: MS)
Tuy nhiên, nếu kiên nhẫn trước nhiều đoạn dài lê thê thì đây vẫn là một bộ phim phiêu lưu thú vị, với hình ảnh và âm nhạc hoàn hảo. Phong thái "tưng tửng" của Depp đem tới nhiều tràng cười cho khán giả, còn những nút thắt trong kịch bản cũng dẫn tới một cuộc chiến thiện - ác rất giải trí ở khúc cuối. Mức đầu tư khổng lồ đem tới những cảnh quay tuyệt đẹp trên sa mạc hay khi những người hùng cưỡi ngựa chiến đấu, trong khi phần nhạc nền của Hans Zimmer luôn là sự đảm bảo cho mọi tác phẩm điện ảnh. Đặc biệt là trong trường đoạn hấp dẫn ở 10 phút cuối, tiếng nhạc tràn đầy hưng phấn mà thiên tài người Đức này đem tới cực kỳ phù hợp với chủ đề miền viễn Tây và cảnh hành động trong phim. "The Lone Ranger" có lẽ sẽ được ưa thích hơn nếu có thêm nhiều cảnh như vậy và bớt đi một số cảnh phim dài không cần thiết. "The Lone Ranger" là một huyền thoại văn hóa của Mỹ trong thế kỉ 20, tuy vậy mức đầu tư hoành tráng của lần đầu xuất hiện trong thế kỉ 21 cho nhân vật này lại chỉ đem lại một bộ phim xuất sắc về hình ảnh, âm thanh và trung bình khá về mặt nội dung. Có lẽ, đây vẫn chưa phải thời điểm để kỵ sĩ cô độc cùng Tonto cất bước rong ruổi, chinh phạt mọi rạp chiếu như Disney từng hy vọng./.
The Lone Ranger (tựa Việt là Kỵ sĩ cô độc)

Đạo diễn: Gore Verbinski
Diễn viên: Johnny Depp, Armie Hammer
Thể loại: Phiêu lưu, Hành động
Thời lượng: 149 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 12/7


Trailer phụ đề tiếng Việt của Kỵ sĩ cô độc:

Thịnh Joey (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục