Kỷ vật kháng chiến "trở về" vòng tay thân ái

Mỗi kỷ vật là một câu chuyện cảm động liên quan đến cuộc đời của người viết nên có khả năng thuyết phục, mang tính giáo dục cao.
Sáng ngày 9/4/2010, tại số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội, báo Quân đội Nhân dân và Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã trao giải cuộc thi viết “Những kỷ vật kháng chiến” năm 2009.

Hầu hết các bài viết đều là những câu chuyện chiến đấu lần đầu tiên được công bố, phản ánh lòng yêu nước, tinh thần anh dũng trong chiến đấu, lao động sản xuất của quân và dân Việt Nam ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
 
Kỷ vật được giới thiệu trong những bài viết đã làm rung động trái tim độc giả và đánh thức niềm tự hào dân tộc như: Lời thề giữ chốt bằng máu, nồi chưng cất nước của bộ đội D3 quân tình nguyện Lào, phát hiện mới về mối tình của bác sĩ Đặng Thùy Trâm và nhà báo Vương Thế Hưng…
 
Thiếu tướng Lê Phúc Nguyên, trưởng ban tổ chức cuộc thi cho biết, mỗi kỷ vật được giới thiệu là một câu chuyện cảm động. Ví như sự sáng tạo, trí tuệ, lòng dũng cảm của các chiến sĩ, tình đồng đội, tình quân dân gắn bó… Đây là những câu chuyện liên quan đến cuộc đời của người viết nên có khả năng thuyết phục và mang tính giáo dục cao.

“Dù đây là cuộc thi viết đầu tiên về các kỷ vật kháng chiến nhưng những tác phẩm dự thi có chất lượng tốt, nhiều bài không cần biên tập khi đăng tải,” tướng Nguyên nói.

Xúc động khi được nhận giải thưởng cho bài viết “Tấm bản đồ trận đánh quân đổ bộ đường không”, người đại tá già 90 tuổi Nguyễn Việt Phương đã tâm sự: “Cuộc chiến tranh đã lùi xa, vật tôi giữ mấy chục năm qua để làm kỷ niệm không ngờ khi viết giới thiệu nó lại được giải thưởng.”

Ông cũng mong mỏi, qua cuộc thi, thế hệ trẻ sẽ hiểu hơn về lịch sử ông cha mình để biết trân trọng và ý thức được trách nhiệm của mình với nền độc lập tự do của dân tộc.

Cuộc thi này kéo dài từ ngày 25/6 đến ngày 31/12/2009, thu hút 121 tác phẩm dự thi và hàng chục kỷ vật được hiến tặng.

Theo đó, 16 giải thưởng được trao cho các tác giả, trong đó có một giải nhất trị giá 8 triệu đồng, hai giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, ba giải ba mỗi giải 3 triệu đồng và mười giải khuyến khích, mỗi giải trị giá 1 triệu đồng.

Ngoài ra, ban tổ chức còn tặng thưởng cho hai người có công sưu tầm, hiến tặng nhiều kỷ vật là ông Hồ Ngọc Diệp và ông Trần Thành Công, trị giá mỗi phần thưởng 1 triệu đồng./.

Thúy Mơ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục