Kỳ thị và phân biệt đối xử - rào cản chính trong điều trị HIV

Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV được coi là rào cản với việc tiếp cận dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV trên thế giới cũng như ở Việt Nam.
Kỳ thị và phân biệt đối xử - rào cản chính trong điều trị HIV ảnh 1Tư vấn xét nghiệm, tầm soát và chẩn đoán viêm gan virus C cho người nhiễm HIV. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV được coi là rào cản với việc tiếp cận dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV trên thế giới cũng như ở Việt Nam.

Thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống với HIV tại Việt Nam vẫn tồn tại ở nhiều mức độ khác nhau ở trường học, gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng gây ảnh hưởng đến quyền sống, lao động, học tập của người nhiễm HIV.


Kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn ở mức cao

Ông Đỗ Đặng Đông, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV Việt Nam, cho biết ở Việt Nam, tiếp theo vòng 1 diễn ra năm 2011, vòng 2 việc nghiên cứu về chỉ số đánh giá mức độ kỳ thị với người sống với HIV được Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV Việt Nam tiến hành vào năm 2014. Qua đó, góp phần tìm hiểu sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà người sống với HIV gặp phải cũng như những thay đổi so với năm 2011.

Đã có 1.625 người tham gia nghiên cứu vòng 2, trong đó có 1.072 người được chọn từ các phòng khám ngoại trú tại năm tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Điện Biên và Hải Phòng.

Kết quả nghiên cứu cho thấy thực hiện quyền của người nhiễm HIV, tỷ lệ người nhiễm HIV và gia đình bị xì xào, bàn tán giảm từ 28,9% vào năm 2011 xuống còn 19,3% vào năm 2014.

Trong số người mới được chẩn đoán, những phản ứng phân biệt đối xử từ bạn bè, hàng xóm và chủ lao động trong lần đầu phát hiện ra tình trạng nhiễm HIV của người được phỏng vấn đã giảm đáng kể từ 30,7% (vòng 1) xuống 7,7% (vòng 2).

Tuy đã có sự thay đổi song các số liệu thu thập được vẫn chỉ ra rằng tỷ lệ các trường hợp bị kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn ở mức cao, đặc biệt trong nhóm phụ nữ mại dâm, người tiêm chích ma túy và nam quan hệ tình dục đồng giới. Cụ thể, bị xì xào bàn tán là một trong các dạng kỳ thị và phân biệt đối xử phổ biến nhất với gần 1/4 người được phỏng vấn từng trải qua tình trạng này; tỷ lệ bị xúc phạm và bị cô lập khỏi các hoạt động xã hội là 5,8%; phụ nữ mại dâm và phụ nữ sống với HIV là các nhóm dễ bị hành hung và nhục mạ. Đặc biệt, khoảng 4,2% người được phỏng vấn cho biết họ đã bị mất việc, thu nhập và 6,7% người bị từ chối việc làm hoặc cơ hội việc làm trong 12 tháng qua; 1,3% người đã phải thay đổi nhà hoặc không được thuê nhà và 1,8% người đã bị từ chối dịch vụ y tế...

Bên cạnh đó, hơn 60% người được phỏng vấn cho biết họ không được thảo luận về kế hoạch điều trị với nhân viên y tế; dịch vụ y tế đối lúc không thân thiện cũng như chưa đảm bảo các qui chuẩn đạo đức; việc tiết lộ thông tin mà chưa được sự đồng ý của người nhiễm HIV vẫn là vấn đề đáng quan tâm...

Ông Đỗ Đặng Đông nhấn mạnh nghiên cứu cho thấy còn nhiều rào cản trong việc hoàn thành mực tiêu mới về tỷ lệ xét nghiệm, điều trị HIV của Việt Nam và mục tiêu toàn cầu về chấm dứt dịch AIDS vào năm 2030.

Mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử cao cũng như thiếu lòng tin về tính bảo mật của kết quả xét nghiệm đã dẫn đến việc nhiều người sống với HIV chỉ đi làm xét nghiệm ở giai đoạn muộn, khi sức khỏe đã suy yếu và có dấu hiệu mắc nhiễm trùng cơ hội. Như vậy, những người nhiễm HIV sẽ khởi đầu điều trị muộn ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân và làm giảm tác dụng dự phòng của điều trị kháng virus...

Chung tay xóa rào cản kỳ thị và phân biệt đối xử

Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết vấn đề kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV không mới nhưng cần quan tâm trong công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Nếu tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV còn tiếp diễn thì Việt Nam sẽ khó thực hiện được mục tiêu 90-90-90 (90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV và 90% người đang điều trị ARV có tải lượng ổn định dưới ngưỡng lây nhiễm).

Tiến sỹ Hoàng Đình Cảnh nhấn mạnh phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV, người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV hoặc nghi ngờ nhiễm HIV.

Kỳ thị người nhiễm HIV là thái độ khinh thường hay thiếu tôn trọng người khác vì biết hoặc nghi ngờ người có nhiễm HIV, vì người đó có quan hệ gần gũi với người nhiễm HIV, bị nghi ngờ nhiễm HIV.

Phó Cục trưởng Hoàng Đình Cảnh khuyến nghị ngành y tế cần tăng cường các hoạt động tiếp cận ở cộng đồng để hỗ trợ người sống với HIV bị kỳ thị và phân biệt đối xử; hỗ trợ việc thành lập và duy trì hoạt động của các nhóm tự lực để giúp họ kết nối và hợp tác với các dịch vụ giảm hại và hòa nhập cộng đồng; thiết lập các đường dây nóng, trung tâm hỗ trợ toàn diện, nhà tạm lánh và hỗ trợ của đồng đẳng với những nạn nhân của bạo lực. Đồng thời, cộng đồng tiến hành các hoạt động giám sát chất lượng dịch vụ và lập bản đồ dịch vụ HIV thân thiện với nam quan hệ tình dục đồng giới. Ngoài ra, ngành y tế cần tổ chức tập huấn về chống kỳ thị với người sống với HIV cho nhân viên y tế và phối hợp với nhóm tự lực nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế...

Ông Đỗ Đặng Đông, Chủ tịch Hội đồng Mạng lưới quốc gia những người sống với HIV Việt Nam, cũng nêu rõ để chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người sống với HIV có hiệu quả, ngành y tế cần có các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao tính bảo mật của kết quả xét nghiệm HIV; tăng cường truyền thông thay đổi hành vi; tăng cường chất lượng dịch vụ chăm sóc y tế đối với người sống với HIV...

Lãnh đạo địa phương cần có những biện pháp đảm bảo việc tuân thủ các qui định pháp lý hiện hành nhằm bảo vệ người sống với HIV, nhất là các quyền được làm việc và học tập, thông qua các biện pháp giáo dục cho cộng đồng và tại các cơ sở làm việc cũng như thông qua việc áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm.

Theo Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp), để tăng cường công tác tư vấn pháp lý cho người nhiễm HIV/AIDS, cần sửa đổi, bổ sung Luật Trợ giúp pháp lý theo hướng qui định rõ người nhiễm HIV/AIDS là một nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý độc lập; tăng cường hoạt động truyền thông và trợ giúp pháp lý lưu động cho người nhiễm HIV/AIDS, đặc biệt tại những nơi tập trung đông đối tượng này như các trung tâm; xây dựng đội ngũ người thực hiện trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV/AIDS. Cục cũng đề nghị ngành y tế và các ngành có liên quan phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện hiện trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV/AIDS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục