Ký ức người cựu chiến binh về trận chiến tại sân bay Mường Thanh

Ở tuổi 82 nhưng những kỷ niệm về một thời oanh liệt vẫn in đậm trong trí nhớ của cựu chiến binh Hoàng Minh Tuấn người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.
Ký ức người cựu chiến binh về trận chiến tại sân bay Mường Thanh ảnh 1Bộ đội ta vượt qua cầu Mường Thanh, tấn công vào khu trung tâm Điện Biên Phủ. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Trong những ngày tháng 5 lịch sử, chúng tôi có dịp gặp cựu chiến binh Hoàng Minh Tuấn ở số nhà 16 đường Phù Long, phường Trần Tế Xương, thành phố Nam Định (Nam Định) để nghe ông kể về những kỷ niệm trong trận đánh chiếm sân bay Mường Thanh, góp phần làm nên Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của quân và dân Việt Nam...

Ở tuổi 82 nhưng những kỷ niệm về một thời oanh liệt vẫn in đậm trong trí nhớ của người chiến sỹ Điện Biên năm xưa.

Sinh năm 1933, khi 16 tuổi, Hoàng Minh Tuấn được Sư đoàn bộ binh 308 lựa chọn, cử đi học tại Trường Thiếu sinh quân Quảng Tây, Trung Quốc.

Sau 3 năm, ông về nước làm Trung đội phó, Trung đội 4, Đại đội 63, Tiểu đoàn 80, Trung đoàn 36, Sư đoàn bộ binh 308 tham gia chiến đấu trong nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch biên giới (năm 1949-1952), Chiến dịch Tây Nam Ninh Bình (năm 1952), Chiến dịch Thượng Lào (năm 1953). Tháng 2/1954, ông cùng đơn vị tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông Tuấn nhớ lại lúc bấy giờ, có 5 đơn vị là Sư đoàn 312, 308, 316, 304 và 351 cùng tham gia; trong đó Sư đoàn 312 là đơn vị chủ công. Sư đoàn 308 và các sư đoàn khác có nhiệm vụ hỗ trợ đơn vị chủ công trong chiến dịch.

Đơn vị của ông đóng quân ở phía Tây Điện Biên Phủ, có nhiệm vụ đánh lấn và tiêu diệt cứ điểm 505, 505A, 311A, 311B và đào giao thông hào cắt đứt sân bay Mường Thanh, không cho máy bay địch hạ cánh đưa thêm quân và tiếp tế lương thực, vũ khí xuống Điện Biên Phủ.

Xác định sân bay Mường Thanh với vị trí chiến lược đồng thời là con đường tiếp tế cuối cùng nên quân địch cố giữ bằng mọi giá. Cuộc chiến đấu tại đây diễn ra vô cùng ác liệt, ta và địch giành nhau từng tấc đất.

Sân bay Mường Thanh có hình chữ nhật. Đơn vị của ông Tuấn được giao nhiệm vụ đào hầm giao thông từ phía Tây để nối với hầm của các đơn vị khác đào lại từ phía Đông Nam, tạo thành một đường chéo cắt sân bay Mường Thanh thành 2 hình tam giác.

Ngoài trục chính từ Tây sang Đông Nam, các hầm, hào được phát triển theo các nhánh hình xương cá và đào ụ chiến đấu, phòng ngự cố thủ. Quân địch ý thức được rằng, mất sân bay là đồng nghĩa với thất bại liền kề nên đã tập trung hỏa lực đánh phá vào ban đêm nhằm mục đích giành thế chủ động. Trên bầu trời Mường Thanh thời điểm đó không lúc nào ngớt tiếng bom nổ, pháo sáng như ban ngày.

Ông Tuấn kể ông cùng đồng đội lúc này gặp rất nhiều khó khăn vì vừa phải đào giao thông hào vào ban đêm dưới hỏa lực rất mạnh của địch lại vừa chiến đấu, bảo vệ hầm, hào ngăn địch tập trung lực lượng san lấp và chiếm lại. Để giữ vững từng mét hào, từng ụ cố thủ, các anh em trong đơn vị đã anh dũng chiến đấu không quản ngày đêm. Có nhiều ụ phòng ngự phải dùng tới 200 quả thủ pháo, lựu đạn mỗi ngày.

Sáng 22/4/1954, khi sương mù còn dày đặc, pháo binh của ta đã tấn công mạnh vào khu vực hầm chỉ huy và đồi A1. Không nhận được sự hỗ trợ của pháo binh nên địch cố thủ trong trận địa tới gần 10 giờ mới đưa 3 xe tăng, 1 xe ủi đất và bộ binh theo sau lấn dần về trận địa của quân ta ở phía Đông Nam. Gặp sức tấn công mạnh của ta, 1 xe tăng địch bị tiêu diệt, lực lượng bộ binh của chúng tháo chạy tán loạn.

Đúng 13 giờ 45 phút, Đại đội 63 và Đại đội 61 của ta từ các đường trục, đường hầm, ụ cố thủ xông lên truy kích. Nhận thấy không thể kháng cự trước sức tấn công của quân ta nên địch đã rút khỏi sân bay Mường Thanh. Đơn vị của ông Tuấn cùng Sư đoàn 312 đã đẩy lùi 2 tiểu đoàn, bắn cháy 1 xe tăng, phá hủy 1 xe ủi đất, bắt sống 62 tù binh và thu giữ nhiều vũ khí của địch.

Con đường tiếp tế cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với 16.000 binh lính tại khu lòng chảo này đã bị quân ta cắt ra làm nhiều mảnh và vô hiệu hóa. Từ chiều 22/4, quân đội ta đã làm chủ sân bay Mường Thanh cho đến ngày giải phóng Điện Biên Phủ 7/4/1954.

Hơn 60 năm đã trôi qua song mỗi khi nhắc đến câu chuyện về cuộc đời binh nghiệp của mình, những ký ức về Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ và trận đánh chiếm sân bay Mường Thanh, ánh mắt người lính già lại sáng lên rạng ngời.

Về với đời thường, dù tuổi đã cao nhưng mỗi khi có dịp, cựu chiến binh Hoàng Minh Tuấn vẫn cố gắng tham gia các buổi gặp gỡ, giao lưu, kể chuyện lịch sử cho các cháu thiếu niên ở khu phố và học sinh trên địa bàn, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc trong thế hệ trẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục