"Ký ức Trường Sơn" từ nhân chứng lịch sử

Nhân kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890) và 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959), ngày 19/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử với chủ đề "Ký ức Trường Sơn".

Nhân kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890) và 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959), ngày 19/5, tại Hà Nội, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam tổ chức chương trình giao lưu, gặp gỡ nhân chứng lịch sử với chủ đề "Ký ức Trường Sơn".
 
Tại cuộc giao lưu, Đại tá Phan Hữu Đại  - nguyên Chính ủy Bộ Tư lệnh - Sư đoàn ôtô cơ động vận tải quân sự đã kể về những hồi ức   Trường Sơn với nắng hè khét đá, rừng khuya tắt lối, sự khốc liệt của bom đạn cũng như những chiến công huyền thoại, những sự tích anh hùng bởi ông là người trực tiếp chỉ huy trên tuyến đường này.
 
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Viết Sinh khi ấy là cán bộ đơn vị đặc biệt của đoàn 559 với một sức mạnh phi thường, “kỷ lục gia trong 6 năm tham gia bộ đội Trường Sơn, đi bộ gùi thồ hàng với quãng đường bằng một vòng trái đất”, với số hàng nặng lên đến 75kg.
 
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Thị Thu Hiền đã 3 lần được các đồng đội "truy điệu sống"  trước khi xung phong trực tiếp phá bom nổ chậm năm 1971 tại 3 điểm là cổng Bình Quan, sân bay Tà Cơn và tuyến đường từ sân bay Đồng Hới đến Cầu Dài, phà Long Đại, phà Quán Hầu.
 
Cô Bùi Thị Vân - cựu thanh niên xung phong lái xe ôtô với sức vóc thấp bé nhưng đã tình nguyện ra chiến trường để tham gia "Đội nữ lái xe tải Nguyễn Thị Hạnh" chuyên chở hàng hóa chi viện cho chiến trường dọc theo con đường huyết mạch Trường Sơn.
 
Các thanh niên xung phong như cô Hoàng Bích Nhuần - cựu thanh niên xung phong tham gia Đường 20 Quyết Thắng, cô Nguyễn Bích Liên - cựu thanh niên xung phong đoàn văn công "Tiếng hát át tiếng bom" đã mang đến tinh thần phấn khởi, quyết chiến quyết thắng cho những bộ đội Trường Sơn.
 
Cuộc giao lưu cảm động giữa những nhân chứng lịch sử với các sinh viên các trường học viện Quân sự, học viện Báo chí, đại học Văn hóa Hà Nội  đã có giá trị giáo dục lớn lao về lòng yêu nước, bảo vệ và xây dựng tổ quốc với thế hệ trẻ hôm nay./.
 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục