Kỳ thi hai trong một: Chủ trương đúng, nhưng thực hiện lúng túng

Mặc dù có nhiều than phiền trong việc xét tuyển đại học, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, xét một cách công tâm, phải thừa nhận những định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng.
Kỳ thi hai trong một: Chủ trương đúng, nhưng thực hiện lúng túng ảnh 1Thí sinh xem điểm trúng tuyển dự kiến tại Đại học Kinh tế quốc dân. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Mặc dù có nhiều than phiền trong việc xét tuyển đại học, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, xét một cách công tâm, phải thừa nhận những định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng. 

Hướng đi đúng

Việc tổ chức một kỳ thi trung học phổ thông với điểm số sử dụng cho hai mục đích, vừa xét tốt nghiệp, vừa xét tuyển đại học, Bộ hướng đến nhằm giảm áp lực và tốn kém cho thí sinh, xã hội. Ông Lê Hữu Lập, trường Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông nhận định: “Tổ chức thi chung là tiến bộ.”

Phân tích cụ thể hơn, ông Trịnh Minh Thụ, Phó hiệu trưởng trường Đại học Thuỷ lợi, với 38 cụm thi liên tỉnh và 63 cụm thi tại các địa phương, mục tiêu giảm tốn kém và áp lực đã đạt được rõ rệt khi khâu tổ chức đã giảm từ bốn kỳ thi (thi tốt nghiệp và 3 đợt thi đại học, cao đẳng) xuống chỉ còn một kỳ thi duy nhất.

Một bộ phận thí sinh có thể vất vả hơn, chẳng hạn các thí sinh chỉ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trước đây có thể thi ngay tại trường, nay phải đến trung tâm huyện; các thí sinh thi ở cụm bên tỉnh bạn vẫn phải đi xa. Tuy nhiên, nếu xét trên tổng thể, đa số thí sinh thuận lợi hơn với cách bố trí cụm thi này.

Trong xét tuyển đại học, việc cho thí sinh đăng ký sau khi biết điểm, các trường cập nhật thông tin thí sinh đã đăng ký theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp, đưa điểm chuẩn dự kiến, giúp thí sinh theo dõi và có căn cứ để quyết định chọn trường tương ứng với điểm số.

Thí sinh có nhiều nguyện vọng, được rút hồ sơ xét tuyển, đã giúp cho các thí sinh nếu trượt ở trường này có thêm cơ hội để đỗ vào trường khác ngay trong vài ngày thay vì phải chờ đợi một năm để thi lại như trước đây.

Bản thân khá mệt mỏi và có nhiều bức xúc trong cách tổ chức xét tuyển nguyện vọng một của Bộ, nhưng ông Lê Quốc Hạnh, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Hà Nội cho rằng, cũng phải thừa nhận những mặt tích cực. “Có thể khi mình mệt mỏi quá, mình thấy toàn màu xám. Phải xét một cách công tâm hơn,” ông Hạnh chia sẻ.

“Tôi cho rằng quan điểm của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận về việc thí sinh phải tự chủ, tự cân đo, tính toán để đưa ra quyết định chọn trường là đúng ở chừng mực nào đó. Chúng ta thường đã o bế, chăm chút các em nhiều quá, đến tận lớp 12 vẫn không biết định hướng được nghề nghiệp, tính toán để lựa chọn, định hướng bản thân,” ông Hạnh nói.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí, Đại học Giao thông vận tải, cách xét tuyển này tuy mới ở Việt Nam nhưng thế giới đã làm từ rất lâu. “Con tôi đăng ký vào một trường đại học ở Pháp và cũng phải canh điểm như vậy,” ông Long nói.

Kỳ thi hai trong một: Chủ trương đúng, nhưng thực hiện lúng túng ảnh 2Định hướng của Bộ được đánh giá là đúng, nhưng khi thực hiện không đạt được mục tiêu giảm áp lực, giảm tốn kém cho thí sinh và phụ huynh. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Thực hiện kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng”

Mặc dù chủ trương, định hướng của Bộ Giáo dục và Đào tạo là đúng, nhưng trên thực tế triển khai lại xảy ra nhiều sự cố khiến những áp lực, tốn kém tưởng giảm mà không giảm.

Trong số các nguyên nhân như thời gian quá dài, đến 20 ngày, thí sinh có quá nhiều nguyện vọng, vấn đề cốt lõi nhất theo lãnh đạo các trường đại học là ở phần mềm tuyển sinh, Bộ chưa lường hết các vấn đề, dẫn đến xử lý kiểu “vừa chạy vừa xếp hàng.”

Sự cố đầu tiên là việc hệ thống thông tin tra cứu điểm của Bộ hoàn toàn tê liệt trong nhiều giờ liền chiều 22/7, khi Bộ bắt đầu công bố điểm thi trung học phổ thông. Nguyên nhân do hệ thống internet của Bộ chỉ đáp ứng được 60.000 lượt truy cập nhưng Bộ lại có ý định độc quyền công bố điểm của hơn một triệu thí sinh.

Trong đợt xét tuyển đại học nguyện vọng một, tiếp tục lặp lại sự lúng túng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự thiếu đồng bộ của phần mềm tuyển sinh.

“Một kỳ tuyển sinh quan trọng nhưng phần mềm không ổn định ngay từ đầu mà vừa chạy Bộ vừa hoàn thiện dần trong quá trình sử dụng,” ông Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, cho biết.

Ví dụ, khi hàng nghìn thí sinh, phụ huynh phải "cơm đùm cơm nắm" lên tận các trường đại học để rút hồ sơ, Bộ mới thấy những bất cập của quy định phải rút hồ sơ trực tiếp. Ngày 12/8, Bộ “chữa cháy” bằng cách đưa ra quy định thí sinh có thể đăng ký rút hồ sơ xét tuyển tại các sở giáo dục đào tạo và các trường trung học phổ thông do sở quy định. Phần mềm khi đó mới có thêm nội dung cập nhật từ các sở.

Tuy nhiên, do quy định mới và lạ nên không tạo được sự tin tưởng của phụ huynh và thí sinh vì đây là kỳ tuyển sinh quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách của các em. Thí sinh, phụ huynh vẫn kéo đến trường, gây quá tải.

Chưa kể, các cán bộ ở địa phương do chưa được chuẩn bị, tập huấn kỹ nên lúng túng, gây phiền hà cho thí sinh và các trường đại học.

Phần mềm của Bộ cũng không có chức năng lọc ảo, dẫn đến một thí sinh nếu điểm cao và có bốn nguyện vọng thì có thể xuất hiện trong danh sách đỗ của cả bốn ngành, chiếm chỗ của ba thí sinh khác.

Thí sinh Phạm Minh Công (Nam Định) cho biết, em phải ngồi tự dò các bạn đã trúng tuyển dự kiến nguyện vọng một ở ngành Công nghệ thông tin của Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông, đối chiếu với hàng trăm thí sinh của ngành An toàn thông tin và nhận thấy có khoảng 200 bạn trùng lặp.

“Với 200 thí sinh đỗ ảo, điểm chuẩn dự kiến tăng lên vài điểm, tương ứng với đó là khoảng 200 thí sinh trượt ảo,” Công cho biết.

“Để khắc phục lọc ảo, tôi đã đặt hàng Khoa công nghệ thông tin của trường một phần mềm riêng. Tôi cho rằng việc đăng ký, rút hồ sơ của thí sinh hoàn toàn có thể làm online, sẽ đỡ vất vả hơn rất nhiều cho các em, giống như việc con tôi chỉ cần ngồi ở nhà để đăng ký dự tuyển vào một trường đại học ở Pháp. Nếu sang năm Bộ không làm thì chúng tôi sẽ làm để áp dụng với trường mình,” ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Khảo thí, trường Đại học Giao thông vận tải nói.

Một khoa Công nghệ thông tin của một trường đại học cũng có thể khắc phục được những hạn chế trong phần mềm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng Bộ lại sử dụng một phần mềm có nhiều hạn chế khi Bộ có cả Cục Công nghệ thông tin là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Tuy nhiên, được biết, Cục Công nghệ thông tin của Bộ lại được “ngồi chơi xơi nước”, nằm ngoài hoàn toàn công tác thi cử, tuyển sinh năm nay thay vì phối hợp chặt chẽ với Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng, phụ trách toàn bộ về mặt công nghệ như trong suốt 13 năm Bộ thực hiện kỳ thi tuyển sinh “ba chung”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục