Ký ức không thể phai mờ về ngày tổng tuyển cử đầu tiên

Lễ míttinh kỷ niệm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam vào sáng 6/1 đã khơi dậy, đưa người dân Thủ đô quay trở lại những ngày trọng đại của dân tộc.
Ký ức không thể phai mờ về ngày tổng tuyển cử đầu tiên ảnh 1Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam. (Ảnh: Nhan Sáng/TTXVN)

Trong lòng đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954, Chủ nhật ngày 25/4/1976 là một mốc quan trọng với những ký ức không thể phai mờ. Đó là ngày những cử tri này cùng nhân dân ở hai miền Nam, Bắc nô nức cầm trên tay lá phiếu đi bầu cử để lựa chọn những đại biểu ưu tú vào Quốc hội khóa VI - Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.

Trong ngôi nhà số 9 ngõ Phan Huy Chú, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, bà Lê Thị Thu Cúc từ tốn rót nước sôi vào ấm, chuyên trà ra chén rồi cùng ông Bùi Ngọc Hướng thưởng thức hương thơm của chén trà sóng sánh sắc vàng nhạt.

Hai vợ chồng ông Hướng, bà Cúc vốn là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954. Trước khi nghỉ hưu cách đây 25 năm, bà Cúc là bác sỹ Bệnh viện Phụ sản Trung ương và là một trong những chuyên gia y tế xuất sắc của Việt Nam công tác tại Algerie; còn ông Hướng nguyên là cán bộ cấp cao công tác tại Tổng cục Mỏ địa chất.

Lễ míttinh kỷ niệm cấp Nhà nước chính thức đánh dấu chặng đường 70 năm xây dựng, phát triển của Quốc hội Việt Nam trên sóng truyền hình trực tiếp sáng 6/1, dường như khơi dậy, đưa ông Hướng, bà Cúc quay trở lại những ngày trọng đại của dân tộc.

Ông bà chia sẻ thời điểm đó họ còn nhỏ để có thể hiểu hết những ý nghĩa của ngày Tổng tuyển cử đầu tiên cách đây 70 năm (6/1/1946). Song họ đều nghe người lớn nói rằng, đó sự kiện làm thay đổi cả vận mệnh quốc gia, mở ra trang sử mới cho dân tộc, nhất lại diễn ra vào đúng bối cảnh Đà Nẵng sống trong không khí ngột ngạt của thù trong, giặc ngoài, của thực dân Pháp lăm le xâm chiếm Việt Nam một lần nữa.

Như những chia sẻ của bà Cúc, in sâu trong tâm trí bà là lần bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VI, khóa Quốc hội mang tính lịch sử, ghi lại dấu ấn trong lịch sử đất nước. "Với những người con miền Nam ra đi từ cuộc kháng chiến, sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng, non sông nối liền một dải thì sống và làm việc ở Hà Nội để kiến thiết xây dựng đất nước, đó mãi mãi là những ký ức không thể nào quên," bà Cúc xúc động chia sẻ.

Trong trí nhớ của ông Bùi Ngọc Hướng và bà Lê Thị Thu Cúc, sáng Chủ nhật ngày 25/4/1976 thực sự là một ngày hội toàn dân, người dân Hà Nội nô nức đi bỏ phiếu lựa chọn người hiền tài cho đất nước.

Tại những điểm bỏ phiếu đều có những thanh niên hỗ trợ tổ bầu cử, hướng dẫn cử tri thực hiện quyền lợi và nghĩa vụ bầu cử thuận lợi, đúng quy cách. Lực lượng Công an cũng có mặt để hỗ trợ, giữ gìn an ninh trật tự.

Ở trụ sở Bộ Tài chính trên phố Phan Huy Chú - điểm bỏ phiếu của các cử tri phường Phạm Đình Hổ, Phan Chu Trinh (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), ai cũng diện những bộ quần áo đẹp nhất. Lá phiếu trên tay cử tri là niềm tin được gửi gắm và cả sự kỳ vọng vào mỗi đại biểu mà mình chọn lựa. Và cũng có rất đông những thiếu niên, học sinh Hà Nội đến các điểm bỏ phiếu với sự phấn khởi, háo hức và tò mò theo dõi chi tiết xem bầu cử như thế nào, bỏ phiếu như thế nào, chọn người như thế nào, công bố ra sao.

"Cầm trên tay lá phiếu cùng toàn dân hai miền Nam, Bắc đi bầu cử để lựa chọn những đại biểu ưu tú vào Quốc hội khóa VI, xen lẫn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi còn là những xúc động, niềm tự hào về sự thống nhất đất nước sau đằng đẵng những thập niên chiến tranh chia cắt," ông Hướng, bà Cúc bồi hồi nhớ lại.

Không phụ lòng mong mỏi của cử tri và người dân cả nước, cuộc bầu cử đã thành công rực rỡ khi được tiến hành nhanh, gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu trong cả nước đạt 98,77%, cử tri đã lựa chọn và bầu đủ 492 đại biểu với đủ các thành phần công nhân, nông dân, thợ thủ công, cán bộ, quân nhân và nhân sỹ tri thức, tôn giáo. Điều đó đã khẳng định ý chí sắt đá của toàn dân quyết tâm khắc phục khó khăn, xây dựng thành công nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất.

Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa VI đã quyết định đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quyết định chính thức đặt tên thành phố Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh. Sự ra đời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mở đầu cho bước phát triển mới trong quá trình đi lên của đất nước; đến kỳ họp thứ VII đã thông qua Hiến pháp 1980.

Nói về Quốc hội hiện nay, bà Lê Thị Thu Cúc nhận xét Quốc hội Việt Nam giờ đây ngày càng phát triển, đặc biệt việc công khai hoạt động của Quốc hội trước dư luận để người dân tham gia, giám sát đã giúp Quốc hội, đại biểu Quốc hội ngày càng gần dân, hiểu dân, qua đó đã đưa ra những quyết sách đúng đắn trong quá trình lập pháp, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII cũng tạo được niềm tin trong nhân dân khi mỗi dự thảo luật hay chính sách mới được đưa ra bàn thảo, xin ý kiến tại Quốc hội, cũng đã mở ra những cuộc tranh luận, thảo luận rất dân chủ, thẳng thắn, ý kiến đưa ra nhiều chiều.

"Hiện nay, đất nước còn nghèo, cuộc sống còn khó khăn, nhưng đó sẽ là động lực và trách nhiệm, khát vọng để Quốc hội, Chính phủ tiếp tục xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh về kinh tế, tri thức, văn hóa. Đó cũng là bài toán cho mỗi đại biểu Quốc hội của những nhiệm kỳ tới đây dốc sức hơn nữa, đầu tư tâm huyết và thời gian hơn nữa cho sự phát triển của đất nước theo nguyên tắc nhất quán của Hồ Chủ tịch: 'Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích là vì dân, bao nhiêu quyền lực đều là của dân, chính quyền từ xã đến trung ương đều do dân cử,'” bà Lê Thị Thu Cúc nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục