Kỳ vọng gì khi các chỉ số tài chính của Yeah1 vượt xa khu vực?

'Đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và luôn có sự thay đổi về công nghệ, rất khó để dự báo kết quả kinh doanh của Yeah1 sau năm 2018.'
Kỳ vọng gì khi các chỉ số tài chính của Yeah1 vượt xa khu vực? ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh, ngành truyền thông phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Song sau khi niêm yết, cổ phiếu YEG (Tập đoàn Yeah1) đã có mức giá giao dịch 321.000 đồng/cổ phiếu (ngày 27/6), khiến các chỉ số tài chính (như EPS - lợi nhuận/cổ phiếu, PER - hệ số giá/lợi nhuận, PS - giá/doanh thu) cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành trong khu vực.


[Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2018 sẽ diễn ra tại Hà Nội]

Điều này cho thấy mức kỳ vọng của giới đầu tư vào YEG đang rất cao và liệu có rủi ro? Để làm rõ hơn vấn đề này, VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Nguyễn Thị Thùy Giang – Phó Giám đốc Phân tích và Tư vấn Đầu tư Khách hàng tổ chức – Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI).

-    Thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh, tuy nhiên mã cổ phiếu YEG - doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông đầu tiên chào sàn HoSE (ngày 26/6) có mức giá khởi điểm khá cao 250.00 đồng/cổ phiếu cùng hai phiên tăng trần liên tiếp, theo bà điều gì làm nên sự khác biệt này?

Bà Nguyễn Thị Thùy Giang: Yeah1 niêm yết 27,37 triệu cổ phiếu trên sàn HoSE có vốn điều lệ mới là 312,8 tỷ đồng, với mức giá đang giao dịch 321.000 đồng/cổ phiếu vốn hóa thị trường của Yeah1 đạt gần 8.800 tỷ đồng và nằm trong top 35 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất tại đây.

Trước đó, Công ty này khởi sự kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông truyền thống, động lực tăng trưởng doanh thu chính của Yeah1 từ quảng cáo trên 3 kênh truyền hình truyền thống.

Song đến thời điểm này, tỷ trọng doanh thu của lĩnh vực truyền thống đã giảm từ mức 100% (năm 2013) xuống còn 43% (năm 2017).

Kể từ năm 2015, hiệu suất lịch sử đã xuất hiện khi Công ty giành được giấy phép MCN (nhà cung cấp dịch vụ - mạng đa kênh) của YouTube. Sau khi cơ cấu kinh doanh chuyển hẳn sang lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số (YouTube) thì tốc độ tăng trưởng kép hàng năm – CAGR của Yeah1 giai đoạn 2015-2017 đã đạt 241%.

Và, chiến lược kinh doanh mới đã giúp lợi nhuận ròng của Công ty có mức tăng trưởng bình quân 37%/năm (trong suốt giai đoạn 2012-2017).

-    Bà đánh giá thế nào về triển vọng kinh doanh của Yeah1 trong thời gian tới?

Bà Nguyễn Thị Thùy Giang: Hiện, Yeah1 đang tập trung phát triển một hệ sinh thái quảng cáo truyền thông tích hợp (bao gồm tất cả các nền tảng, trải rộng từ truyền hình truyền thống sang kỹ thuật số, như YouTube, Google, Facebook). Nguồn doanh thu chính của họ đến từ dịch vụ quảng cáo cho các công ty đa quốc gia (như Unilever, P&G…).

Chiến lược trong 3 năm tới, Yeah1 tiếp tục tập trung vào quảng cáo truyền thông kỹ thuật số, họ đặt kế hoạch tăng trưởng hàng năm từ 57% (năm 2017) lên 68% (năm 2018), 75% (năm 2019) và 80% (năm 2020).

Trên thị trường Việt Nam, Yeah1 được đánh giá là một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực truyền thông với triển vọng hứa hẹn.

Theo số liệu chúng tôi có được, tốc độ tăng trưởng về chi tiêu quảng cáo kỹ thuật số trên toàn cầu dự kiến đạt 13,5%/năm (giai đoạn 2017-2020).

Trong khi tại Việt Nam, quảng cáo kỹ thuật số đang chiếm 18,4% so với tổng thị trường quảng cáo trong nước, đạt dưới mức trung bình toàn cầu là 30%. Điều này cho thấy, Việt Nam có vẻ còn tụt hậu so với các nước khác về lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số.

Do đó, chúng tôi cho rằng, thị trường quảng cáo kỹ thuật số Việt Nam có cơ hội tăng trưởng 25%/năm (giai đoạn 2017-2022) và Yeah1 sẽ có lợi thế cạnh tranh với một hệ sinh thái truyền thông tích hợp.


-    Với các mức giá đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, bà cho biết các chỉ số cơ bản của YEG đang ở đâu?

Bà Nguyễn Thị Thùy Giang: Chúng tôi ước tính chỉ số EPS (lợi nhuận/cổ phiếu) - năm 2018 của Yeah1 khoảng 5.500 đồng/cổ phiếu đang lưu hành.

Tại mức giá niêm yết 250.000 đồng/cổ phiếu và giá chào bán cho các nhà đầu tư tài chính là 300.000 đồng/cổ phiếu, chỉ số PER (hệ số giá/lợi nhuận) -  năm 2018 đang khoảng 45 và 54. Mức PER này đang khá cao không chỉ đối với thị trường chứng khoán Việt Nam (mức trung bình 15 -16) mà cả các công ty truyền thông trong khu vực (mức trung bình 34).

Tuy nhiên với kỳ vọng tăng trưởng cao do Công ty này đặt ra trong 2 năm tới, việc định giá trên có thể dần hợp lý hơn. Cụ thể, dựa trên doanh thu mục tiêu năm 2018 là 1.600 tỷ đồng, chỉ số PS (giá/doanh thu) ước tính từ 4,1-5 là khá tương đồng các công ty cùng ngành trong khu vực (trung bình là 4,02).

Tuy nhiên, đối với một công ty hoạt động trong lĩnh vực truyền thông và luôn có sự thay đổi về công nghệ, rất khó để dự báo kết quả kinh doanh của Yeah1 sau năm 2018, đặc biệt là khi Tập đoàn liên tục xem xét các giao dịch mua bán và sáp nhập (M&A) trong và ngoài nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục